Vào những ngày cuối tháng 3, Đà Nẵng thường đón hàng ngàn du khách khắp thế giới hội tụ trong lễ hội pháo hoa đặc biệt.
Tuy nhiên, năm nay có chút thay đổi. Người Đà Nẵng đã đưa chương trình Duyên dáng Việt Nam về, cho dịp kỷ niệm 39 năm giải phóng trọng đại này. Hai đêm diễn 26 và 27-3 tại Cung Tiên Sơn – Đà Nẵng, hoàn toàn làm thỏa lòng người hâm mộ.
Với chủ đề Tình non nước, Duyên dáng Việt Nam 27 hướng đến việc tôn vinh tình yêu của đất và con người xứ Quảng. Rất nhiều tuyệt phẩm của các nhạc sĩ gốc Quảng nổi tiếng như Nhật Ngân, Trầm Tử Thiêng, Vũ Đức Sao Biển, Trần Quế Sơn, Hà Chương… đã được trình bày qua tiếng hát cũng của các ca sĩ gốc Quảng thành danh. Phi Thúy Hạnh với Cô du kích Đà Nẵng trong hình ảnh một cô gái miền Trung kiên cường vác súng xông trận, tạo nên một không khí hùng tráng của những ngày tháng 3-1975. Đàm Vĩnh Hưng hát bằng giọng Quảng Nam trong Tình em xứ Quảng và Biển tình, tiết mục này khá ấn tượng bởi sự xuất hiện của những chú cá bằng khí cầu được điều khiển từ xa bơi lơ lửng tạo nên cảnh tượng mênh mông như đại dương. Đà Nẵng giấc mơ thiên đường do nhạc sĩ Hà Chương biểu diễn đã thể hiện khát vọng về một nơi sống lý tưởng nhất Việt Nam. Ánh Tuyết và Dương Triệu Vũ với hai ca khúc của nhạc sĩ xứ Quảng là Xuân và tuổi trẻ (La Hối), Quê hương tuổi thơ tôi (Từ Huy); cùng hoạt cảnh là những cánh diều căng phồng gió, bầy trẻ chăn trâu đuổi bắt nhau trên đồng làm nhớ về những vuông ruộng miền Trung gió khô. Nhạc sĩ Trần Quế Sơn, người sinh ra dưới chân núi Hòn Tàu – Quảng Nam, đã kết hợp với Quang Hào trong liên khúc Thôn nữ – Cõng mẹ đi chơi khiến không gian lặng đi vì xúc động.
Ngoài các tiết mục đậm chất Quảng, ca sĩ thế hệ anh chị như Elvis Phương, Cẩm Vân, Quang Linh mang đến cho khán giả những tiết mục đầy tính hoài niệm; bên cạnh dàn ca sĩ trẻ góp cho Tình non nước những màu sắc sống động, trẻ trung: Thu Minh, Lệ Quyên, Đức Tuấn, Văn Mai Hương, Uyên Linh, Hồ Trung Dũng, Phương Vy,… và đặc biệt là ca sĩ Chế Linh lần đầu tiên tham gia Duyên dáng Việt Nam với các ca khúc: Đừng nói xa nhau (song ca Lệ Quyên) và Qua cơn mê nghe bồi hồi, ngậm ngùi của đứa con trở về cội.
Sự góp tay dàn dựng của các đạo diễn: Tấn Lộc, Tuấn Lê và Tất My Loan đã đem lại cho chương trình một bữa tiệc thị giác, đa sắc làm mãn nhãn người xem. Cung Tiên Sơn được các bàn tay mệnh danh là phù thủy sân khấu này biến hóa thành sân khấu đa chiều với âm nhạc đạt kỹ thuật cách âm hiện đại. Ấn tượng nhất vẫn là các màn trình diễn xiếc thúng hay các nghệ sĩ biểu diễn nhào lộn, tung hứng với tre nứa, mẹt thúng mủng từng làm nên thành công cho À Ố Show; được minh họa cho nhiều tiết mục, nhưTiếng dân chài (Đức Tuấn), Ngày xưa lên 5 lên 3 (Quang Linh)… những ý tưởng nghệ thuật mới mẻ lần đầu đến xứ Quảng này đã được cổ vũ hào hứng.
Hơn năm ngàn khán giả, trong đó 60% vé được Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng “bao” và phần còn lại có giá từ 800 – 2 triệu đồng; là những con số phá kỷ lục của sinh hoạt văn nghệ của thành phố bên bờ sông Hàn. Duyên dáng Việt Nam 27 vừa mang ý nghĩa kỷ niệm vừa mang tính từ thiện khi chung tay cộng đồng gây quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình và quỹ Đào tạo nhân tài nước Việt; một lần nữa xứng danh với bản lĩnh và thương hiệu của chương trình được dày công xây dựng nhiều năm nay.
Nguyễn Lương