Mới đây, một người đàn ông tại Mỹ hiến xác mẹ mình cho việc nghiên cứu bệnh Alzheimer đã bất ngờ phát hiện ra xác của bà được dùng cho các cuộc thử nghiệm hiệu quả của chất nổ! Tin tức sốc này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Điều gì thực sự xảy ra đối với một xác chết được trao cho các nghiên cứu y học?
Từ vụ bê bối BRC
Giữa tháng 10-2019, những tình tiết mới về vụ kiện chống lại Trung tâm Tài nguyên Sinh học (The Biological Resource Centre-BRC) ở bang Arizona đã được công bố theo sau vụ bố ráp của FBI vào năm 2014 tại cơ sở này. Các điều tra viên đã thu giữ được hàng trăm phần thi thể người được lưu giữ bất hợp pháp.
Hiện nay BRC đã đóng cửa và đang chờ ra toà về hành vi sử dụng trái phép thi thể của những người hiến xác cho khoa học. Các gia đình người tặng tin rằng xác thân nhân họ được dùng không đúng mục đích và cảm thấy bị lừa sối một cách trắng trợn. “BRC đã kiếm tiền một cách bẩn thỉu trên ý định tốt đẹp của chúng tôi và làm sai mục đích của việc hiến tặng” – Jim Stauffer thuộc số người đang kiện BRC nói.
Ông nói với đài truyền hình ABC 15 ở Phoenix: “Mẹ tôi chết vì bệnh Alzheimer, nhưng xác của bà không giúp vào nghiên cứu bệnh này như thoả thuận mà để thử nghiệm sức công phá của chất nổ đối với cơ thể người. Thật không ngờ họ lại dám làm như thế!”. Ông khẳng định đã đánh dấu “Không” trên câu hỏi “Có cho phép dùng xác cho các thử nghiệm khác?”. Để “chài mồi” người cho, BRC có cả dịch vụ xử lý xác và hoả táng miễn phí cho những gia đình có thu nhập thấp.
Giám đốc Stephen Gore đã nhận tội vào năm 2015 nên chỉ lãnh án treo. Một số gia đình đã kiện công ty xử lý sai xác hiến và không minh bạch trong thoả thuận hiến xác. Sau vụ tai tiếng này, dư luận đang đặt vấn đề là các cơ sở nhận xác hiến đã thực sự làm gì đối với những cái xác họ nhận được. Rồi hành động sai trái vừa bị phát hiện của BRC sẽ tác động thế nào đối với các gia đình có ý định hiến xác thân nhân họ.
Rõ ràng, luật lệ còn quá nhiều kẽ hở trong việc hiến xác khiến nó dễ bị trục lợi. Bộ Y tế và Dịch vụ con người (Department of Health and Human Services) được giao quản lý lĩnh vực này, nhưng hiến xác vẫn còn là khu vực chưa được kiểm soát chặt chẽ. Mua bán xác người được xem là tội hình sự nhưng việc thiếu quy định về xử lý xác, tồn trữ và thiêu huỷ các bộ phận cơ thể sẽ tạo ra kẽ hở cho sự lạm dụng. Nhiều cơ sở tự đặt ra quy định riêng đối với xác hiến tặng.
Bị lạm dụng do luật lệ và quy định còn lỏng lẻo
Hiện chưa có thống kê chính xác tại từng quốc gia và trên toàn thế giới về số xác được hiến cho nghiên cứu khoa học mỗi năm. Không nắm chính xác số lượng nên việc quản lý rất khó khăn. Ngoài ra, không phải thân nhân người hiến xác nào cũng có đủ thời gian và điều kiện để theo dõi thường xuyên “đường đi” của xác.
Theo ước tính, tại Mỹ có hàng ngàn người hiến xác cho đào tạo, nghiên cứu y học và gia đình họ đều tin đây là một quyết định mang tính nhân đạo để cứu người. Các trung tâm nhận xác hiến tại các đại học dùng xác chết để dạy sinh viên và đa số, ví dụ Viện đại học California cam kết “giữ vững tính minh bạch trong việc sử dụng xác hiến”.
Một số đại học như Viện đại học Tennessee giao quản lý xác hiến cho Trung tâm nghiên cứu Nhân chủng (Anthropological Research Facility) thường được gọi là “The Body Farm” (trại xác) hoạt động theo các quy định đặc biệt với nhiệm vụ huấn luyện cho các chuyên viên pháp y về phẫu thuật và chẩn đoán nguyên nhân tử vong. Tiến sĩ Brandi Schmitt, giám đốc điều hành trung tâm phẫu thuật xác của Viện đại học California, nói: “Điều gì xảy ra với xác hiến còn tùng vào nhiệm vụ được giao của từng cơ sở nhận xác, dù của nhà nước hay tư nhân. Nếu muốn xác người thân chỉ được phép dùng cho đào tạo và nghiên cứu y học bạn phải tìm đến đúng trung tâm chuyên làm công việc này.
Nếu không, xác có thể được dùng cho mục đích sai trái khác”. Theo Schmitt, các luật lệ và quy định hiện có không đủ hiệu quả để bảo vệ xác hiến và ngăn cản những hành vi xâm hại không được phép. Luật Uniform Anatomical Gift Act (UAGA) áp dụng cho xác hiến tại Mỹ do Uỷ ban Uniform Law Commission soạn thảo nhưng tại mỗi bang còn có thêm các qui định dưới luật khác. “Các luật này hướng dẫn việc sử dụng xác hiến như một tặng vật để cấy ghép cơ phận, đào tạo y khoa và nghiên cứu khoa học. Luật bang chỉ được soạn thảo, ban hành và tu sửa bởi một cơ quan được qui định trong luật liên bang. Nói chung, luật liên bang và bang đều cấm các hành vi phân chia, chuyển giao kiếm lời và vất bỏ xác bừa bãi” – Schmitt nói và đề nghị nên có thêm các qui định bổ sung sau vụ bê bối tại Arizona.
“Đa số luật và quy định hiện nay đã lỗi thời ở cả cấp bang lẫn tiểu bang nên dễ dẫn đến lạm dụng và đi lệch mục tiêu tốt đẹp của gia đình hiến xác. Điều đáng quan tâm nữa là nhiều nơi luật chưa được thực thi đầy đủ. Gia đình người hiến xác có quyền được biết thông tin về xác sau khi hiến và những gì xảy ra với nó” – ông nói. UAGA hứa sẽ có thêm bản hưởng dẫn xử lý xác hiến theo đề nghị của Hội Các phẫu thuật gia Mỹ (American Association of Anatomists-AAA). “Những chưng trình kêu gọi hiến xác như Body Donation Program chỉ nên tập trung vào nghiên cứu khoa học và đào tạo y khoa nếu muốn tiếp tục nhận được sự hưởng ứng” – Schmith nhấn mạnh. Tổ chức Các ngân hàng Mô Mỹ (American Association of Tissue Banks-AATB) cũng rất quan tâm đến việc bổ sung các hướng dẫn mới.
Y học vẫn rất cần những xác hiến
Vụ bê bối BRC không hề làm giảm tầm quan trọng của việc sử dụng xác hiến trong y học. Một vụ hiến xác được chú ý nhất xảy ra vào năm 2015 là bà Susan Potter sống tại Denver tặng xác cho chương trình Visible Human Project do tiến sĩ Vic Spitzer (Viện đại học Colorado) chủ trì để tạo mẫu vật ảo từ các cơ phận người thực. Xác của Susan được đông lạnh và sẻ ngang từ đầu đến chân thành 27.000 lát mỏng như sợi tóc. Mỗi lát đều được chụp ảnh và Potter đã trở thành “xác người bất tử” trong hình ảnh full 3D tuyệt đẹp.
Tại Anh, xứ Wales và Bắc Ailen, cơ quan Human Tissue Authority (HTA) được giao nhiệm vụ cấp giấy phép lấy mô người và kiểm tra các nơi nhận xác cho nghiên cứu y học. Hiện nay có 19 cơ sở được phép nhận xác hiến tại Anh và người tặng thường chọn nơi nào gần nhà nhất thông qua trang web của HTA hay bệnh viện, chính quyền địa phương. Tại nhiều quốc gia, niềm tin tôn giáo ảnh hưởng lớn đến quyết định hiến xác cho nghiên cứu y học.
Ví dụ, một số nước châu Phi cấm tặng xác hay cơ phận nêu lý do trái với giáo lý. Ở Trung Đông, bệnh viên Aspetar tại thành phố Doha có chương trình nghiên cứu xác người Visiting Surgeons Programme hoạt động từ năm 2007, nơi các sinh viên y khoa sau tốt nghiệp từ khắp thế giới đến để học phẫu thuật trên xác chết. Còn tại Qatar, một bệnh viện được phép nhập cơ phận người để nghiên cứu phẫu thuật thay cho hình nhân đã hoạt động được hơn 12 năm.
Đa số cơ phận (thường là vai, đầu gối, mắt cá và bụng) đến từ Mỹ. Quá trình nhập phải có sự đồng ý của 6 bộ liên quan nên rất chặt chẽ. Trong nhiều trường hợp, xác hiến chỉ được dùng nghiên cứu một năm duy nhất. Mỗi năm có thêm hàng trăm người Anh đồng ý hiến xác sau khi chết. Graeme Ellis 45 tuổi thuộc số trường hợp đặc biệt so với những người hiến xác khác. Ông muốn giúp các bệnh nhân sau khi chết. Thoạt đầu ông định tặng một số cơ phận nhưng bị cho là không thích hợp vì chúng không còn tốt.
Vì vậy ông chuyển sang tham gia chương trình nghiên cứu trị liệu tiểu đường của trường y thuộc Viện đại học De Montfort. “Tôi muốn dùng chính căn bệnh mình đang mang vào việc nghiên cứu chữa trị nó ngay từ lúc tôi còn sống” – ông nói. Các sinh viên y khoa đánh giá cao và trân trọng những người hiến xác. Ví dụ sinh viên Katie Bramall-Stainer của trường University College London gọi cái xác nữ giới 18 tuổi cô thực tập bằng cái tên thân thương là “Mollie”. Lễ tri ân xác hiến cũng được tổ chức rất trang trọng. Wilfrid Kirkham sống tại Croston, Lancashire (Anh) chết cách nay 7 năm ở tuổi 66 do bệnh xơ hoá phổi (pulmonary fibrosis). Anh và vợ Christine muốn hiến xác cho khoa học và họ tìm đến Viện đại học Keele nêu ý định là muốn “đóng góp một cái gì đó tốt đẹp cho thế giới”.