Đức tiếp tục ủng hộ chính sách cắt giảm ngân sách trên toàn châu Âu
Đầu tuần qua, Đức khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ chương trình thắt lưng buộc bụng trên toàn châu Âu, bất chấp sự phản đối mạnh ngay trong khu vực đối với sự “khổ hạnh” này trong suốt hơn ba năm qua. Nhân chuyến công du đến Tây Ban Nha, Thủ tướng Đức Angela Merkel tán dương chính sách cắt giảm ngân sách của Madrid và cho biết bà sẽ ủng hộ hết mình việc bộ trưởng kinh tế nước này ra tranh cử vị trí lãnh đạo các bộ trưởng tài chính tại diễn đàn Eurogroup sắp tới. Nhắc đến cách ông Luis de Guindos xử trí trước tình hình khủng hoảng tại Tây Ban Nha, bà Merkel cho rằng ông là một bộ trưởng xuất chúng trong suốt thời kỳ khó khăn nhất của quốc gia Nam Âu này ngập chìm trong nợ. Berlin sẵn sàng hậu thuẫn tích cực cho những chính sách thắt lưng buộc bụng sắp tới của Guindos, như đã từng làm trước đây trong việc liên minh tái thiết hệ thống tài chính tệ hại của Madrid. Cả bà Merkel và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy trong cuộc gặp gỡ đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tiếp tục cắt giảm ngân sách và cải tổ kinh tế, vì đó là bước đi vững chắc trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn cũng như đưa mức nợ công và thâm hụt mậu dịch quốc gia của Tây Ban Nha trở lại mức độ phù hợp nhất. Theo ông Rajoy, cải tổ toàn bộ hệ thống kinh tế là một việc làm rất khó khăn và phức tạp nhưng vô cùng cần thiết, để giúp thị trường tăng tính cạnh tranh, tạo nhiều công ăn việc làm và nâng cao mức sống cho người dân. Chính quyền Madrid cho biết đã nhìn thấy sự hồi phục của nền kinh tế Tây Ban Nha trong thời gian gần đây, GDP cũng gia tăng trở lại từ cuối năm ngoái. Trước đó, GDP của Tây Ban Nha liên tục tăng trưởng âm kể từ khi thị trường bất động sản nước này sụp đổ năm 2008.
Tuy nhiên, phản ứng trước việc bắt tay của Madrid và Berlin, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Arnaud Montebourg đã chỉ trích chính sách “khổ hạnh kinh tế” do Đức khởi xướng và cho biết Paris sẽ không bao giờ bị “dọa nạt” bởi nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Hồi đầu tháng 8-2014, Đức cũng đã bỏ qua lời kêu gọi của Tổng thống Pháp François Hollande về việc đổi mới chính sách kinh tế hướng đến tăng trưởng nhiều hơn là cắt giảm. Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công tấn công các nước eurozone vào năm 2010, Đức đã nhiều lần bị cáo buộc là không sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để hỗ trợ tài chính, đưa tay kéo các quốc gia khác ra khỏi cơn bĩ cực và cùng nhau phát triển. Ngược lại, Berlin lại kêu gọi tất cả cùng thắt lưng buộc bụng để vượt qua khủng hoảng, dẫn đến tình trạng cắt giảm ngân sách và thất nghiệp gia tăng trên toàn bộ lục địa già. Mới đây, ông Hollande và Thủ tướng Ý Matteo Renzi cũng liên tục kêu gọi châu Âu phải thực hiện một chính sách nới lỏng kinh tế hơn là đi theo những gì Berlin đang dồn ép. Cũng trong đầu tuần qua, Chủ tịch IMF Christine Lagarde, cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp, trong cuộc họp báo tại Thụy Sĩ, cũng kêu gọi Đức nên đóng một vai trò kinh tế lớn hơn trong cuộc hồi phục của châu Âu, vì Berlin có đủ tiềm lực tài chính để làm điều ấy. Nếu trong ba năm qua, thắt lưng buộc bụng đã là điều nên làm thì trong những năm 2014-2015, việc cắt giảm ngân sách nên được tiến hành ít hơn.
B. Trịnh theo AFP