Nghệ thuật đường phố (street art) hiểu một cách nào đó chỉ đơn giản là một trò chơi của giới trẻ, nhưng có một nghệ sĩ đã ứng dụng mặt tích cực của trò chơi này khi đưa nhiều tác phẩm hội họa bất tử từ các bảo tàng và gallery ra đường phố, mang đến cho các kiệt tác ấy một cuộc sống mới, gần gũi và thiết thân hơn đối với công chúng bình dân.
Với tên gọi Outings Project (tạm dịch “Dự án Những chuyến dã ngoại”), nghệ sĩ thị giác cũng là nhà làm phim người Pháp Julien de Casabianca đã khởi xướng một phong trào nhằm khuyến khích các nghệ sĩ đường phố tái hiện những chân dung từ các tác phẩm hội họa nổi tiếng trên các mảng tường, những góc đường, góc phố… bình dị, thậm chí là những nơi chốn bị lãng quên, không ai ngó ngàng, chăm sóc ở các đô thị; nói cách khác ý tưởng của Julien de Casabianca là tạo nên các gallery ngay trên đường phố: “Bằng điện thoại di động, bạn hãy chụp lại chân dung trong tranh ở bảo tàng, in các chân dung đó và đưa chúng đến với các bức tường phố xá”, ông nói. de Casabianca đã mời gọi các nghệ sĩ đường phố đến các bảo tàng nơi họ sinh sống, cùng chụp ảnh các tác phẩm chân dung bằng công cụ phổ biến hiện nay là điện thoại di động và đưa nó đến với cuộc sống thường nhật.
Phong trào nghệ thuật toàn cầu
Bắt đầu được tiến hành từ cuối năm 2014, Outings Project nay đã đến với nhiều đô thị lớn ở châu Âu và ở Mỹ. Nhiều nghệ sĩ đường phốở Úc, Brazil, Trung Quốc, Pakistan, châu Phi… đã hưởng ứng lời kêu gọi của dự án, hứa hẹn sẽ trở thành một phong trào mang tính toàn cầu. Dự án đã có được sự hỗ trợ, giúp sức của các “đối tác” quan trọng như thị trưởng thành phố Paris, Bảo tàng Nghệ thuật Lãng mạn (Museo del Romanticismo) ở Madrid, Công ty in Azo ở London. Nhiều bảo tàng, trường học và thành phố đã mời Casabianca cùng các cộng sự tiến hành dự án Outings. Cho tới nay đã có cả trăm nghệ sĩ đường phốở các châu lục tham gia phong trào.
Năm 1877, họa sĩ người Pháp William-Adolphe Bouguereau đã sáng tác bức Tuổi thanh xuân và tình yêu, thể hiện một cô gái khỏa thân đầy gợi cảm, cõng trên vai một thiên thần nhỏ đang chơi đàn. Tác phẩm nay được trưng bày ở một gian chính của Bảo tàng Orsay ở Paris. Vào một ngày đầu tháng 6-2015, Julien de Casabianca đã “lôi” hai nhân vật trong tranh khỏi bảo tàng, phóng hình họ lớn hơn kích thước trong tranh và dán vào một bức tường cũ kỹ của một cao ốc thuộc quận 18 của thủ đô nước Pháp. Bức tường lại nằm giữa hai tiệm bán thực phẩm mà chủ là người theo đạo Hồi. de Casabianca hỏi một trong hai chủ tiệm liệu bức tranh có khiến ông ấy khó chịu không, ông ta trả lời không việc gì. de Casabianca thường hỏi họ (người dân sống ở nơi đó) suy nghĩ gì và luôn có những sự trao đổi như vậy. Cũng lần đó, một trong hai chủ tiệm nói ông ta có hơi sốc một chút, song chỉ thế thôi, chuyện ấy đã trở thành một cuộc trao đổi về nghệ thuật.
Cho tác phẩm hàn lâm một cuộc sống mới
Tuy nhiên, tác phẩm gợi ý tưởng đầu tiên cho dự án Outings là bức chân dung Caroline Rivière của bậc thầy Ingres được trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Louvre. Julien de Casabianca nhớ lại phút giây ông gặp “nàng”: “Khi đó, tôi muốn giúp đưa nàng ra khỏi nơi ấy, giống như cách chàng hoàng tử đẹp trai cứu người đẹp thoát khỏi lâu đài bảo tàng”. Để đưa người đẹp Caroline Rivière ra khỏi những bức tường của Louvre và cho nàng một cuộc sống mới rộn rã hơn, chỉ có một cách là ứng dụng nghệ thuật đường phố vốn hết sức quen thuộc với cư dân Paris. Ông chụp lại bức chân dung bằng chiếc điện thoại iPhone 5C, rồi in ra và dán tranh lên một mảng tường của một trạm xe lửa cũ ở Paris, gần đó là nhà của những người dân có thu nhập thấp, những người nhập cư có cuộc sống không dễ dàng gì ở kinh đô Ánh sáng. Thoát khỏi cuộc sống bảo tàng khép kín, nàng Caroline Rivière đã có một chuyến dã ngoại thật hào hứng. Dự án Outings ra đời từ đó.
Cuối năm ngoái, không lâu sau khi bắt tay thực hiện dự án Outings, để công việc được tiến hành hoàn hảo, Julien de Casabianca đã đầu tư mua một máy in chuyên nghiệp Canon iPF8400SE trang bị cho phòng làm việc của ông, đặt tại tầng hai tòa nhà nguyên là tháp nước Fontaine de la Croix du Trahoir, được xây dựng từ năm 1776 và từng cung cấp nước cho cung điện Palais Royal. Với máy in này, de Casabianca đã có thể phóng to hình ảnh chụp các bức tranh chân dung với chi tiết sắc sảo.
Dù Outings Project nay đã trở thành một phong trào nghệ thuật được biết đến khá rộng rãi, de Casabianca vẫn khiêm tốn nói về những gì mình đã làm được cho đời: “Thú thật, tôi thậm chí còn không biết được những tác phẩm đó quan trọng ra sao trong lịch sử mỹ thuật; tôi chỉ tìm thấy cái đẹp ở tác phẩm”. Ông muốn chia sẻ cái đẹp đó với số đông, những người vì nhiều nguyên nhân, có khi chưa từng bước chân vào các không gian thâm nghiêm của bảo tàng ở ngay nơi mình sống đã nhiều năm, chưa từng mục kích những bức chân dung được vẽ bởi các danh họa. Cùng với Julien de Casabianca thực hiện những bức tranh tường ở khu ngoại ô thuộc quận 19 của Paris, cô Maïlys Lamotte-Paulet, 23 tuổi, trợ thủ của ông và là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật quốc gia Pháp đã khẳng định dự án Outings là một “phong trào cao quý”.
Nhà văn đoạt giải Nobel Cao Hành Kiện đã từng viết về bộ phim ngắn Đêm sau cơn mưa của Julien de Casabianca. Để làm bộ phim dài đầu tay Đi ngang qua, Julien de Casabianca đã mất ba năm quay các đường phố ở 44 đô thị lớn của 22 quốc gia mà nhân vật là những người vô danh đi qua đường. Đạo diễn lừng danh Costa-Gravas đã ca ngợi bộ phim này mà theo ông thì phim đã “chạm tới phần sâu kín của tâm hồn”. Đi ngang qua còn được làm thành một tác phẩm sắp đặt video, trình chiếu trên màn ảnh rộng ở tòa thị chính Paris.
Julien de Casabianca từng được Đại học Nghệ thuật Tokyo mời sang chiếu phim và giảng dạy cho sinh viên bậc cao học.
- Lê Bản