Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành rất được dư luận quan tâm kể từ khi còn là ý tưởng, đã tạo ra những cuộc tranh luận kéo dài, từ việc nên hay không nên xây dựng đến nguồn vốn, cách thức thực hiện… Nay mọi chuyện đã rõ ràng, khi ngày 25-6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành tại huyện Long Thành (Đồng Nai).
Theo đó, cảng hàng không quốc tế Long Thành với công suất dự kiến 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm sẽ đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng, tương đương 16,03 tỉ USD. Trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng, tương đương 5,45 tỉ USD. Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật. Dự án sẽ được áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng và hiệu quả. Dự án gồm ba giai đoạn, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3 sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.
Hành trình để dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được hình thành khá gian truân. Năm 1997, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc, trong đó có việc xây mới sân bay Long Thành. Đến năm 2005, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Quy hoạch vị trí, quy mô, phân khu chức năng cảng hàng không quốc tế Long Thành và đến năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành. Như vậy, thời gian kể từ khi được đưa vào quy hoạch cho đến ngày ra Quốc hội để thông qua chủ trương đầu tư kéo dài 18 năm, đủ để nhiều quốc gia hoàn thiện căn bản hệ thống hạ tầng giao thông trên nhiều lĩnh vực, từ hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt…
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành khi hoàn thành sẽ chia sẻ được áp lực quá tải đối với sân bay Tân Sơn Nhất, tránh tắc nghẽn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào quá trình này cũng sẽ là một lựa chọn để đảm bảo giảm bớt áp lực đối với đầu tư công, đồng thời mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trên tinh thần thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng đã và đang được thúc đẩy và đạt được một số kết quả bước đầu trong thời gian qua.
- Ly Lam