Một bất đồng thương mại đang để lại trong lòng nhiều người trồng ôliu (olive) Tây Ban Nha những dư vị đắng chát. Đó là việc chính quyền Mỹ nâng mức thuế đánh vào nền công nghiệp sản xuất các sản phẩm từ cây ôliu của nước này, làm thiệt hại 27 triệu USD, đồng thời tạo ra nhiều hiệu ứng khác trong quan hệ kinh tế Mỹ và châu Âu. Theo ông Antonio de Mora, Tổng thư ký Hiệp hội sản xuất và xuất khẩu ôliu Tây Ban Nha (ASEMESA), canh tác cây ôliu là ngành công nghiệp quan trọng của vùng Andalusia và các khu vực lân cận ở nước này, rất khó tìm những hoạt động thay thế.
Trong thời gian qua, việc thu hoạch ôliu tại nhiều vùng ở Tây Ban Nha đã giảm sút rõ rệt, do việc giảm mức cầu trên thị trường. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là vào tháng 6-2018, chính quyền Mỹ áp thuế lên mặt hàng ôliu do Tây Ban Nha sản xuất và xuất khẩu, với lý do là sản phẩm được bán dưới giá thị trường – điều mà Washington gọi là sự trợ cấp không công bằng xuất phát từ Liên minh châu Âu (EU). Thuế suất được định ở mức 25,5% để đối phó với nạn bán phá giá, cộng thêm khoản phụ thu lên đến 27,02%.
Theo ASEMESA, từ khi mức thuế này được áp đặt, sản lượng ôliu xuất khẩu đã giảm đến 60% trong khi Tây Ban Nha là nước sản xuất và xuất khẩu ôliu lớn nhất thế giới, năm 2017 đã xuất sang Mỹ một lượng sản phẩm trị giá 67,6 triệu USD. Nay với mức thuế cao do Mỹ áp đặt, nguy cơ sa sút, thậm chí phá sản của ngành nông nghiệp này là điều có thể tiên đoán được. Trước tình trạng trên, EU đã phải vào cuộc. Tháng 1-2019, Cao ủy thương mại của EU là bà Cecilia Malmstrom đã gửi kiến nghị đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đề nghị giải quyết vấn đề. Theo bà, mức thuế do Mỹ áp đặt là “vô lý, không xác đáng và phản lại những nguyên tắc của WTO”.
Đi sâu hơn vào động thái chống bán phá giá sản phẩm ôliu của Mỹ, người ta được biết hai nhà sản xuất ôliu tại bang California là Bell Carter Foods Inc. và Musco Family Olive Co. đã khiếu nại, cho rằng ôliu Tây Ban Nha đã bán dưới giá thị trường tới 70%. California là bang trồng nhiều ôliu nhất nước Mỹ do có khí hậu giống với khí hậu Địa Trung Hải. Trong gần một thế kỷ, trái ôliu của California chỉ được sử dụng trong chế biến bánh pizza và làm món trộn xà lách, tuy nhiên đến cuối thập niên 1990, nhiều nông gia Mỹ chuyển sang chế biến dầu ôliu bán ra thị trường. Theo nông gia Sam Israelit, chủ nông trại Spanish Oaks Ranch ở miền Trung California, người tiêu thụ Mỹ sẵn sàng mua một chai dầu ôliu với giá 20-25 USD, điều này khuyến khích các nhà nông trong vùng tăng gia canh tác loại cây này và nâng cao sản lượng dầu ôliu.
Sự bất đồng thương mại về sản phẩm ôliu giữa Mỹ và Tây Ban Nha trở nên sâu sắc vào mùa hè năm 2017, khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố sẽ điều tra việc (Tây Ban Nha) bán phá giá sản phẩm này. 137 cuộc điều tra đã được Bộ Thương mại Mỹ tiến hành vào cuối năm 2018, tăng 300% so với số lượng cuộc điều tra diễn ra trong hai năm đầu của chính quyền thời Tổng thống Barack Obama.