Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, lần đầu tiên quy mô dự trữ ngoại hối đến cuối 2017 chính thức được công bố tại phiên họp cuối năm đánh giá về công tác điều hành giá năm 2017.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết dự trữ ngoại hối này bao gồm cả ngoại tệ mua lại từ kết quả thoái vốn nhà nước tại Sabeco vừa qua.
Trong một tuần gần đây, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ; cao điểm có ngày mua vào tới khoảng 3,6 tỉ USD – điều chưa từng có từ trước đến nay, chỉ riêng lượng ngoại tệ mua ròng trong năm 2017 lên tới 12 tỉ USD.
Giá USD bán ra trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng ổn định ở mức thấp, quanh 22.745 VND, trong khi đó trên thị trường tự do giá USD cũng liên tục giảm về sát với giá niêm yết của các ngân hàng thương mại.
Cũng tại phiên họp trên, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đây là năm thứ hai Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bảo đảm kiểm soát chuỗi lạm phát mục tiêu và lạm phát thực tế sát với chỉ tiêu của Quốc hội. Cụ thể, năm 2016, lạm phát là 4,75%, bảo đảm chỉ tiêu dưới 5% và năm 2017 là 3,52% – dưới mức 4%.
Về tín dụng, năm nay ngành ngân hàng đã đưa tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, hỗ trợ cho việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Và tính đến cuối năm, tín dụng đã tăng khoảng 19%.
Trong một diễn biến khác liên quan đến đồng ngoại tệ, lượng kiều hối về TP.HCM trong năm 2017 đã lên đến 5,2 tỉ USD.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết trong những tháng cuối năm, lượng kiều hối chuyển về đang tăng dần. Nếu như các tháng trước trung bình chỉ đạt 375-400 triệu USD/tháng, thì từ tháng 10 đã tăng lên 600 triệu USD và tháng 11 lên mức 650 triệu USD. Trong tháng 12 số tiền chuyển về cũng tương đương với tháng 11.
Lượng kiều hối chuyển về chủ yếu vẫn đến từ thị trường Mỹ (chiếm trên 60%) và châu Âu (hơn 19%). Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, 72% kiều hối được người dân sử dụng vào sản xuất – kinh doanh, 22% được đổ vào bất động sản và 6% còn lại là tiêu dùng cá nhân.
Liên quan đến chính sách lãi suất đối với USD, vừa qua một số chuyên gia và doanh nghiệp đã đề xuất nên tăng lãi suất huy động USD để tạo động lực kéo nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân trở lại hệ thống ngân hàng, tránh tình trạng đem ngoại tệ gửi ở nước ngoài.
Thế nhưng Ngân hàng Nhà nước khẳng định chính sách đang thực thi đã có nhiều tác động tốt, tạo nền tảng ổn định cho đồng nội tệ. Nhiều người đã chuyển từ USD sang VND để gửi tiết kiệm. Riêng trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm được 8 tỉ USD.
Huy động vốn bằng ngoại tệ hiện chỉ chiếm tỷ trọng 12% trong tổng huy động vốn, trong khi ở giai đoạn năm 2010-2015, tỷ lệ này lên đến 19 – 22%.
Do vậy Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định giữ lãi suất huy động USD ở mức 0%.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, kinh tế vĩ mô trong nước thời gian qua ổn định và sức ép tăng tỷ giá do tâm lý thị trường đã không còn nên người nhận kiều hối đã dần chuyển từ ngoại tệ sang nắm giữ VND để hưởng lãi suất cao hơn, nhất là khi lãi suất tiết kiệm bằng USD hiện đã giảm về mức 0%.
Liên quan đến kiều hối trong năm 2017, số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy lượng kiều hối về Việt Nam tăng khoảng 16% so với năm 2016, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng năm năm qua. Cũng theo Ngân hàng Thế giới, kiều hối của Việt Nam chiếm 7% GDP (14 tỉ năm 2015) trong khi tỷ lệ này của Myanmar là 5% GDP, Campuchia 3% và Philippines là 10% – được xem là cao nhất thế giới.
Việt Nam là một trong 10 nước có lượng kiều hối cao nhất thế giới, một phần trong số này do chương trình xuất khẩu lao động mang lại.
Cùng với lượng ngoại tệ đổ về ngày càng nhiều, những tháng cuối năm nguồn cung hàng hóa tết cũng đã sẵn sàng.
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM – Saigon Co.op cho biết, tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng trước, trong và sau tết năm nay của doanh nghiệp này lên đến hơn 130.000 tấn, tăng 15% so với năm trước.
Để chuẩn bị hàng hóa đảm bảo ổn định thị trường, Sở Công thương đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất trên địa bàn thành phố.
Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại căn cứ vào kết quả thực hiện tết năm 2017 và dự báo mức tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng từ 10 – 15% so với các tháng trong năm.
Theo dự kiến của Sở Công thương, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp tết 2018 gồm: gạo 193.600 tấn; thịt lợn 50.000 tấn; thịt gà 14.000 tấn; thịt bò 13.800 tấn; trứng gia cầm 200 triệu quả; rau củ 220.000 tấn; thực phẩm chế biến 12.000 tấn; thủy – hải sản 12.000 tấn; nông – lâm sản khô khoảng 3.500 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo; 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát; 120.000m3 xăng dầu và các mặt hàng về may mặc, điện máy.
Các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu – bia – nước giải khát phục vụ tết trên địa bàn sản xuất đưa ra thị trường phục vụ tết giá trị hàng hóa khoảng 10.000 tỉ đồng.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bánh mứt kẹo, giò chả, miến, nông sản chế biến, chè, miến dong, bột sắn… với tổng giá trị khoảng 2.200 tỉ đồng. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 12.830 tỉ đồng.
Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng kinh doanh tại mặt phố, khu dân cư trên địa bàn dự kiến dự trữ hàng hóa phục vụ tết khoảng 4.630 tỉ đồng; doanh nghiệp kinh doanh thương mại, giết mổ gia súc, gia cầm, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến chuẩn bị khoảng 1.500 tỉ đồng; doanh nghiệp kinh doanh hàng điện máy nhập lượng hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhân dân khoảng trên 4.700 tỉ đồng; các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường mặt hàng xăng dầu với giá trị khoảng 2.000 tỉ đồng.
Sở Công thương TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Mậu Tuất trên địa bàn là 17.812,1 tỉ đồng, tăng 743,3 tỉ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Đinh Dậu 2017.
Trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.044,8 tỉ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 17-1-2018 đến 15-2-2018, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.601,4 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.166,5 tỉ đồng.
Về giá cả hàng hóa phục vụ tết, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước tết và một tháng sau tết (tức ngày 15-1-2018 đến hết ngày 15-3-2018); đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong hai ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…