Vì sao người nông dân lại không mặn mà với các du khách, trong khi có một thời loại hình du lịch này được cả hai phía ưa chuộng. Đi tìm câu trả lời, chúng tôi đã nhận được những chia sẻ khá bức xúc của nhiều nhà vườn.
Qua đó, điểm mấu chốt là hầu hết các du khách rất thích vô vườn vui chơi, ngắm cảnh nhưng lại chẳng muốn sẻ chia chi phí. Điều này đã gây nhiều phiền toái khiến các nhà vườn lâm cảnh dở khóc dở cười vì tiếp đón các vị khách không mời này vừa tốn công, vừa mệt mỏi. Đã vậy, nhiều du khách lại không xem trọng sản vật của vườn, chỉ chăm chăm rình chủ nhà sểnh mắt là hái trái, bứt quả trộm. Sự việc này đã tồn tại nhiều năm, gây bao uất ức khiến các nhà vườn thẳng tay từ chối đón du khách đến thăm vườn hoa, vườn cây ăn trái, đặc biệt là khách Việt.
Mở đầu câu chuyện, anh Lưu Văn Tín – một chủ vườn có khuôn viên rộng 6.500m2 chuyên trồng giống quýt hồng Lai Vung nổi tiếng đất Sa Đéc chia sẻ nỗi bực dọc của mình khi chứng kiến các du khách tàn phá vườn quýt không hề thương tiếc.
Anh cho biết, quýt hồng Lai Vung là loại cây ra quả chỉ có một mùa trong năm, nó được xếp vào hàng đặc sản quý của Đồng Tháp vì trái quýt hồng cho giá trị cao từ hình thức đến chất lượng trái. Đặc biệt, mùa thu hoạch rơi vào thời điểm sát Tết Nguyên đán nên có rất nhiều nhà nhiếp ảnh, du khách đến xin chụp ảnh vườn quýt đang vào mùa chín rộ. Ban đầu, anh nhiệt tình hướng dẫn du khách tham quan và chia sẻ kinh nghiệm trồng cây đến các du khách… Thế nhưng, sự nhiệt tình của anh dần nguội lạnh khi anh nhận ra một điều. Hầu hết, các du khách Việt không quan tâm tìm hiểu để bổ sung kiến thức mà họ thăm vườn với mục đích là ngó nghiêng, săm soi vườn cây trái đẹp để chụp hình khoe bạn bè. Tệ hại hơn, các du khách này rất thích bẻ trộm trái mà không cần biết quýt đã chín hay chưa. Đặc biệt, tuy thích thăm vườn nhưng các du khách lại rất chi li, cau có nếu bị nghe chủ vườn yêu cầu trả phí.
Đồng tâm trạng như anh Tín, anh Toàn – một nông dân chuyên nghề trồng hoa kiểng, hiện ngụ tại ấp Tân Mỹ, xã Tân Quy Đông – thành phố Sa Đéc cũng bức xúc không kém khi kể lại nỗi khổ của anh phải chịu đựng từ các du khách. “Thiếu văn hóa” là từ anh dùng để diễn tả hành động xông vào tham quan vườn hoa không hỏi thăm hay xin phép chủ nhà một câu của những du khách kiểu này. Dạo vườn, các du khách này “tự sướng” biểu diễn cách hái hoa, giẫm hoa tàn rụi rồi ra về mà có khi không một lời cảm ơn.
Qua câu chuyện trên, chúng tôi nhận thấy dường như các du khách Việt quên rằng, việc trả phí tham quan các khu vườn cây trái là một hành động thể hiện sự sòng phẳng với nhà nông. Số tiền không lớn, nhưng nó bao hàm sự trân trọng người chủ vườn đã bỏ công sức tiếp đón, hướng dẫn và sẻ chia kinh nghiệm của mình trong nghề nghiệp. Với các du khách nước ngoài, đây được gọi là mô hình du lịch sinh thái kết hợp sáng tạo, rất được trân trọng và được ưa chuộng trong thời đại hiện nay. Ở nước ngoài, tham quan mô hình du lịch này, du khách phải trả một khoản phí không nhỏ. Ở miền Tây Nam bộ, bà con nông dân có tính hiếu khách rất cao, khách đến thăm vườn là vui nên thường được người dân xuê xoa bỏ qua mọi chuyện. Nhưng khi phải tiếp đón một lượng khách đông đảo, đến thường xuyên thì việc tính phí tham quan xem ra là một việc đáng phải thực hiện. Có như thế, các chủ nhà vườn mới vui vẻ tiếp đón khách vì công sức của họ cũng được an ủi một phần trong việc thu lại chi phí nhằm bổ sung vào những phí tổn tiếp khách phát sinh.
Hiện nay, một số nhà vườn của khu vực miền Tây Nam bộ đã cân nhắc việc thu phí dành cho du khách đã xuất hiện rải rác ở Bến Tre, Hậu Giang… Bà con miệt vườn ở đây ủng hộ và học hỏi cách làm của các chủ vườn hoa tam giác mạch ở Hà Giang qua sự việc sau: Họ đã đồng lòng ngăn chặn du khách đến trải nghiệm xem hoa chụp ảnh. Ngược lại, các chủ vườn hoa này đã tổ chức thu phí hẳn hoi, mỗi lần vào xem hoa sẽ thu phí 20.000 đồng/khách. Nếu ai giẫm đạp hư hoa thì phải đền tiền. Ban đầu, các bạn trẻ đã phản ứng nhưng sau đó tất cả đều phải tuân theo quy định vì nếu không chấp thuận, họ đành phải đứng nhìn chứ không được thỏa mình trải nghiệm cánh đồng hoa xinh đẹp.