Báo cáo mới đây của Viện Du lịch Trung Quốc cho biết năm 2017, người Trung Quốc (TQ) đi du lịch nước ngoài đạt hơn 130 triệu lượt, tăng 7% so với năm trước đó. Chỉ tính riêng trong dịp Tết Âm lịch vừa qua, khoảng 6,5 triệu du khách nước này có mặt tại 730 thành phố của 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khu vực Đông Nam Á là điểm đến nhiều nhất của du khách TQ, trong đó Thái Lan đón 9,8 triệu lượt. Những năm gần đây, ngày càng nhiều người TQ thích đi du lịch các nước phương Tây. Các quốc gia như Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Ý đã chứng kiến lượng du khách TQ tăng đáng kể ngay cả nơi trước đây ít du khách TQ như Luxembourg, Monaco, Andorra cũng ghi nhận tình hình này.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc, du khách TQ cũng đã trở thành những người tiêu dùng hàng đầu trong những năm qua, chiếm khoảng 20% tổng chi tiêu của khách du lịch toàn cầu. Năm 2016, khách du lịch TQ đã chi tiêu tổng cộng 261 tỉ USD, tăng hơn 11 tỉ so với năm 2015. Thống kê cho thấy, du khách Mỹ đứng thứ hai về chi tiêu nhưng khoản tiền bỏ ra cũng chỉ bằng một nửa du khách TQ.
Theo báo cáo của China UnionPay, khách du lịch TQ đang có xu hướng chi nhiều hơn cho các hoạt động vui chơi giải trí ở nước ngoài. Cụ thể ở châu Âu, chi tiêu loại này năm nay tăng hơn 20% so với năm trước. Theo Trung tâm dịch vụ Lữ hành Trung Quốc, du khách nước này gia tăng chi tiêu cho vui chơi, giải trí, du lịch chữa bệnh thay vì tập trung vào mua sắm hàng hiệu như trước đây.
Sự bùng nổ của du khách TQ khiến nhiều quốc gia quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường đào tạo hướng dẫn viên tiếng Hoa cũng như các loại hình dịch vụ phù hợp với họ. Thành phố Dubai của UAE tỏ ra nhanh nhạy khi triển khai chương trình China Ready bằng dịch vụ tiếng Hoa ở các nhà hàng, khách sạn địa phương và các điểm tham quan. Trong khi đó với chính sách cung cấp thị thực miễn phí đối với du khách TQ, Dubai đã đón nhận 764.000 các đối tượng này trong năm 2017.
Indonesia cũng có những chủ trương tương tự, điển hình là chính sách “Mười đảo Bali” tập trung phát triển cơ sở hạ tầng du lịch dài từ Sumatra ở phía tây đến vùng Maluku ở phía đông. Theo báo Lianhe Zaobao của Singapore, một số nước Đông Nam Á dự định dành hơn 100 tỉ USD để xây dựng các sân bay, đường sắt, khách sạn và công viên giải trí để tăng cường cơ sở hạ tầng, đáp ứng làn sóng du khách TQ. Còn Nhật Bản hiện không chỉ có các tour tham quan cho du khách TQ mà đang tập trung vào dịch vụ hướng dẫn mua sắm trực tuyến và hỗ trợ phương thức thanh toán hiện đại được du khách ưa thích.
Li Xinjian, người đứng đầu Viện Quản lý Du lịch của Đại học quốc tế Bắc Kinh cho rằng xu hướng du lịch nước ngoài của người TQ ngày càng tăng đã trở thành một động lực mạnh mẽ cho ngành du lịch thế giới cũng như đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện việc làm và khơi dậy tiềm năng kinh tế của các nước thu hút nhiều du khách TQ.