Số lượng du khách tới tham quan núi đá thiêng Uluru của Australia đang ngày càng tăng cao sau khi chính quyền thông báo một lệnh cấm chinh phục ngọn núi này sẽ có hiệu lực từ tháng 10 tới.
Quy định cấm leo núi đá thiêng Uluru thuộc quần thể Công viên quốc gia Uluru-Kata Tjuta sẽ có hiệu lực từ ngày 26-10 tới nhằm gìn giữ môi trường tại đây. Tuy nhiên, lệnh cấm này vô hình trung lại khiến lượng du khách đổ về địa điểm linh thiêng của thổ dân Anangu này tăng đột biến và đi kèm với điều đó là nhiều vấn đề phát sinh.
Ông Stephen Schwer, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Tourism Central Australia, cho biết các gia đình tới tham quan Uluru bằng các “nhà xe” di động là một vấn đề lớn do cơ sở hạ tầng không đủ tiếp đón số lượng du khách di chuyển tới đây bằng hình thức này. Do các khu vực cắm trại đều đã được đăng ký hết, nhiều du khách lên kế hoạch muộn đã tự dựng lều trại trái phép. Một số người không nhận thức được việc lái xe vào các khu vực đường mòn là xâm phạm lãnh thổ của thổ dân Anangu hay các khu vực được bảo tồn. Nhiều người xả rác bừa bãi, đốt lửa, thậm chí xả uế xuống khu vực không có dân cư, nhưng trên thực tế đó lại vùng đất có chủ sở hữu.
- Xem thêm: Khám phá núi thiêng Uluru ở Úc
Theo thống kê, tính từ tháng 6 năm ngoái tới nay, hơn 395.000 lượt du khách đã tới Công viên quốc gia Uluru-Kata. Tuy nhiên, chỉ 13% trong số đó chinh phục ngọn núi Uluru, chủ yếu du khách Australia và Nhật Bản. Cơ quan quản lý các công viên của Australia cho biết đã kêu gọi du khách nâng cao ý thức và tôn trọng thổ dân Anangu cũng như văn hóa của họ.
Uluru, hay còn gọi là Ayers Rock, là một ngọn núi đá nguyên khối khổng lồ thuộc dãy núi Ayers nằm ở vùng lãnh thổ phía Bắc Australia, cách thị trấn lớn gần nhất là Alice Springs 450km đường bộ. Núi cao 863m so với mặt nước biển và có tổng chu vi là 9,4km. Nhìn từ xa, bề ngoài của “hòn đá khổng lồ” Uluru tròn và bóng nhẵn màu nâu cam đặc trưng, toàn vẹn một khối và không có cây cối.
Điều đặc biệt nhất ở núi đá này chính là khả năng tự đổi màu vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Lúc bình minh, toàn bộ khối đá màu đỏ nhạt, đến giữa trưa là màu đỏ cam phản chiếu ánh mặt trời, trong khi về chiều núi đá chuyển sang màu đỏ thẫm hoặc tím thẫm, và đêm xuống là màu vàng nâu. Uluru được người Anangu coi trọng như một ngọn núi linh thiêng và việc leo núi được xem là thiếu tôn trọng. Núi đá thiêng này đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.