Thánh địa Mỹ Sơn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận Di sản Văn hóa thế giới. Nhưng những bí ẩn xung quanh nó cho đến nay vẫn chưa có lời giải cuối cùng. Điều này khiến sức hấp dẫn của khu thánh địa này trong lòng du khách thập phương không hề bị “giảm nhiệt”.
Bí ẩn chưa có lời giải
Vì mê văn hóa Champa, tôi cùng một đồng nghiệp cưỡi “ngựa máy” hướng về miền đất Quảng. Nơi ấy có Mỹ Sơn, khu thánh địa linh thiêng của vương triều Champa cổ. Dù đã tham quan thánh địa Mỹ Sơn nhiều lần, nhưng đền tháp Champa nơi đây vẫn có sức hút kỳ lạ với chúng tôi.
Chúng tôi chạy xe máy từ nửa trưa nắng gắt đến nhá nhem tối thì đến thị xã Tam Kỳ của miền đất Quảng Nam. Tá túc một ngày ở nhà người quen và thưởng thức món mì Quảng thơm ngon, chúng tôi lại khăn gói tìm lên Mỹ Sơn để thỏa mãn cơn “mê” Chăm của mình.
Đường lên Mỹ Sơn đã khác nhiều so với chuyến tham quan thực tế thời tôi còn là sinh viên. Con đường “hành hương” đến đền tháp Chăm đã được đầu tư kỹ lưỡng hơn nên xe máy của chúng tôi chạy êm ru. Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy nhiều du khách chọn xe buýt để lên khu thánh địa. Hỏi một du khách mới biết xe buýt chở khách đến tận làng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên). Sau đó, chỉ cần đi bộ khoảng 500m là đến được khu thánh địa của người Champa cổ nên rất tiện dụng.
Trước khi đến với các đền tháp, chúng tôi đến thăm Nhà Trưng bày hiện vật Mỹ Sơn được xây dựng vào năm 2005 tọa lạc khá gần khu thánh địa Mỹ Sơn. Tại nơi đây, tỉnh Quảng Nam đã cho trưng bày những hiện vật gốc của thánh địa Mỹ Sơn như bia ký, phù điêu, linga, yoni, gạch ngói… và những pa-nô giới thiệu tổng quan về lịch sử nghiên cứu đền tháp Mỹ Sơn cũng như thành quả trong công tác trùng tu.
Men theo con đường nhỏ mà người xưa từng đi, chúng tôi len lỏi qua từng tán cây rừng và dần lạc bước vào một thế giới tâm linh huyền ảo. Đập vào mắt chúng tôi là hàng chục ngôi đền tháp đỏ rực như lửa, cao hàng chục mét vươn lên giữa rừng già chằng chịt những rễ cây lộ thiên như những mạch máu sinh vật sống. Điều đặc biệt hơn nữa, những bức tường gạch của các đền tháp Champa đều không bao giờ bị rêu phong, đen sạm bởi sương gió, ngoại trừ bị vỡ, bị tách biệt khỏi môi trường kiến trúc tự nhiên.
Kim tự tháp Ai Cập dùng sức nặng hàng chục tấn của những khối đá được mài nhẵn các cạnh thành hình chữ nhật hoặc hình vuông để làm giá đỡ cho nhau nên không cần chất kết dính giữa những khối đá với nhau. Kỹ thuật mài nhẵn đá của người Ai Cập tinh vi đến mức một con dao sắc bén cũng không thể lách vào được giữa các khối đá. Càng lên cao thì các khối đá lại có kích thước nhỏ lại dần, trong khi những khối đá ở tầng đáy lại có kích thước lớn nhất để chịu lực toàn bộ công trình. Có lẽ vì thế nên công trình hoàn toàn bằng đá cao đến trăm mét này mới có được sự vững chãi, chắc chắn hàng ngàn năm. Vì vậy, từ lâu người Ả Rập có lời khen ngợi rằng: “Tất cả đều sợ thời gian, nhưng thời gian sợ Kim tự tháp”. Kim tự tháp Kheops (cao đến gần 150m) chính là một trong những công trình cổ nhất và duy nhất còn tồn tại trong số 7 kỳ quan thế giới cổ đại.
Ngược lại, các đền tháp Champa có kích thước khiêm tốn hơn rất nhiều lần so với các Kim tự tháp Ai Cập nhưng lại được xây bằng gạch, thứ nguyên liệu nhỏ, nhẹ hơn rất nhiều so với nguyên liệu đá. Nhưng, nếu đền tháp Champa xây bằng gạch thì phải có chất kết dính những viên gạch lại với nhau như chúng ta dùng vữa từ hỗn hợp xi măng, cát, sạn… ngày nay. Song trên thực tế, không hề phát hiện có những mạch vữa giữa các viên gạch ở các đền tháp Champa.
Vậy nếu không có chất kết dính thì làm sao người Chăm xưa có thể tạo nên một tòa tháp bằng gạch cao hàng chục mét? Đó là chưa kể những bức phù điêu gắn xung quanh thân và phần vòm đền tháp Champa đều làm bằng đá sa thạch. Nếu không có chất kết dính thì làm sao có thể “gắn” những bức phù điêu vào bức tường gạch? Và liệu các lớp gạch không có kết dính có thể chịu được sức nặng của vòm bằng đá sa thạch từ phần mái hay không?
Theo truyền thuyết dân gian còn truyền ở các làng Chăm tại Ninh Thuận là tháp được xây bằng gạch mộc còn ướt chưa nung. Nếu dùng gạch đã nung để xây đền tháp Champa thì liệu có thể xếp được các viên gạch thành một tòa tháp với kiến trúc rất tinh vi và phức tạp không, nếu không có chất kết dính? Nếu dùng gạch chưa nung thì làm sao để tạo ra vòm bằng sa thạch khi các trụ đứng bằng thứ đất sét yếu ớt khó có thể chống đỡ sức tan chảy của chính nó bởi ngọn lửa khổng lồ đang nung “chín” toàn bộ ngôi đền tháp? Nghĩa là xây đền tháp Champa bằng gạch chưa nung thì chắc chắn không thể tạo ra vòm sa thạch và thân tháp sẽ cực kỳ yếu, rất dễ sụp đổ. Phải chăng người Chăm xưa đã sử dụng đến sức mạnh của thần linh để tạc nên những hình khối tôn giáo?
Về hiện tượng Lê Văn Chỉnh, một người thợ thủ công đã dùng kỹ thuật “mài chập” để tạo nên một mô hình tháp Chăm cao 6,7m tại nhà hàng ẩm thực Apsara (Đà Nẵng) vào năm 2003, ông Nguyễn Hữu Thông, một chuyên gia về Champa, nhận định: “Đó là kỹ thuật mài nhẵn hai viên gạch để tạo ra hỗn vị cho gạch. Hỗn vị này là bột gạch, chất kết dính hai viên gạch lại với nhau. Điều này có thể kiểm chứng từ các tháp ở Indonesia. Tuy nhiên, ông Lê Văn Chỉnh chỉ làm nên một mô hình tháp Chăm, tỉ lệ nhỏ hơn rất nhiều so với tỉ lệ thực, cho nên khả năng chịu lực từng viên gạch thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Do đó, mô hình tháp khó có thể bền vững qua hàng thế kỷ như tháp Chăm”.
Được biết, Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Champa. Mỗi vị vua, sau khi lên ngôi, đều đến Mỹ Sơn làm lễ thánh tẩy, dâng cúng lễ vật và xây dựng đền thờ. Trong số 225 di tích Chăm được phát hiện tại Việt Nam, riêng thánh địa Mỹ Sơn đã có khoảng 70 đền tháp, 32 bi ký tồn tại ở nhiều dạng khác nhau (chiếm hơn 1/5 tổng số 170 bi ký Champa đã biết). Kazimierz Kwiatkowski (1944-1997) – người kiến trúc sư Ba Lan tài ba nhiều năm gắn bó với thánh địa Mỹ Sơn đã nhận định: “Người Chămpa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá, và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ – thâm nghiêm – hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu hết”.
Thu hút du khách
Sau khi được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới, thánh địa Mỹ Sơn ngày càng thu hút du khách. Nếu như năm 1995 tổng lượng khách tham quan khu thánh địa ở khoảng 22.000 lượt thì đến năm 2015 con số này đã tăng lên gần 270.000 khách. Từ năm 2010 đến năm 2015, lượng khách đến tham quan Mỹ Sơn đạt hơn 1,2 triệu lượt người.
Năm 2017, tổng lượt khách đến Mỹ Sơn đạt 360.000 lượt, trong đó có 308.700 lượt khách quốc tế và 51.300 lượt khách nội địa. Năm 2018, tổng lượt khách đến Mỹ Sơn đạt 392.070 lượt khách, trong đó khách nước ngoài đạt 342.938 lượt.
Theo Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, từ năm 2013 đến nay, doanh thu không ngừng tăng cao. Nếu năm 2013 tổng nguồn thu chỉ 20 tỷ đồng thì đến năm 2017, doanh thu từ du lịch Mỹ Sơn đã đạt con số 56 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 12 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu qua vé đạt hơn 60 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều đặt ra sau 20 năm thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới là công tác trung tu và bảo tồn. GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính, một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực bảo tồn di sản, nhận định: “Di sản nghệ thuật kiến trúc Chăm, nhìn sâu xa vào mức độ quý hiếm, mức độ mất mát, đòi hỏi ở các nhà bảo tồn và các nhà trùng tu, trên hết và trước hết, đó là sự duy trì lâu dài, không bị mất mát thêm và không bị sai lệch”.
Một cách tu bổ “làm mới”, “trẻ hóa” dễ chấp nhận bởi người dân địa phương nhưng những du khách sẽ ngoảnh mặt đi với giá trị của di sản kiến trúc cổ xưa. “Điều gì xảy ra khi khách du lịch chẳng thèm xem bức tranh chép lại thật khéo tay về chân dung nàng Mona Lisa của danh họa thời Phục hưng Leonard de Vinci, nhưng họ sẵn sàng tốn tiền đến Bảo tàng Louvre ở Paris nước Pháp xa xôi ở để xem bản gốc dù đã sờn mòn theo thời gian?” – Đó là câu hỏi mà “họa sĩ Chăm” Nguyễn Thượng Hỷ đặt ra cho công tác bảo tồn đền tháp Champa hiện nay.