Du học đã và đang trở thành một nhu cầu có thật của nhiều phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, cũng qua rồi thời kỳ nhà nhà đều muốn cho con du học theo hiệu ứng đám đông. Nay, với nguồn thông tin tham khảo dồi dào cùng với ngày càng nhiều lựa chọn trong nước, du học liệu có còn là sự lựa chọn hàng đầu?
Đã từng có thời kỳ, du học được xem là lựa chọn tối ưu, là mơ ước của rất nhiều phụ huynh và học sinh. Thật vậy, việc du học giúp học sinh, sinh viên Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các kiến thức cập nhật, trau dồi ngoại ngữ cũng như các kỹ năng mềm quan trọng, điều mà nền giáo dục trong nước vẫn chưa thể đáp ứng. Tuy nhiên cùng với thời gian, các điều kiện học tập, trau dồi trong nước cũng dần được cải thiện và phát triển tích cực. Phụ huynh và học sinh không chỉ có thêm sự lựa chọn với nhiều trường quốc tế có trụ sở tại Việt Nam mà còn nhờ vào sự cải tiến, cập nhật giáo trình của chính những trường đại học trong nước. Sự bùng nổ của internet đã biến chiếc máy tính cá nhân trở thành nguồn cung cấp thông tin khổng lồ, giúp bất cứ ai cũng có thể tiếp cận và tìm kiếm những thông tin mà mình cần. Những câu chuyện tự học tiếng Anh, học nhạc hay thậm chí là lấy bằng đại học qua mạng đã không còn xa lạ. Bên cạnh đó, việc học trong nước cũng không còn lo thiếu các hoạt động ngoại khóa như trước, cả trong khuôn khổ trường học lẫn những hoạt động do các tổ chức, hội nhóm phát triển kỹ năng khởi xướng.
Suy nghĩ của “người trong cuộc”
Chị Huỳnh Thị Mỹ Ngọc, một phụ huynh có con đang học lớp 12 tại Trường Võ Thị Sáu chia sẻ: “Cũng như các bậc cha mẹ khác có con cùng lứa tuổi, tôi cũng cân nhắc rất nhiều về việc có nên cho con đi du học hay không. Tiêu chí cân nhắc đầu tiên dĩ nhiên là việc cháu sẽ trau dồi được những kiến thức gì sau khi du học, liệu có thật sự vượt trội hơn so với việc học ở Việt Nam hay không. Tôi đã tham khảo rất nhiều chia sẻ của các phụ huynh có con đi học trước và rút ra kết luận không phải cứ du học mới thành tài, thành đạt và có đi du học cũng chưa chắc đạt được những điều này. Tôi cũng quan sát vài trường hợp người quen thì thấy có nhiều cháu dù không du học vẫn rất giỏi tiếng Anh, năng động, khi ra trường tìm ngay được việc làm tốt và thăng tiến cũng khá nhanh. Tôi cùng con trai tìm hiểu thông tin thì chính cháu cũng công nhận rằng ở trong nước có rất nhiều lựa chọn tốt, nhiều cơ hội để trau dồi kỹ năng. Tuy nhiên cũng phải công nhận, việc du học vẫn có những điểm mạnh riêng mà nếu có điều kiện thì tôi nghĩ phụ huynh nào cũng muốn con mình có dịp trải nghiệm”.
Đúng như lời chia sẻ của chị Mỹ Ngọc, cho dù đã có thêm nhiều sự lựa chọn, du học vẫn chưa bao giờ mất đi sức cuốn hút. Khảo sát nhanh với một số học sinh lớp 11, 12 đang theo học trong nước, đa phần đều có mong muốn được đi du học, nếu không hoàn thành được ở bậc cử nhân thì sẽ tìm cơ hội du học ở bậc thạc sĩ.
Nguyễn Thanh Vy, một học sinh Trường Bùi Thị Xuân cho biết: “Đối với tôi, việc du học không chỉở việc mình sẽ học được gì, mà đó còn là mơước được đi đây đó, tự lập và trải nghiệm. Gia đình tôi khá khó so với gia đình của nhiều bạn khác. Bố mẹ tôi không cảm thấy yên lòng nếu để con phải đi xa để tự lập nên tôi đã phải tìm hiểu rất nhiều thông tin, câu chuyện để có thể từ từ thuyết phục bố mẹ. Chắc chắn là sẽ có khó khăn nhưng du học sẽ là trải nghiệm không thể nào quên của cả thời tuổi trẻ, tôi tin là vậy”.
Chia sẻ của nhà tư vấn
Với góc nhìn của một cây bút và nhà tư vấn nhiều năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, du học, ông Trần Hữu Phúc Tiến, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, Giám đốc Việt Nam Hợp Điểm đã có những chia sẻ về chủ đề này:
“Đối với việc du học, hiện nay, Nhà nước đã có những chính sách rõ ràng, tôn trọng quyền tự do đi lại, học hành của công dân. Điều đó thể hiện bằng các văn bản ngày càng hoàn chỉnh về việc xuất cảnh và di trú. Từ năm 2000 đến nay, việc du học tăng trưởng nhanh vì Nhà nước đã tạo những thuận lợi như: bãi bỏ visa xuất cảnh (từ sau tháng 11-1997), chủ trương bán ngoại tệ cho du học sinh, thừa nhận nhu cầu du học và ngành nghề tư vấn du học… Chỉ thị 05 về tư vấn du học từ năm 2013 đã cho thấy Nhà nước thừa nhận du học là một phần chính sách giáo dục của đất nước và đặt ra các điều kiện cụ thể để quản lý chất lượng ngành tư vấn du học. Với những bước đi tạo điều kiện cho việc du học như trên, theo tôi, nỗi lo chính sách du học bị đình lại là không có cơ sở.
Việc đi học nước ngoài ngắn và dài hạn là xu thế chung của các nước muốn tiến hành công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Ai cũng biết nước Nhật từ thời Minh Trị Duy Tân (cuối thế kỷ XIX) đã chủ động đưa người đi du học để có nhân tài phát triển nước Nhật thành một nước công nghiệp đầu thế kỷ XX. Các con rồng châu Á của thập niên 1990 như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan đã phát triển nhanh và bền vững cũng nhờ vào nguồn nhân lực từ việc đưa người đi đào tạo tại nước ngoài từ sớm. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ GD-ĐT, nếu năm 2000 có 50 ngàn người đi du học thì năm 2013, con số này đã tăng lên thành 125 ngàn người.
Du học còn được hiểu là trao đổi giáo dục quốc tế, là xu thế của tất cả các nước chứ không riêng gì những nước đang phát triển. Bản thân nước Mỹ hằng năm nhận vào hàng trăm ngàn người đến du học nhưng đồng thời cũng gửi đi học khắp thế giới một số lượng đáng kể. Các nước Tây Âu và các nước ASEAN phát triển (Singapore, Brunei, Malaysia…) cũng tiếp tục gửi người đi du học ở Âu – Mỹ và ngay chính tại các nước ASEAN khác. Một trong những tiêu chí để xếp hạng các trường đẳng cấp (world-class) chính là phải có trao đổi giáo dục quốc tế. Sinh viên của các quốc gia này cũng cần và gần như bắt buộc phải đi học nước ngoài từ một học kỳ trở lên. Hiện tại, sinh viên các trường đại học Việt Nam được cho phép nghỉ học tối đa một học kỳ trong nước để đi du học nước ngoài bằng con đường tự túc hoặc học bổng.
Trên thế giới, nhiều nước không những đã xem giáo dục là một quốc sách để phát triển nguồn nhân lực mà còn xem đó là một ngành công nghiệp của xã hội, đồng thời là một ngành dịch vụ thu hút chất xám và phát triển các quan hệ quốc tế nhiều mặt. Do vậy, nhiều nước đang phát triển, kể cả Thái Lan và Việt Nam đã bắt đầu chú ý việc mở ra các trường lớp quốc tế thu hút người nước ngoài (như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM đã và đang đào tạo người Hàn Quốc đến học kinh tế Việt Nam và Việt Nam học).
Cũng có những ý kiến cho rằng việc đi học nước ngoài làm mất chất xám của đất nước. Phụ huynh lo ngại con em đi học nước ngoài sẽ không trở về, lấy vợ – chồng nước ngoài hoặc sẽ quên văn hóa Việt Nam. Những lo lắng này là có thật ở nhiều nước. Tuy nhiên nhiều quốc gia và nhiều gia đình đã và đang có cách giải quyết vấn đề này. Nếu Nhà nước có chính sách trọng dụng nhân tài, tuyển dụng công khai, trao học bổng cho người giỏi đi học để trở về thì không lo du học sinh sẽở lại nước ngoài mãi mãi. Trường hợp GS Ngô Bảo Châu đi học ở Pháp, trở thành giảng viên ở Mỹ vẫn đi đi về về đóng góp cho Việt Nam là một ví dụ điển hình. Các gia đình khi quyết định cho con em du học đều phải trao đổi và tập cho các bạn các kiến thức cơ bản về văn hóa Việt Nam, kể cả nấu các món ăn Việt để giới thiệu với bạn bè nước ngoài. Đặc biệt khi đưa con đi du học ở xa phụ huynh vừa phải chuẩn bị cho con biết cách sống tự lập, vừa nghĩ cách thường xuyên liên lạc và lên kế hoạch định kỳ thăm viếng con. Chắc chắn xã hội đang cần thêm nhiều hình thức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học hành, sinh sống tại nước ngoài để phụ huynh và các bạn trẻ yên tâm trước lúc lên đường du học.
Nếu ai đó lo lắng các bạn trẻ “COCC” được đi du học nước ngoài với nhiều ưu đãi không minh bạch hoặc các quan chức đưa con đi học nước ngoài bằng tiền tham nhũng, đó lại là một việc khác. Không thể vì việc này mà đóng lại cánh cửa du học với số đông người dân có nhu cầu và có khả năng đi du học ở nước ngoài”.
Nhật Hà (DNSGCT)