Muốn tới mỏ kim cương Gahcho Kué lớn nhất thế giới của Canada nằm trên cánh đồng rêu tundra gần vòng cung Bắc cực, chỉ có thể bằng máy bay, hay lướt ôtô trên mặt nước băng trong mấy tuần mùa đông. Đây cũng là khu mỏ kỳ dị nhất của Tập đoàn De Beers của Anh. Phải mất hai chục năm chuẩn bị, xây dựng tốn cả tỉ USD để đưa một dự án bị coi là điên khùng nhất đi vào khai thác. Ngoài khu mỏ đã tấp nập ngày đêm các thiết bị siêu trường siêu trọng hoạt động ầm ĩ là cả một thị trấn được dựng lên nơi xa xôi hẻo lánh này – nhà máy tuyển quặng, nhà máy cơ khí, bể chứa nhiên liệu…, khu dân cư cho thợ thuyền, kỹ sư,… với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt hiện đại.
Một chuyên gia quản trị De Beers, Rob Coolen khẳng định rằng nếu không có mặt nước đóng băng mùa đông thì không thể đưa khu mỏ này vào khai thác. Cơ sở hạ tầng này có được là tận dụng nhiệt độ xuống tới -40 độ C và nơi đây có rất nhiều hồ rộng lớn. Tổng chiều dài mặt nước đóng băng làm đường là 400km, từ Yellowknife, thủ phủ lãnh thổ miền Tây Bắc, tới các cơ sở khu mỏ kim cương Gahcho Kué – tiếng địa phương có nghĩa là Hang thỏ lớn. Mỗi năm phải mất 40 ngày mở đường – bơm nước để mặt băng dày ít nhất một mét trở lên, chịu được tải trọng 55 tấn.
Sau khi tát cạn hồ Kennedy, các kỹ sư đã mở lò đá kimberlite (quặng kim cương) đầu tiên. Với hai lò liền kề, từ nay đến năm 2028 De Beers sẽ khai thác 54 triệu carat kim cương thô. Trong thời gian khai thác, De Beers bơm 3,9 tỉ euro cho nền kinh tế lãnh thổ Tây Bắc này, nghĩa là gần một nửa GDP địa phương gắn liền với sự hoạt động của mỏ.
Lê Lành theo cbc Canada (DNSGCT)