Tại Quảng Ngãi, do mưa lớn ở thượng nguồn, trong ngày 15-11 mực nước các sông Trà Khúc, sông Vệ lên quá nhanh, vượt đỉnh lũ năm 1999 từ 0,1-0,4 mét làm cho nhiều vùng bị ngập sâu, cô lập. Nước lũ còn vượt qua đê bao sông Trà Khúc tràn vào Quảng Ngãi.
Tỉnh Quảng Ngãi đã có cuộc di dân khá lớn với trên 11.540 hộ với 50.000 người.
Tại Phú Yên, thị xã Sông Cầu và huyện Đồng Xuân mưa lớn làm ngập lụt cục bộ tám xã ven sông Kỳ Lộ, sông Cô.
Ở Gia Lai, nước trên sông Ba lên, thủy điện Knát xả lũ làm ngập cục bộ huyện Kbang và xã An Khê. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động cán bộ chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương giúp dân khắc phục hậu quả.
Tại Bình Định, nước lũ đã làm cho nhiều khu dân cư tại các vùng hạ lưu sông thuộc địa bàn các huyện: Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn… ngập sâu. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng nặng. Quốc lộ 19 đã bị ách tắc tại km 64 trên đèo An Khê do sạt lở núi dài khoảng 100m, vùi lấp hơn nửa đường.
Hàng ngàn hộ dân ở Bình Định bị ngập trong nước
[dropcap style=”1″ size=”3″]B[/dropcap]áo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới đây được báo điện tử Dân trí dẫn lại ngày 15-11 cho thấy tổng nợ xấu của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 9-2013 là 142,33 nghìn tỉ đồng, cao hơn khoảng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái.Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng nợ xấu bình quân trong chín tháng đầu năm là 2,2%/tháng, thấp hơn tốc độ bình quân 3,91%/một tháng trong năm 2012. Hiện nay, Công ty mua bán nợ (VAMC) đang xử lý các khoản nợ xấu, không dùng đến ngân sách quốc gia mà bằng các kỹ thuật cấu trúc lại những khoản nợ đó.
Trong một diễn biến liên quan, theo tin báo chí đăng tải, chỉ trong vài tháng qua, hàng ngàn nhân viên ngân hàng trong nước đã mất việc do khó khăn mà hệ thống phải đối mặt.
Theo báo Tuổi Trẻ, trong quý III-2013, hơn 700 nhân viên của Ngân hàng Á Châu (ACB) đã mất việc. Trước đó, trong sáu tháng đầu năm nay, đã có gần 1.200 nhân viên từ các ngân hàng Vietinbank, BIDV, Ngân hàng Á Châu và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn mất việc.
Có tin nói rằng Eximbank cũng đã tuyên bố sẽ cắt giảm thêm hàng ngàn nhân viên do hoạt động kinh doanh của ngân hàng này đang gặp một số khó khăn. Những năm trước làm ăn được, Eximbank tuyển dụng nhiều, đặc biệt là bộ phận gián tiếp. Năm nay kinh doanh khó khăn, bộ máy cũ đã trở nên cồng kềnh, việc cắt giảm nhân sự cũng là chuyện bình thường.
[dropcap style=”1″ size=”3″]V[/dropcap]iệc tầng lớp trung lưu đang nở rộ cộng với nhu cầu muốn con cái được tiếp cận nền giáo dục hàng đầu thế giới là một trong các yếu tố thúc đẩy nhiều người Việt lựa chọn du học Mỹ. Một phúc trình công bố hồi đầu tuần này cho biết số sinh viên Việt Nam hiện theo học ở Mỹ là 16.098 người trong niên khóa 2012-2013, đông nhất so với các nước vùng Đông Nam Á, trong khi chỉ có gần 900 sinh viên Hoa Kỳ học tập tại Việt Nam. Con số đó cao hơn 3,4% so với một năm trước và đã đưa Việt Nam trở thành nước đứng hàng thứ 8 trong số các quốc gia có đông sinh viên hiện du học ở Hoa Kỳ.Trong tổng số các du học sinh Việt Nam ở Mỹ, cấp đại học chiếm hơn 70% và hơn 17% học ở cấp sau đại học.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear cho biết ông vui mừng nhận thấy Việt Nam tiếp tục đưa một số lượng lớn sinh viên đến Hoa Kỳ để học đại học.
Ông Shear cũng cho rằng các kỹ năng phân tích và tư duy phản biện mà họ phát triển được sẽ giúp Việt Nam hội nhập đầy đủ hơn vào các hoạt động thế giới như là một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng và độc lập.
Theo ông, sớm hay muộn các sinh viên Việt Nam này sẽ trở về nước. Họ mang theo mình không những các kiến thức đã học được tại Mỹ mà còn mang về các trải nghiệm, các giá trị và họ cũng sẽ mang về những gì đã nghe được từ các bạn trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Cùng với thời gian, họ sẽ giúp hình thành nên tương lai của Việt Nam.
Trong một cuộc gặp cộng đồng người Mỹ gốc Việt hồi tháng Tám, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ ở Hà Nội nói rằng các sinh viên Việt Nam tại Mỹ “sẽ là một tiếng nói quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển Việt Nam trong tương lai”.
Trong năm 2012-2013, có 819.644 du học sinh nước ngoài học tập ở Mỹ, tức là có thêm 55.000 sinh viên quốc tế so với năm 2011-2012. Ðông nhất là sinh viên đến từ các nước Trung Quốc, Ấn Ðộ và Hàn Quốc.
Theo một phúc trình của Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ, hồi cuối những năm 90, mới chỉ có hơn 1.500 sinh viên Việt đi du học tại Mỹ và tăng trưởng đều đặn kể từ đó.
Việt Nam lọt vào top 20 quốc gia có nhiều du học sinh nhất ở Mỹ trong niên khóa 2006-2007 và lọt vào top 10 kể từ năm 2010-2011.
[dropcap style=”1″ size=”3″]V[/dropcap]ới tổng số vốn đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng, tuyến cáp ngầm xuyên biển nối Hà Tiên với Phú Quốc, dài nhất Đông Nam Á, vừa được khởi công sáng 17-11.Đây là dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp và lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, phục vụ cho kế hoạch đưa Phú Quốc phát triển thành đặc khu kinh tế – hành chính, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm giao thương của quốc gia, khu vực và quốc tế.
Dự án có tổng số vốn đầu tư 2.336 tỉ đồng bao gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của EVN SPC. Tuyến cáp ngầm dài hơn 57km, khả năng tải tối đa 131MVA. Công ty Prysmian Powerlink của Italia là nhà thầu chính thi công tuyến cáp ngầm này với phương pháp rải và chôn cáp đồng thời, cách thực hiện này có ưu điểm là giảm thiểu hư hỏng cáp ngầm, song chi phí đầu tư cao do công nghệ phức tạp.
Cùng với tuyến cáp ngầm, để chuẩn bị cho việc đầu nối với nguồn điện từ đất liền, trạm biến áp 110kV Phú Quốc cùng đường dây 110kV trên đảo Phú Quốc dài 7,6km đã được xây dựng và hoàn thành.
Theo kế hoạch, nhà thầu Prysmian sẽ hoàn tất thi công lắp đặt cáp ngầm vào ngày 11-1-2014 và có thể đóng điện đưa dự án vào vận hành trước Tết Giáp Ngọc 2014, vượt trước sáu tháng so với kế hoạch.
Kết quả lớn nhất của dự án sẽ giúp kéo giảm giá điện trên đảo hiện cao gấp ba lần (những nơi đã có lưới điện) và gấp 16 lần (những nơi chưa có lưới điện) so với giá điện bình quân của cả nước. Đây sẽ là tiền đề quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội, tạo cú hích cho sự chuyển mình cho Phú Quốc.
Gia Minh tổng hợp