Hãng tin Reuters ngày dẫn nguồn tin trên China Daily tuần qua cho biết trong cuộc họp cấp Thứ trưởng Ngoại giao giữa các nước ASEAN và Trung Quốc mới đây, hai bên đã nhất trí vào giữa năm 2017 sẽ hoàn tất việc xây dựng bộ khung của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Đây là lần đầu tiên ASEAN và Trung Quốc đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho việc hoàn tất COC, một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý hơn so với Tuyên bố Ứng xử các bên về Biển Đông (DOC) đang có hiệu lực.
Sự nhất trí này được xem là một động thái nhằm giảm tình hình căng thẳng ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (PCA) bác bỏ “Đường 9 đoạn” do Trung Quốc vạch ra. Trong khi chờ đợi COC, ASEAN và Trung Quốc cũng đã thông qua những đường hướng căn bản cho việc thiết lập đường dây nóng dùng trong các trường hợp khẩn cấp xảy ra trên Biển Đông. Các văn kiện về đường dây nóng và về việc xử lý các cuộc va chạm bất ngờ trên biển đạt được tại cuộc họp lần thứ ba trong năm về COC này sẽ được trình lên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vào đầu tháng 9 tới để thông qua.
Việc ASEAN và Trung Quốc đạt được tiến triển trên bàn thương lượng nhằm lập ra các cơ chế ngăn ngừa va chạm, xung đột trên Biển Đông diễn ra trong bối cảnh tình hình vùng biển chiến lược trọng yếu này đang rất nóng do những hành động hung hăng của Trung Quốc khiến các quốc gia khu vực và cộng đồng quốc tế càng lo ngại. Gần đây nhất, giới quan sát cho biết Bắc Kinh đang chuẩn bị tiến hành bồi đắp, cải tạo bãi cạn Scaborough.
Trong khi đó, báo The Diplomat trong bài viết ngày 17-8 nhận định rằng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Hàng Châu vào đầu tháng 9-2016 tới, Trung Quốc không muốn hồ sơ Biển Đông được nêu lên, nhất là sau khi Tòa Trọng tài Thường trực La Haye đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng biển này.
Ngoài việc vận động để loại hồ sơ này ra khỏi hội nghị, Bắc Kinh còn tìm cách thuyết phục các nước lớn, đặc biệt là Ấn Độ, một nước nặng ký trong nhóm, để đảm bảo sao cho New Delhi im lặng trên hồ sơ Biển Đông nhân hội nghị sắp tới.
The Diplomat cho rằng mới đây, ngoại trưởng Trung Quốc đã dùng chính sách cây gậy và củ cà rốt để gây sức ép trên Ấn Độ về vấn đề Biển Đông nhân chuyến công du ba ngày kết thúc hôm 14-8.
Thế nhưng chính sách đó khó có thể thành công. Trong thời gian gần đây, nhất là từ khi thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền, Ấn Độ đã có chủ trương can dự mạnh mẽ hơn vào hồ sơ Biển Đông. New Delhi luôn luôn khẳng định sự cần thiết phải bảo vệ quyền tự do hàng hải và tự do thương mại ở Biển Đông, một quan điểm mà New Delhi chia sẻ với Washington. Hơn thế nữa, Ấn Độ còn giúp đỡ Việt Nam tăng cường năng lực Hải quân, thậm chí còn hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò dầu khí trong vùng mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Trung Quốc đang lo ngại là tại Hội nghị G20 sắp tới, Mỹ có thể sẽ nêu lên vấn đề Biển Đông. Do yêu sách về chủ quyền của Bắc Kinh không được nhiều hậu thuẫn quốc tế, nên rất có khả năng là Ấn Độ sẽ lên tiếng về Biển Đông một khi đề tài này được Mỹ hay các nước khác nêu lên.
Đ.N (DNSGCT)