Văn hóa trọc phú đã đánh rơi hồn cốt thị thành và đang vật chất hóa chúng, đã dẫn số phận của thị thành yêu dấu cũ đến chỗ rất khó định dạng trong tương lai.
Christaller – nhà địa lý người Đức sáng lập lý thuyết không gian đã nhấn mạnh yếu tố hàng đầu của đô thị chính là chức năng kinh tế, mà vị thế của nó nhờ có các trung tâm cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho một khu vực lệ thuộc bao quanh. Định nghĩa này dường như cởi bỏ những ấu trĩ của thời duy lý trong giới nghiên cứu, rằng đô thị hiện đại (kể cả châu Á) phải là con đẻ của cuộc hôn phối đô thị hóa với công nghiệp hóa. Theo ông, chính sự cộng hưởng của đô thị với “nồi cơm” kinh tế ấy đã điều khiển lại hiện tượng công nghiệp, các nhà máy, các khu phố công nhân để chúng không gắn liền tuyệt đối với đô thị – những sản phẩm ở bên rìa.
Điều này cũng giải thích lý do vì sao từ ngàn năm nay, người Việt đã tạo ra không gian thị thành chi chít phố phường đầy hàng hóa và giao thương, là tính chất kinh tế làm nên hồn cốt, chứ tuyệt đối không phải sản xuất. Đô thị Việt gắn chặt với nông thôn (nơi có các làng nghề sản xuất hàng hóa) làm nên cấu trúc thị thành – làng xã liên thông và tạo một biến số về căn tính đặc sắc đến tận bây giờ. Phải chăng, chúng ta có một căn cước đô thị không tách, mà còn ưa thích ôm lấy nông thôn, để vài bước chân đã ở trong các làng nghề vây bủa.
Chọn văn minh hay văn hóa?
Lịch sử không chơi trò lặp lại, những suy ngẫm về các thành phố truyền thống ở Việt Nam và chặng đường đô thị hóa của nó hơn một trăm năm (kể từ thời kỳ thuộc địa, người Pháp bắt đầu quy hoạch và xây dựng thành phố hiện đại cho đến nay), so với hàng ngàn năm Thăng Long – Kẻ Chợ và hơn ba trăm năm Sài Gòn – Gia Định bởi cuộc gặp gỡ định mệnh đông – tây đầy thử thách có thể cho ta biết: Có chăng một căn tính thị thành Việt? Thật khó, nên đành chọn cách đến thật gần, bằng công phu góp nhặt không thể tránh thi thoảng xen chút vụn vặt cá nhân hay đắm chìm trong vẻ đẹp trải dài lịch sử, khi từng góc nhỏ thị thành phản chiếu tư duy hình thể, không gian và hoạt động muôn nẻo của con người đổ về, và hơn cả là tư tưởng và nhân cách của các nhân vật chính trị đã tạo ra sự thay đổi to lớn ở nơi đây.
Có thể cảm nhận rằng trong các thành phố lịch sử Việt Nam có hai đối cực vô hình, luôn xung đột hoặc song hành từng chặng: văn hóa bản địa và văn minh phương Tây. Luôn có sự cao ngạo và áp đặt của văn minh thời kỳ duy lý, con đẻ của cuộc cách mạng công nghiệp, và sự chịu đựng của văn hóa – truyền thống khi bị coi là kẻ lạc hậu, ngáng đường. Và may mắn thay cuộc xung đột giữa đông – tây, truyền thống – hiện đại trong cơ thể thị thành Việt luôn được hóa giải một cách nhân văn tại mảnh đất này, thông qua căn cước đô thị.
Đó cũng là nguồn cội để nhận thấy đô thị Việt luôn nảy sinh văn hóa mới từ những dòng chảy mạnh mẽ của quá khứ. Nhìn đâu cũng minh chứng được quá trình phát triển lâu dài, giằng co và những bước ngoặt lịch sử để chúng ta có những Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Lạt đẹp nao lòng, luôn đón nhận, bao dung và hòa trộn các cư dân bận rộn, để ai đã từng lưu lại cũng nhớ khôn nguôi phố phường ô cờ, vườn hoa, kiến trúc nhiệt đới hóa mang tên phong cách Đông Dương (Indochine) ẩn sau những hàng cổ thụ, để đô thị vẫn trọn vẹn với văn hóa bản địa mà Pierre Gourou đã gọi tên có một nền “văn minh thảo mộc”.
Hà Nội chẳng hạn, bắt đầu từ dự án xây dựng “thành phố thế giới”, kiến trúc sư Hébrard phác thảo các bản quy hoạch tràn đầy yếu tố văn hóa và cảnh quan bản địa, tiếp đến là tính kỹ thuật đô thị của Pineau để đáp ứng dân số tăng nhanh… Hà Nội dưới sự dẫn dắt của những bậc thầy đô thị đương đại bấy giờ định hình về căn bản cho tới tận ngày nay. Các động thái cải tạo hồ Hoàn Kiếm như trung tâm nước, lựa chọn tây thành cổ (khu Ba Đình) làm trung tâm chính trị – hành pháp, phía đông và nam được mở rộng cho các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa và cư trú dân sinh. Tất thảy đều dựa trên cấu trúc thuần nhất của phố, cửa hàng, hồ nước, cây phố và rừng nhỏ để trở thành thủ phủ Đông Dương lớn nhất Đông Nam Á, với phong cách kiến trúc Đông Dương đã vượt qua tư duy lý tính đầy ngạo nghễ của art deco – trường phái nghệ thuật mang tính chiết trung (sinh từ Paris vào thập niên 1920 lan ra khắp nơi). Đô thị Việt đã tự có tiếng nói riêng của chuỗi phong cách hiện đại – bản địa, may mắn thay không phải những kiến trúc công năng khối lớn thịnh hành bấy giờ.
Viết đến đây, tác giả ưu tư nhìn lại Hà Nội nơi mình sinh sống 67 năm qua với nhiều tôn vinh của những đồng nghiệp kiến trúc nổi tiếng thế giới, về một Paris trong lòng Đông Dương, về một sự hoàn hảo của “thành phố xanh – nhiệt đới” mới chỉ xuất hiện trong lý thuyết và thực hành về đô thị những năm đầu thế kỷ XX, đã ngay lập tức được áp dụng cho Hà Nội.
Thêm vào đó là sự gặp gỡ hiếm có của lịch sử, khi chỉ có hai đô thị tương đồng do Hébrard – người Pháp đã tạo ra cấu trúc siêu việt của khu phố Pháp ở Đông Dương, và Sir Patrick Geddes – người Scotland với khu vực hạt nhân đô thị di sản quyến rũ của Tel Aviv đã làm các thành phố này trở nên quý giá. Hai bậc thầy đô thị đã lội ngược dòng trào lưu hiện đại đương thời, khẳng định căn cước xanh tương lai cho đô thị châu Á, may thay, cả hai đều thành công với kiểm chứng lịch sử hơn 100 năm qua và đều trở thành di sản đô thị đương đại.
Đô thị Việt thời hiện đại, ngay từ khi hình thành đã chọn văn hóa để bước đi cùng văn minh.
Hai cuộc chiến đóng băng thị thành
Trong các kho lưu trữ, các dự án quy hoạch của các thành phố Đông Dương qua lịch sử như thời thuộc địa cuối thế kỷ XIX đến năm 1945, hai cuộc chiến 1945 – 1954 và 1954 – 1975, đến thời kỳ đổi mới 1986, và từ thời kỳ đổi mới đến nay. Các dữ liệu luôn phân tích sự biến động của chiến tranh, của sự thức tỉnh về thị trường thế giới đã tác động vật vã lên kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của các thành phố như các cực tiếp xúc để đổi mới.
Cụ thể là ảnh hưởng của các trào lưu đô thị – kiến trúc trong giai đoạn tiếp xúc kỳ lạ với phương Tây, nước Mỹ và Liên Xô cũ (thông qua thuộc địa và chiến tranh) trực tiếp ùa vào theo các con đường ngoằn ngoèo của số phận dân tộc, của mỗi thị thành mà tạo nên sự cách tân hay bị vùi dập, bằng những diện mạo cấu trúc riêng ở tất cả các bước thăng trầm lịch sử. Trong chiến tranh, các đô thị dường như không mở rộng cơ thể chúng, mà co cụm vào những hoạt động tối thiểu để cư dân tồn tại (trong nền kinh tế bao cấp ở miền Bắc và kinh tế chiến tranh ở miền Nam).
Lướt qua các thành phố ngổn ngang hiện nay đã nhận thấy nhiều đứt gãy không gian, sự xâm nhập thô bạo, sự cưỡng chiếm nhiều ác tâm khiến sông hồ bị lấp, cống hóa, làm biến dạng diện mạo văn hóa, kiến trúc và đô thị lịch sử… Sự khớp nối các khu đô thị mới với thành phố mẹ xưa, liệu có bao giờ được đặt ra ở quy mô quốc gia?
Vậy mà các đô thị Việt – bị đóng băng vì chiến tranh vẫn kiên trì theo đuổi cái đẹp thị thành, rẽ ra hai xu hướng khác nhau, nhưng cùng chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của các kiến trúc sư được đào tạo ở Trường Mỹ thuật Đông Dương cũ: Hà Nội với trào lưu Kiến trúc công năng xã hội chủ nghĩa (GS. Matteo – Đại học Milano gọi là Thời kỳ Leningrad), với toàn bộ hệ thống các trường đại học, các tiểu khu ở Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ…, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, Bảo tàng và Lăng Hồ Chí Minh… đã tạo ra những dấu ấn đậm của một thời kỳ phát triển.
Và Sài Gòn với sự mở rộng đô thị hiện đại giữa khu phố Pháp với khu phố Hoa quận 5 để thành một đô thị bề thế, nổi tiếng khắp Đông Nam Á với phong cách Kiến trúc hiện đại nhiệt đới bởi các kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Quang Nhạc, Trần Đình Quyền, Nguyễn Bá Lăng…, để lại các công trình tiêu biểu như khách sạn Caravelle, dinh Độc Lập, thư viện Quốc gia, bệnh viện Vì Dân, chùa Vĩnh Nghiêm…, cách tân tinh thần của nghệ thuật Đông Dương vào đương đại.
Thời những năm 60 – 70 thế kỷ XX, đây là nôi của kiến trúc nhiệt đới quốc tế. Sau này đi thăm các đại học kiến trúc khắp thế giới, các diễn đàn học thuật vẫn hỏi tại sao có đỉnh cao kiến trúc trong chiến tranh? Và rất đỗi tự hào khi các kiến trúc sư quốc tế tài năng đến nhận mình là sinh viên Đại học Kiến trúc Sài Gòn, được thế giới công nhận chất lượng để cấp chứng chỉ hành nghề khi tốt nghiệp, ở bất cứ nước phát triển nào họ muốn.
Đóng băng mà vẫn sinh ra những căn cước, tiếng nói riêng của thời đại mình, một sự đặc biệt của mạch ngầm thị thành Việt.
Đô thị xám – bước lùi thị thành
Những đô thị truyền thống đã mờ trong quá khứ (có quá nhiều xáo trộn), buồn thay đang đi tới tương lai không mấy sáng sủa với những dự cảm day dứt của sự đứt gãy giữa văn hóa với thị trường hoang dã. Các dự cảm, có thể giúp chúng ta, những người Việt nhận biết sâu hơn về tương lai đô thị, nơi chốn sẽ bao chứa phần lớn cư dân của mình trong kỷ nguyên đô thị tới rất gần. Từ những bài học đô thị đắt giá qua các thời kỳ, cái đẹp ngọt ngào ẩn trong các con phố nhỏ, khi bị đồng hóa, bị chậm bước, thậm chí lạc lõng, đã để lại hơn cả một nỗi đau đô thị hóa đang diễn ra hàng ngày, đang đánh mất chính bản thân thị thành ngàn năm.
Thời kỳ đổi mới gắn với những khó khăn sau chiến tranh và bất cập của cơ chế tập trung bao cấp dai dẳng, song hành là nhu cầu giải phóng tiềm năng phát triển, đã đòi hỏi thay đổi toàn diện đô thị Việt. Kinh tế thị trường đang hình thành cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia vào đô thị hóa, được lấn chiếm các vành đai nông nghiệp ngoại vi, được theo chân các dự án quy hoạch đô thị mới, được đua chen xây nhà cao tầng vào thành phố mẹ. Hơn nữa, phải kể đến sự tham gia tự phát của mọi tầng lớp dân cư phổ cập dạng nhà chia lô, bán nền nông cạn. Điều này phá hỏng phần lớn cấu trúc lịch sử và cảnh quan tự nhiên vốn là hồn cốt đô thị ngàn năm như Sa Pa, Đà Lạt. Khắp nơi chỉ thấy dự án mà không có đô thị.
Lướt qua các thành phố ngổn ngang hiện nay đã nhận thấy nhiều đứt gãy không gian, sự xâm nhập thô bạo, sự cưỡng chiếm nhiều ác tâm khiến sông hồ bị lấp, cống hóa, làm biến dạng diện mạo văn hóa, kiến trúc và đô thị lịch sử. Thời kỳ này mang đậm tính tự phát, nhiều nghịch lý đất đai và công bằng xã hội, đã dẫn tới hình thành dạng thức đô thị đơn điệu nhàm chán. Từ những thị thành đầy căn tính mê hoặc lòng người, đô thị Việt buộc phải khoác tên gọi đầy mỉa mai của giới nghề quốc tế: Thành phố bon sai (trăm hoa đua nở – hỗn loạn), bản chất là san bằng văn hóa truyền thống thị dân (sự cân bằng kinh tế, nơi ở và cộng cảm nơi chốn) để đổi lấy cái mà GS. Hoàng Đạo Kính đã chỉ tên là sự hỗn hào văn hóa.
Những trọc phú ra chốn thị thành đã đưa cái sự hào nhoáng, xây cất nhà cửa, lối sống với thị hiếu thấp (đầy tính chất tiểu nông, bon chen, học đòi), văn hóa trọc phú đã đánh rơi hồn cốt thị thành và đang vật chất hóa chúng, đã dẫn số phận của thị thành yêu dấu cũ đến chỗ rất khó định dạng trong tương lai.
Sự khớp nối các khu đô thị mới với thành phố mẹ xưa, liệu có bao giờ được đặt ra ở quy mô quốc gia? Và những căn tính đô thị Việt vẫn đang phản ảnh tiếng gọi tâm thức dân tộc, nó phản ứng việc lạm dụng những khẩu hiệu về sự phát triển bằng quy hoạch san phẳng núi, rừng và di sản, bằng “phân vùng” hệ thống và sử dụng thuyết chức năng với đủ mọi quy trình bức tử. Những người đã dùng quyền lực và nhân danh đổi mới tuyên bố diệt vong phố phường để xây dựng những đơn vị đô thị ngoại lai văn hóa, là những đô thị không có tâm hồn, hay những thành phố – nhà trọ (*).
Những ai sống nhiều năm ở thị thành bình yên, đã được hưởng sự thanh bình thôn dã đều ý thức được sự mập mờ về phát triển, về tương lai bế tắc của thị thành. Và, khó mà hòa nhập với sự xấu xí, họ luôn hoài niệm về những thành phố cũ mộng mơ của cha ông để lại.
Nhẩn nha ngoảnh lại những nỗi nhớ xưa cũ, để nhìn kỹ hơn về thị thành.
Và, thị thành vẫn vậy.