Thời cơ đó không gì khác hơn là sự ấm lên khá vững chắc của thị trường địa ốc, cùng với sự cộng hưởng của chính sách mới và những yếu tố hỗ trợ như sự phát triển hạ tầng, việc mở rộng cánh cửa cho vay mua nhà của các ngân hàng… Bây giờ chỉ còn là việc quản lý thật hiệu quả để đưa thị trường vào giai đoạn phát triển ổn định.
Tiếp tục hào hứng
Một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của địa ốc TP. Hồ Chí Minh lâu nay là hệ thống cơ sở hạ tầng không đồng bộ và hệ thống giao thông công cộng kém. Với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, một sản phẩm địa ốc cách xa khu vực trung tâm và sân bay trên nửa tiếng chạy xe thì không còn được xem là hấp dẫn. Cùng với sự phát triển của các công trình hạ tầng như tàu điện ngầm, đường vành đai, cao tốc…, các sản phẩm địa ốc ở khu vực phía đông TP. Hồ Chí Minh bao gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức trong tương lai sẽ xóa đi được “khoảng cách di chuyển” nói trên. Vì vậy, khu vực này dần trở thành tâm điểm, hấp dẫn sự chú ý của cả doanh nghiệp địa ốc lẫn các nhà đầu tư và người dân có nhu cầu nhà ở. Nhiều chuyên gia có chung nhận định rằng bất động sản khu vực phía đông TP. Hồ Chí Minh đang bước vào thời kỳ tăng tốc mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, mà tác nhân chính không gì khác hơn là sự phát triển của hạ tầng. Có cầu rồi sẽ có cung, nhưng để các khu cao ốc, khu dân cư hiện đại trở thành hiện thực thì doanh nghiệp phải đi trước. Đường cao tốc đã đi vào hoạt động, tuyến đường vành đai dần được định hình và đặc biệt tuyến tàu điện ngầm sẽ hoàn thành trong những năm tới và các doanh nghiệp cũng không chậm chân với những dự án hấp dẫn.
Sự ra đời của hệ thống tàu điện ngầm sẽ mang đến nhiều lợi ích cho dân cư trên toàn tuyến, giúp cải thiện khả năng tiếp cận của người dân với những khu vực làm việc, vui chơi giải trí và mua sắm. Sử dụng tàu điện ngầm giúp làm giảm đi phân nửa thời gian di chuyển của người dân khu vực này khi cần vào khu vực trung tâm. Tại nhiều quốc gia, một dự án tàu điện ngầm luôn có ảnh hưởng lớn đến giá của bất động sản trong khu vực và thực tế tại khu đông TP. Hồ Chí Minh thời gian qua cũng cho thấy điều đó. Các căn hộ trong khu vực có tuyến tàu điện ngầm chạy qua có giá bán cao hơn khoảng 2 – 5% so với các sản phẩm cùng phân khúc ở các khu vực khác. Theo các chuyên gia, thời gian tới sẽ có thêm nhiều cụm dự án thương mại mới dọc theo tuyến tàu điện ngầm này, đặc biệt là các dự án trong phân khúc trung cấp. Các dự án phức hợp bao gồm khu căn hộ, cơ sở giáo dục, văn hóa, văn phòng, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, tụ điểm sinh hoạt ngoài trời và các điểm tham quan khác xoay quanh nhà ga tàu điện ngầm là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Mặc dù chưa có những thống kê cụ thể về tác động của hệ thống tàu điện ngầm đối với giá bán các sản phẩm địa ốc cũng như số lượng giao dịch tại khu vực kể trên nhưng sự hào hứng là có. Và giới kinh doanh bất động sản đang mong sự hào hứng này sẽ còn kéo dài.
Để thị trường đi vào giai đoạn ổn định
Tuy nhiên, cũng nên có một sự lạc quan vừa phải để cho sự hào hứng không trở thành phát triển nóng đáng lo ngại. Trong phiên họp thường kỳ vào cuối tháng 4 của Chính phủ, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh rằng chúng ta không được chủ quan dù tình hình kinh tế – xã hội đạt kết quả tích cực và lĩnh vực bất động sản cũng không là ngoại lệ. Cụ thể, trước tình hình thị trường bất động sản đang ấm lên và nguồn tín dụng đổ vào lĩnh vực bất động sản tăng đáng kể so với trước, Thủ tướng lưu ý Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước cần có các giải pháp bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Đặc biệt là phải chủ động kiểm soát chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng bong bóng bất động sản khiến các cơ quan quản lý từng rất vất vả để xử lý.
Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa, Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực, với sự mở rộng đáng kể dành cho người nước ngoài muốn kinh doanh, sở hữu bất động sản tại nước ta. Bởi vậy, động thái của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong giai đoạn được coi là “ấm lên” của thị trường từ đầu năm đến nay đang được nhiều người theo dõi. Có thể nói các nhà đầu tư nước ngoài có quan tâm đến bất động sản nước ta nhưng không quá hào hứng. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bốn tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký rót vốn vào 10 dự án bất động sản, với tổng số tiền là 327 triệu USD, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Cũng dễ hiểu khi họ mới chỉ hy vọng vào những dấu hiệu tích cực hơn từ thị trường bất động sản nước ta mà thôi, chứ chưa thể dồn dập đầu tư nhằm kiếm tìm lợi nhuận. Luật đã có nhưng còn phải chờ xem thông tư hướng dẫn. Chỉ khi các điều kiện pháp lý về thủ tục dành cho người nước ngoài muốn sở hữu nhà tại nước ta là thuận lợi, thì kỳ vọng về nguồn cầu tăng lên từ khối ngoại mới có thể thành hiện thực. Nhà đầu tư lớn đến từ nước ngoài khi ấy sẽ không chỉ đầu tư vào phân khúc cao cấp tại các thành phố lớn mà còn đầu tư vào các khu du lịch nghỉ dưỡng, trong bối cảnh giá cả thị trường được nhận định là đáy như hiện nay.
Cũng nhận định rằng khi cánh cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam rộng mở hơn vào 1-7 tới, các sản phẩm bất động sản phù hợp với đối tượng này sẽ hút khách, một số doanh nghiệp bất động sản đã lên kế hoạch sẵn sàng, thậm chí quảng bá cả ra nước ngoài để tìm người mua. Một số dự án đang triển khai chọn thời điểm bàn giao căn hộ cho người mua trong khoảng tháng 7 tới để “bắt kịp” chính sách, thậm chí người nước ngoài và Việt kiều còn có thể đăng ký giữ chỗ trước với chủ đầu tư. Các ngân hàng cũng không ngoài cuộc, khi có đơn vị đang nghiên cứu các chương trình cho vay dành riêng cho đối tượng này, để những người nước ngoài là chuyên gia đang làm việc và sinh sống lâu dài tại nước ta có thể tiếp cận một gói vay mua nhà tại các dự án theo phương thức thanh toán phù hợp. Có thể nói, ngay khi chính sách mở rộng cho người nước ngoài và Việt kiều mua và sở hữu nhà, thị trường căn hộ cao cấp đã có dấu hiệu sôi động. Tuy nhiên, để chính sách thật sự tác động tích cực đến thị trường, vẫn còn cần thêm cơ chế, thủ tục rõ ràng và minh bạch, vì nếu mất quá nhiều thời gian lo các thủ tục hành chính, người nước ngoài và Việt kiều sẽ nản lòng.
Với thị trường nói chung, vấn đề giá cả vẫn là vấn đề cần được các doanh nghiệp quan tâm, bởi mặt bằng thu nhập chung của người dân còn thấp hơn nhiều so với giá bán bất động sản. Luôn áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ để từng bước nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm địa ốc vẫn luôn rất cần thiết, để thị trường thực sự đi vào giai đoạn phát triển ổn định.
Phi Yến (DNSGCT)