Tháng 7-2013, lô xe Mazda đầu tiên từ nhà máy Vina Mazda tại khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) được xuất sang Lào, gồm các dòng xe đã được lắp ráp tại Việt Nam như Mazda 2, Mazda 3, CX-5. Tháng 11-2013, Công ty Ôtô Á Châu – nhà nhập khẩu chính thức xe Audi tại Việt Nam công bố trở thành nhà phân phối chính thức Audi tại Campuchia… Vài dấu hiệu đó mới chỉ là bước khởi đầu cho hàng loạt dự án “Tây tiến” của các hãng xe Việt Nam nhằm mở rộng thị trường trong năm 2014 và nhiều năm nữa.
Từ vùng đất bị bỏ quên…
Trong khi các hãng xe Nhật, Mỹ ồ ạt đổ vốn vào xây dựng các nhà máy tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, rồi đặt văn phòng vùng tại Singapore thì hai quốc gia còn lại của bán đảo Đông Dương là Campuchia và Lào gần như vùng đất bị bỏ quên, trở thành thiên đường của xe nhập khẩu. Từng có một thời gian dài, dân chợ đen Việt Nam chuyên buôn bán phụ tùng ôtô đã móc nối chặt chẽ với thị trường xe cũ Campuchia, thậm chí đưa xe cũ qua biên giới sau khi làm giả số khung, số máy.
Theo số liệu được công bố trên tờ International Business Time hồi tháng 8-2013, hiện nhu cầu tiêu dùng hằng năm của thị trường ôtô mới của Campuchia chỉở mức 2.000 xe các loại, nghĩa là bằng 1/5 lượng xe mới tiêu thụ trong một tháng ở Việt Nam, rất nhỏ. Lượng xe đang được mua bán phổ biến ở nước này là xe cũ nhập khẩu theo các ngả không chính thức, hiện diện tại những showroom nhỏ lẻ. Với mức thuế khá thấp so với Việt Nam (thuế nhập khẩu 35 – 55% tùy theo dung tích xilanh, thuế tiêu thụ đặc biệt 45%, thuế VAT 10%), giá xe nhập khẩu vào thị trường Campuchia thấp hơn hẳn so với Việt Nam. Có thể nêu một ví dụ cụ thể: Toyota Camry (một trong những model rất được ưa chuộng ở nước bạn), phiên bản 2.4, đời 2002, hiện được bán với giá sau thuế chỉ 14.487 USD. Cũng theo International Business Time, lượng xe cũ nhập khẩu vào thị trường Campuchia ở mức 20.000 xe/năm, tức là gấp mười lần lượng xe mới được nhập khẩu. Lào còn có chính sách cho phép mỗi công chức được mua một xe nhập khẩu miễn thuế, vì vậy trên các đường phốở Lào nhan nhản Toyota Prado hay Hilux nhập khẩu nguyên chiếc. Giống Việt Nam và khác xa nước láng giềng Thái Lan, xe hơi tại Campuchia và Lào sử dụng tay lái thuận (tại Campuchia, xe tay lái nghịch cũng được phép sử dụng, nhưng hệ thống đường và tín hiệu đều dùng cho xe tay lái thuận).
“Thị trường xe hơi ở Campuchia hiện nay giống như Việt Nam cách đây khoảng bảy, tám năm” – ông Laurent Genet, Tổng giám đốc Công ty Ôtô Á Châu nhận xét như vậy. Và đó chính là cơ hội cho các nhà đầu tư đang đi tìm vùng đất mới.
…đến thị trường mới trỗi dậy
Trong buổi ra mắt đại lý phân phối chính thức đầu tiên của thương hiệu Chevrolet tại Campuchia, Chủ tịch Tập đoàn United Auto Trading – đơn vị hợp tác với GM trong thương vụ này không ngần ngại tuyên bố rằng “Thị trường ôtô Campuchia tuy nhỏ nhưng đang phát triển nhanh”. Người ta hy vọng là sau khi Campuchia tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (năm 2015) thì nước này sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan cho tương xứng với các nước trong cộng đồng và điều đó sẽ tác động trực tiếp đến giá xe. Trong năm 2013, Triển lãm xe hơi quốc tế Phnom Penh lần đầu tiên được tổ chức. Tại đó, ông Cham Prasidh – Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia tiết lộ thông tin là nhiều hãng xe Nhật đang có nhà máy lắp ráp tại Thái Lan và Việt Nam tỏ ra quan tâm tới việc nhảy vào thị trường Campuchia. “Các hãng này có thể nhập lốp xe từ Malaysia, gương từ Indonesia hoặc những bộ phận khác từ các quốc gia khác và lắp ráp tại Campuchia, nơi mà giá thành sản phẩm chắc chắn rẻ hơn” – ông Cham dự báo. Hiện chưa có thông tin xác nhận từ phía hai trong số các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản đầu tư lớn nhất tại Thái Lan và Việt Nam là Toyota và Honda, tuy nhiên Hyundai – đối thủ của họ đến từ Hàn Quốc – đang lắp ráp xe “made in Korea” tại nhà máy đầu tiên ở Campuchia với mục đích phục vụ cho nhu cầu nội địa, dù lượng xe tiêu thụ bước đầu còn khá hạn chế, mới ở mức 800 chiếc trong năm 2013.
GM với thương hiệu Chevrolet cũng đã khai trương đại lý chính thức đầu tiên tại Lào hồi cuối năm 2012 (trong sự kiện đó có sự tham dự của Bộ trưởng Thương mại của Lào). Với bước đi chiến lược khá bài bản (mười tháng trước khi khai trương đại lý, đội ngũ nhân viên, kỹ thuật viên của đại lý này đã được gửi đi đào tạo tại các cơ sở của GM ở nhiều quốc gia khác), GM quyết tâm chiếm lĩnh thị phần chính tại quốc gia này như đã từng làm tại Trung Quốc, chủ yếu ở phân khúc xe bán tải vì đó cũng là dòng xe phổ biến tại Lào. Mục tiêu trong năm 2013 của đại lý Chevrolet đầu tiên tại Lào là bán được 1.100 xe.
Tháng 12-2013, Mitsubishi cũng đã hợp tác với Tập đoàn KLM khai trương đại lý phân phối xe Mitsubishi chính thức tại Vientiane, đồng thời xúc tiến việc mở hai đại lý khác tại Savannakhet và Pakse (hai thành phố lớn ở Trung và Nam Lào). Xem ra, dù sao thì các hãng xe Nhật đã tỏ ra chậm chân hơn các đối thủ. Hiện tại, thương hiệu xe Hyundai – Kia của Hàn Quốc đang qua mặt Toyota để dẫn đầu thị trường Lào. Tuy nhiên, một làn sóng mới bao gồm các sản phẩm mang thương hiệu Nissan, Mazda và Ford đang khiến cho thị trường này đa dạng và phong phú hơn.
Một trong những đặc điểm của Lào giúp cho thị trường xe hơi có tiềm năng phát triển nhanh hơn so với Campuchia và cả Việt Nam là hệ thống đường giao thông có chất lượng khá tốt. Hầu hết các cung đường huyết mạch của Lào đều do Việt Nam và Trung Quốc xây dựng. Thị trường xe hơi Lào tuy nhỏ hơn nhưng được đánh giá là “lành mạnh” hơn so với thị trường Campuchia vì người dân thích mua xe mới hơn, trong khi tại Campuchia có tới 90% là xe cũ nhập khẩu.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Dù bị cạnh tranh bởi dòng đầu tư từ các hãng xe quốc tế đổ vào hai thị trường mới Lào và Campuchia, các nhà sản xuất Việt Nam vẫn có thêm nhiều cơ hội để tự mở rộng thị trường của mình. Ngày 14-7-2013, sự kiện lô xe Mazda đầu tiên được Vina Mazda (thành viên của Công ty Ôtô Trường Hải, 100% vốn Việt Nam) xuất khẩu sang Lào có thể xem là một trong những cuộc “hội nhập” của doanh nghiệp ôtô Việt Nam vào làn sóng tiến sang phía Tây của bán đảo Đông Dương. Theo thông tin từ phía Trường Hải, đây là bước khởi đầu của kế hoạch xuất khẩu xe Mazda từ Việt Nam sang thị trường sử dụng tay lái bên trái thuộc khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Myanmar… Theo dự kiến, trong năm 2013 Vina Mazda xuất khẩu được 300 chiếc, nhưng sang năm 2014 sẽ đẩy lên 3.000 chiếc và đến năm 2020, lượng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 15.000 xe các loại. Từ nhà máy lắp ráp đặt tại Chu Lai, xuất khẩu bằng đường bộ qua Lào rất thuận tiện và còn tiết kiệm được chi phí vận chuyển. Thương hiệu xe Pháp Peugeot mà Trường Hải vừa lắp ráp thành công tại Việt Nam cũng có nhiều khả năng sẽ mở rộng thị trường theo đường này. Đại diện Peugeot tại Đông Nam Á cho biết hiện trong khu vực này chỉ còn Lào, Campuchia và Myanmar là Peugeot chưa có đại lý chính thức.
Công ty Ôtô Á Châu với quyết định đầu tư sớm tại Campuchia đang là doanh nghiệp đi đầu về xuất khẩu xe từ Việt Nam. Theo kế hoạch của họ, showroom đầu tiên theo tiêu chuẩn Audi toàn cầu sẽ được khai trương tại thủ đô Phnom Penh vào giữa năm 2014. Xe Audi sẽ được Á Châu nhập về Việt Nam và tái xuất qua Campuchia bằng đường bộ cũng rất thuận tiện và dễ dàng. Do thuế nhập khẩu ở Campuchia thấp hơn Việt Nam nên giá xe Audi tại thị trường mới này sẽ rẻ hơn tại Việt Nam. Ngoài Audi Việt Nam, Porsche Việt Nam cũng hé lộ kế hoạch “Tây tiến”, mở rộng địa bàn sang Campuchia, nhưng những chi tiết cụ thể chưa được công bố.