Một trong những chương trình giáo dục độc đáo, thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nhân, trong đó có không ít người đã rất thành công và đang lãnh đạo những tập đoàn lớn, đó là Quản trị cuộc đời. Chương trình do ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, đồng thời là tác giả của cuốn sách Đúng việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh trực tiếp giảng dạy. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với ông Giản Tư Trung, người khai sinh ra chương trình Quản trị cuộc đời tại Việt Nam, để giúp mọi người hiểu hơn về chương trình học này.
Học quản trị cuộc đời là học cái gì vậy, thưa ông?
Đây là thắc mắc của hầu hết mọi người khi nghe đến môn học Quản trị cuộc đời. Khi tôi đưa ra và giảng dạy chương trình này lần đầu tiên năm 2006, người ta đi học vì sự hiếu kỳ và cái tên của tác giả là chủ yếu. Đến nay, nhiều thế hệ học viên đã trở thành kênh quảng bá, giúp cho người ta biết đôi chút về cái mà tôi chia sẻ.
Học Quản trị cuộc đời là học những điều đặc biệt cần thiết cho cuộc đời, nhưng hầu như không được dạy ở trường và ít được dạy ở nhà. Nói cách khác, chương trình này giúp bổ sung cho người học một hệ thống lý luận về cuộc đời và con người, giúp chúng ta tư duy lại chính mình, định nghĩa lại các khái niệm cơ bản về thành công, hạnh phúc… Tôi khá ngạc nhiên là khi nói về quản trị cuộc đời thì ngay cả sinh viên ở các trường đại học hàng đầu thế giới cũng thấy mới mẻ. Vì nội dung ẩn chứa bên trong khái niệm này đã có ở các nước phương Tây từ vài trăm năm trước, nhưng lại ít được đề cập đến trong thế kỷ qua, đến khi nhiều giá trị nền tảng bị đổ vỡ thì mới bắt đầu quay trở lại mạnh mẽ thời gian gần đây. Còn ở Việt Nam thì những thứ này hầu như ít được bàn đến, có chăng cũng chỉ ở giới thức giả hay tu hành thôi.
Vậy cụ thể, chúng ta có thể quản trị cuộc đời bằng cách nào?
Muốn biết thì phải đi học! Nhiều người nghĩ rằng cuộc đời được quyết định bởi số phận, không thể “quản” được. Tôi cho họ niềm tin rằng, cuộc đời này hoàn toàn có thể “quản” được và nếu biết cách “quản” thì cuộc đời chắc chắn sẽ tốt hơn. Chương trình này dễ làm cho người học cảm thấy “hại não”, nhưng một khi đã thông suốt thì chúng ta sống rất “đã”, luôn tư duy tích cực và tràn đầy sức sống, ít cảm thấy bi quan, tuyệt vọng.
Ngày trước, tôi cũng hay tuyệt vọng với suy nghĩ làm sao để thay đổi giáo dục, xã hội. Về sau, tôi không còn cảm giác tiêu cực này nhờ tìm ra cách tiếp cận khác về giáo dục – Chúng ta sẽ mất rất nhiều năm để có thể tạo ra một cuộc cách mạng về giáo dục, nhưng cuộc cách mạng về sự học của mỗi người có thể thực hiện một cách nhanh chóng, có thể bắt đầu ngay bây giờ, hôm nay hay ngày mai, chỉ bằng sự chủ động và quyết tâm của chính mình. Nếu như cách mạng giáo dục là cuộc cách mạng của “toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta” thì cách mạng sự học là cuộc cách mạng “của tôi, do tôi và vì tôi”, không phụ thuộc ai, “mình thích thì mình làm thôi”! Nhà khai sáng nổi tiếng của nước Nhật, Fukuzawa Yukichi từng nói: “Trời không sinh ra người đứng trên người. Trời không sinh ra người đứng dưới người. Tất cả, đều do sự học mà ra”. Còn tôi thì cho rằng con người có thể thay đổi số phận, với niềm tin “Ta là sản phẩm của chính mình”.
Nói rằng cuộc đời có thể thay đổi, nhưng ông lại tin vào số phận, phải chăng ông đang mâu thuẫn với chính mình?
Hoàn toàn không mâu thuẫn, vì có những thứ được hiểu là số phận, chúng ta không thể chọn hay thay đổi, chẳng hạn như nơi chúng ta sinh ra, cha mẹ chúng ta là ai… Nhưng có một niềm tin khác quan trọng hơn nhiều, đó là niềm tin số phận có thể thay đổi được. Người xưa đã có những niềm tin này, thể hiện qua các câu nói như: “Đức năng thì thắng số”. Muốn thay đổi số phận, sống cuộc đời như mình mong muốn thì trước hết phải có niềm tin “Ngẫm hay muôn sự tại mình”, không phải tại trời hay tại người, còn cách thức thay đổi cuộc đời thì… tính sau!
Liệu những người chưa từng học qua chương trình của ông có thể tự quản trị cuộc đời được không?
Dù học hay không thì hầu hết chúng ta đều đang tự quản cuộc đời của mình, nhưng quản theo kiểu gì thì lại là một chuyện khác. Nhiều người học xong chương trình nói rằng trước khi học, họ thấy mình cũng khá thành công và hạnh phúc, nhưng học xong họ lại cảm thấy mình… bất hạnh. Tất nhiên mục tiêu của chương trình không phải để học viên trở nên bất hạnh. Mà cảm giác bất hạnh là hệ quả của quá trình khai minh, đó là một quá trình đau đớn lành mạnh. Hạnh phúc mà ta cần hướng tới là hạnh phúc trong khai minh, còn hạnh phúc trong vô minh thì có lẽ không cần phải bàn.
Một phần chương trình học sẽ giúp học viên cách thức “Tự lực khai phóng”, để từ đó “tìm ra chính mình”, rồi họ sẽ “làm ra chính mình”, “sống với chính mình” và “giữ được chính mình”. Tất cả dựa trên nền tảng “Ta là sản phẩm của chính mình”, theo đó người học mới có thể nâng cao giá trị con người. Trong quản trị cuộc đời, đáng sợ nhất là tìm lẽ sống khi chưa khai phóng bản thân, khi mà ánh sáng của chân lý và tự do chưa chạm đến được con người vô minh, tăm tối, ấu trĩ, giáo điều bên trong.
Nhiều người trong chúng ta lại hay tránh nói đến sự thật, vì nói thật dễ bị người ta nghĩ là nói xấu, chính vì vậy mà sự thật về cuộc đời, con người, về thời cuộc và cả chính mình không chạm được đến mình. Như vậy là sao có thể khai minh, làm sao có được tự do và hạnh phúc đích thực?
Xã hội chúng ta không thiếu những học sinh, sinh viên học làng nhàng, nhân viên làm việc làng nhàng, con người sống làng nhàng, thiếu động lực. Vì học sinh, sinh viên không biết trả lời câu hỏi “Học để làm gì?”, nhân viên không thể trả lời câu hỏi “Làm để làm gì?” và con người băn khoăn với câu hỏi: “Sống để làm gì?”. Những câu hỏi này người ta không trả lời được vì câu hỏi quan trọng nhất vẫn còn để ngỏ, đó là “Thế nào là con người?”. Chỉ khi tìm ra được “Đạo nhân”, trả lời cho câu hỏi “Thế nào là con người?” thì chúng ta mới có thể tìm ra Đạo sống, Đạo nghề và Đạo học – là đáp án cho những câu hỏi trên và cũng là “lẽ sống” thực sự của riêng mình.
Ngoài ra, trong chương trình Quản trị cuộc đời, tôi cũng gợi ý cho học viên về phương pháp luận để đưa ra quyết định cho năm lựa chọn quan trọng trong cuộc đời, bao gồm: chọn lẽ để sống, chọn người để lấy, chọn việc để làm, chọn thầy để học, chọn bạn để chơi. Trong đó, chọn lẽ sống sẽ quyết định những lựa chọn còn lại là đúng hay sai.
Có thể thấy phần đông thế hệ trẻ ngày nay sống thiếu mục đích, phải chăng vì họ chọn sai lẽ sống?
Chúng ta hay nói rằng thế hệ trẻ sống không có mục đích, điều này không đúng lắm. Tôi nghĩ phần đông giới trẻ đều sống có mục đích, tiền tài, địa vị, danh vọng cũng là một dạng mục đích đấy chứ. Vấn đề nằm ở chỗ, những thứ đó có nên là mục đích hay chỉ nên là hệ quả của những gì mà mình đã làm thôi. Không ít người trong chúng ta vẫn nhầm lẫn giữa “mục đích” và “hệ quả”, giữa “muốn” (nhận thức), “cho” (mục đích) và “nhận” (hệ quả), điều này rất tai hại cho cuộc đời.
Tôi không đánh giá cao những cuốn sách dạy về “cách thu phục lòng người”. Theo tinh thần giáo dục khai phóng, khi chúng ta đã trở thành con người khai minh, con người tự do thì chỉ cần sống đúng với con người của mình thì vẫn được người khác tin quý, tôn trọng, mà không cần chiêu trò, bí quyết nào cả. Liên tưởng đến thời cuộc, theo tôi thời đại mà sự thay đổi của xã hội chỉ dựa vào một anh hùng đã qua rồi. Thời nay, mỗi người là một “anh hùng” nếu muốn (tất nhiên không chỉ là anh hùng bàn phím). Tôi hay nói với các bạn trẻ là muốn cống hiến cho đất nước, muốn thay đổi xã hội này thì cách đơn giản và hiệu quả nhất là thay đổi chính mình. Thay vì trông chờ vào cuộc cách mạng của cả xã hội thì hãy làm cuộc “cách mạng bản thân” cho mình trước. Hãy trở thành một con người tử tế, thì đất nước sẽ bớt đi một kẻ không ra gì, hãy trở thành một người “tỉnh” (khai minh) thì sẽ bớt cho đất nước này một người “mê” (vô minh). Vĩ đại hơn thì hãy mang đến cho đất nước này một gia đình tử tế và một tổ chức tử tế. Một quốc gia độc lập và tự do được gầy dựng bởi những công dân độc lập và tự do. Một đất nước tập hợp nhiều con người, gia đình, tổ chức tử tế thì chắc chắn sẽ thịnh vượng và văn minh!
Qua những điều ông chia sẻ, có thể thấy Quản trị cuộc đời là chương trình cần thiết cho tất cả mọi người, chứ đâu chỉ dành riêng cho cấp lãnh đạo?
Đúng vậy, nhưng có lẽ người lãnh đạo thường có nhu cầu học về quản trị cuộc đời cao hơn những người khác. Vì họ ý thức về chuyện này cao hơn, đồng thời nhiều nhà lãnh đạo cũng đã bắt đầu hiểu rằng tương lai của quản trị là “Tự quản trị”. Nói cách khác, công việc đúng nghĩa của một nhà lãnh đạo là “nỗ lực tự lãnh đạo mình, đồng thời giúp người khác biết cách tự lãnh đạo họ”. Ngoài ra, học phí của chương trình có lẽ cũng là một rào cản, trong khi từ lâu chương trình này cũng không quảng bá gì cả, mà thường là người học truyền miệng đến những người khác.
Ngoài chương trình dành cho doanh giới và doanh nghiệp, kể từ 2007 đến nay, hằng năm, tôi vẫn đều đặn triển khai chương trình quản trị cuộc đời miễn phí cho ít nhất năm trường đại học và cho hàng vạn giáo viên ở các tỉnh thành. Hy vọng rằng nỗ lực của tôi sẽ góp phần giúp ngày càng nhiều người có niềm tin rằng, cuộc đời này có thể quản và khi biết cách quản thì chắc chắn cuộc đời sẽ thành công hơn, ý nghĩa hơn và hạnh phúc hơn.
Cảm ơn ông về buổi phỏng vấn thú vị này!
- Tường Lam