Kết quả kiểm toán năm 2014 được công bố cuối tuần qua đã chỉ ra hàng loạt yếu kém, sai sót của các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán có tổng tài sản, nguồn vốn đến 31-12-2013 là 507.998 tỉ đồng; tổng doanh thu, thu nhập 384.325 tỉ đồng; lợi nhuận trong công ty liên kết, liên doanh 7.000 tỉ đồng; tổng chi phí 333.153 tỉ đồng, lợi nhuận kế toán trước thuế 58.172 tỉ đồng.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, một số đơn vị xóa nợ phải thu khi chưa đủ điều kiện; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định; chưa xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu; nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi; nợ trong nội bộ một số doanh nghiệp với số tiền lớn, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Một số tổng công ty đầu tư tài sản sử dụng không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ; nhiều tổng công ty đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, nhiều doanh nghiệp có vốn góp của các tổng công ty kinh doanh thua lỗ, mất vốn, phá sản, ngừng hoạt động hoặc làm thủ tục giải thể…
Đáng chú ý, kết quả kiểm toán cho thấy, hầu hết tổng công ty có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ làm giảm hiệu quả đầu tư, một số dự án phải tạm dừng triển khai gây lãng phí vốn đầu tư, như Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 đầu tư vào dự án cao ốc Valta của Công ty Cơ khí Xây dựng Tân Định xây từ năm 2006 vẫn chưa hoàn thành. Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) đầu tư dự án DAP Hải Phòng chậm tiến độ hơn 60 tháng.
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng có dự án Đài Kiểm soát không lưu cảng hàng không Liên Khương kéo dài thêm hai năm, đồng thời dự án cơ sở làm việc của các đơn vị khu vực sân bay Gia Lâm kéo dài hơn một năm.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy hầu hết các đơn vị phản ánh không đúng doanh thu, chi phí, một số đơn vị chưa tuân thủ đầy đủ quy định về đăng ký giá bán hàng hoặc chương trình khuyến mại với cơ quan quản lý Nhà nước.
Một số tổng công ty chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý, cùng với đó là tình trạng sử dụng đất không hiệu quả, bị lấn chiếm, tranh chấp; chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý và chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất với nhà nước.
Riêng đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đến 31-12-2013, SCIC đã nộp ngân sách đối với cổ tức được chia năm 2013 là 5.790 tỉ đồng, nhưng chưa phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại một số công ty cổ phần để đôn đốc nộp cổ tức được chia năm 2013 vào ngân sách, xác định thiếu lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách là 217,2 tỉ đồng.
Gia Minh (DNSGCT)