Diễn viên Lý Hùng là một trong sáu người con của cố NSND Lý Huỳnh, bên cạnh người em cũng tham gia nghệ thuật là Lý Hương, người anh trai Lý Sơn – cổ đông sáng lập của thương hiệu bất động sản Khang Điền và các chị em Lý Hồng, Lý Thanh, Lý Nga.
Khi còn sống, cố NSND Lý Huỳnh đã trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, nhưng dù thời thế nào, ông đều có những đóng góp lớn cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam – từ giai đoạn là một võ sĩ đóng phim, các vai diễn võ thuật, hợp tác sản xuất phim với nước ngoài, đến các vai chính trong dòng phim cách mạng, rồi sản xuất các bộ phim giải trí gây bão phòng vé cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ XX.
Lý Huỳnh qua đời, để lại cho những người con của mình không chỉ những ký ức điện ảnh đáng nhớ mà hơn hết, đó là thái độ và nhân cách của một người làm nghệ thuật, trong lĩnh vực giải trí đầy cám dỗ.
Diễn viên Lý Hùng đã chia sẻ câu chuyện của gia đình mình với Người Đô Thị:
Khi nhắc đến ba tôi, sáu anh em tôi, gồm doanh nhân Lý Sơn, chị Lý Hồng, tôi, hai người em Lý Nga, Lý Thanh, cuối cùng là em út Lý Hương luôn tự hào về nề nếp gia đình mà ba mẹ đã xây dựng và dạy dỗ các con. Tính tới hôm nay, tôi bước vào con đường nghệ thuật đã ba mươi mấy năm. Tôi tự hào rằng mình chưa từng có một scandal nào, và luôn tâm niệm mỗi ngày rằng không được sống tự cao tự đại, coi thường mọi người.
Tôi nổi tiếng khi còn trẻ, đi đến đâu cũng có người biết, được mời ra nước ngoài đóng phim; gia đình cũng là một gia đình sản xuất phim – hãng phim Lý Huỳnh. Gần đây nhất, gia đình cũng đã tự đầu tư sản xuất bộ phim Tây Sơn hào kiệt. Lúc đó, trong nhà cũng có người góp ý với ba, phim này là phim lịch sử, để nhà nước làm, vậy mà ba vẫn mê, ba lặn lội từ Huế, Bình Định để làm… Chúng tôi tự hào vì ba đã thành công qua hai chế độ: trước 1975, ba tôi nổi tiếng với vai trò một võ sĩ; sau ngày thống nhất đất nước, ba tôi làm phim thành công. Ba tôi đã sống hết mình vì nghệ thuật, đã sống đạo đức, để từ đó, đức thắng số, thắng tài. Ba tôi hiền, chân chất, chân thành.
Ngay từ lúc mới vào đời, bước vào nghề, ba ngồi chỉ từng câu thoại cho anh em tôi, dạy chúng tôi từng bước. Nhờ đó, đến giờ này, tôi cũng không quen, không chấp nhận việc nhắc thoại khi đóng phim.
Ba tôi thường dạy nổi tiếng là trăm lần khó mà giữ được tiếng thì trăm ngàn lần khó hơn. Khi mới vô nghề, tôi chập chững đi đóng phim. Vai diễn đầu đời của tôi là một vai phụ, vai cậu bé bán báo trong phim Phượng của đạo diễn Lê Văn Duy. Sau đó, tôi casting vào vai chính trong phim Đàn chim và cơn bão của đạo diễn Cao Thụy, Nơi bình yên chim hót của đạo diễn Việt Linh (lúc này tôi mới học lớp 8, lớp 9).
Sau đó ba không chấp nhận tôi tay ngang nên hướng tôi đi học. Tôi học trường Điện ảnh khóa đầu tiên tại TP.HCM, cùng với Diễm Hương, Ngọc Hiệp, Lê Tuấn Anh. Không chỉ tôi theo học mà anh Lý Sơn, em Lý Hương cũng theo học. Sau khi vô trường thì tôi nổi tiếng ngay với bộ phim Phạm Công Cúc Hoa.
Ba dặn rằng làm nghề gì cũng phải tôn trọng nghề của mình, phải cần cù, học tập, chứ không phải đóng một phim, nổi tiếng là thấy đủ rồi. Có nhiều nghệ sĩ hát một bài hát là nổi rồi, nhưng nếu không trau dồi nghề nghiệp thì rất dễ mai một. Ba tôi muốn các con nếu theo nghề thì phải học hành đàng hoàng, chỉn chu.
Ba dạy rằng để khán giả nhớ mình, tôn trọng mình, vai diễn của mình đi vào trong ký ức khán giả là khó lắm, nhưng nếu làm được thì khán giả sẽ nhớ mình mãi mãi. Bởi vậy, tôi vô cùng hạnh phúc khi sau này đi diễn ở nhiều sân khấu, gặp khán giả, họ nói rằng mình chính là ký ức của họ, tuổi thơ của họ, đã từng lấy nước mắt của họ trong nhiều bộ phim… Ví dụ như ba tôi đã thành công với vai đại úy Long, ông Hai Cũ. Còn tôi thì được nhớ với vai Phạm Công, Người không mang họ Nguyễn Viết Lãm, vai trong Nước mắt học trò, nhiều vai trong phim hình sự…
Thế hệ tiếp nối trong gia đình chúng tôi thì các cháu luôn tìm con đường cho mình, chúng tôi tôn trọng cá tính riêng. Tôi tự hào khi có những cháu trai, cháu gái đẹp, xinh, nhiều đam mê. Như cháu Princess Lam, con gái Lý Hương, nay 19- 20 tuổi mà đã đam mê tập hát, tập nhảy, tập thể thao… Chúng tôi cũng sẽ truyền lại kinh nghiệm nghệ thuật cho cháu, rồi cháu thành như thế nào là nhờ vào chính bản thân. Gia đình chúng tôi tâm niệm, nếu muốn phát triển trong lĩnh vực này, phải dựa vào năng lực bản thân chứ không phụ thuộc công nghệ lăng xê, PR, vì PR này kia chỉ một sớm một chiều, còn nếu mình giỏi thật sự thì hình ảnh của mình sẽ còn mãi. Do đó, chúng tôi hay nói rằng, ban giám khảo lớn nhất của một cuộc thi nghệ thuật, một tác phẩm nghệ thuật chính là khán giả.
Bây giờ, dù không còn hoạt động nghệ thuật quá nhiều, nhưng tôi vẫn cố gắng dành thời gian tham gia các chương trình truyền hình, biểu diễn ca nhạc, tham gia các sự kiện, bên cạnh thời gian chính là chăm sóc mẹ, tập luyện thể thao. Nếu có kịch bản đóng phim, thông thường, tôi phải xem kịch bản rất kỹ và suy nghĩ kỹ lưỡng. Đơn giản là vì nhiều người đã quá yêu mến một Lý Hùng cách đây 30 năm, với các vai diễn quá đẹp, quá hay, nhưng bây giờ, vì cuộc sống mà mình trở lại với vai diễn không ra gì thì mình đã làm mất hình ảnh trong mắt khán giả. Do đó, tôi chọn lọc rất kỹ.
Nhiều người hỏi tôi khi ở đỉnh cao của danh vọng, vai chính tới tấp, cátsê cao, khán giả vây quanh, sao tôi không bị hư, bị sa ngã, tôi có thể nói ngay, đó là nhờ gia đình. Mười tám tuổi, tôi đã nhận cát sê 30 cây vàng, nhưng tôi không biết tiền là gì cả, vì có bao nhiêu tôi đưa mẹ giữ hết. Mỗi lần đi chơi với bạn bè, tôi xin tiền mẹ. Mười tám tuổi, tôi đã có quyền quyết định riêng rồi chứ, nhưng tôi không thích vậy, tôi vẫn thấy tự hào, thấy vui khi có ba mẹ đồng hành. Làm người nổi tiếng, cám dỗ nhiều lắm, luôn được săn đón, mời mọc, nếu mình không suy nghĩ, không biết chọn lọc thì phức tạp vô cùng. Với phụ nữ, tôi phân biệt rõ ràng, khán giả là khán giả, tình yêu là tình yêu. Có nhiều người hẹn xin gặp tôi để làm người tình, tôi nói “cảm ơn em, có duyên gặp lại sau, chào”… Ba tôi dạy, luôn tập thể thao, để giữ cơ thể và đầu óc minh mẫn, khỏe mạnh. Rảnh rỗi thì nghe nhạc, coi phim, vậy là đủ…
Trong gia đình tôi, khi nhắc đến nghệ thuật thì nhắc đến ba, nhưng nói kinh tế thì phải nói đến mẹ. Máu kinh doanh của anh Lý Sơn là thừa hưởng từ mẹ. Ngày xưa, khi ba tôi đi đóng phim thời bao cấp, một vai diễn đóng cả năm, tiền đâu ra, là nhờ mẹ hết. Sau ngày thống nhất đất nước, gia đình khó khăn vô cùng, mẹ tôi mở cơ sở làm bút bi trong gần 10 năm, lấy tên Lý Huỳnh, mấy anh em chúng tôi cùng làm với mẹ… Mẹ là người lo tài chính cho cả gia đình trong những giai đoạn khó khăn nhất. Với tôi, gia đình là điều quan trọng nhất.
Tay mẹ, vai anh
Khi nhắc đến sự nghiệp điện ảnh của ba – cố NSND Lý Huỳnh, diễn viên Lý Hùng và người anh cả trong gia đình – doanh nhân Lý Điền Sơn đều nhắc đến công lớn của người mẹ, mà cả hai đều gọi là “mẹ Lan”.
Bà tên thật là Đoàn Thị Nguyên, là chỗ dựa vững chắc của Lý Huỳnh và 6 người con. Sau ngày thống nhất đất nước, Lý Huỳnh đi đóng phim ròng rã cả năm trời, chủ yếu vì đam mê.
Để nuôi 6 người con, bà Lan là người gánh vác tất cả mọi vấn đề tài chính trong gia đình. Có thời điểm, cátsê của chồng chỉ đủ uống cà phê, nhưng vì thấy được niềm đam mê trong mắt chồng nên bà Lan quyết định đứng ra gánh vác kinh tế, cho chồng an tâm đi đóng phim.
Không chỉ là người lo cho chồng, bà còn là hậu phương cho Lý Hùng ở những thời điểm cátsê của Lý Hùng cao bậc nhất Việt Nam. Sau này khi hãng phim Lý Huỳnh của gia đình được thành lập, bà Lan lại có thêm công việc mới là đảm trách vai trò giám đốc tài chính cho những sản phẩm mang thương hiệu Lý Huỳnh. Khi kinh tế gia đình lao đao trong tình hình xã hội Việt Nam khốn khó vào đầu thập niên 1980, bà Lan đã gánh vác cơ sở sản xuất bút bi Lý Huỳnh để gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Kế thừa máu kinh doanh, khả năng chu toàn kinh tế của mẹ, trong gia đình Lý Huỳnh, đó chính là doanh nhân Lý Điền Sơn. Ông Sơn là cổ đông sáng lập công ty bất động sản Khang Điền, trực tiếp tham gia quản lý và điều hành Khang Điền từ những ngày đầu thành lập. Ông đã đưa Khang Điền vượt qua nhiều thử thách và trở thành một trong những doanh nghiệp phát triển bất động sản hàng đầu tại TP.HCM. Hiện ông đang đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, hỗ trợ chủ tịch Hội đồng quản trị trong công tác quản trị chiến lược và giám sát ban tổng giám đốc.
Điều thú vị là ông Lý Điền Sơn từng học khoa đạo diễn Đại học Văn hóa, từng đạo diễn 3 tập phim Nước mắt học trò rất thành công nhưng ông quyết định rời khỏi nghệ thuật hai mấy năm nay để chuyển hướng sang kinh doanh. “Việc đi làm kinh doanh, khác rất nhiều so với làm nghệ thuật. Đó là con số, là pháp lý, là sự chính xác… Với nghệ thuật, tôi quá cũ rồi. Muốn mới thì mình phải theo đuổi hoài, học hỏi hoài mỗi ngày mới là mới, mới không bị lỗi thời. Giống như tôi bây giờ phải học hoài cái ngành đô thị, xây dựng… thì mới phù hợp với công việc hiện nay”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Sơn tự hào vì mình có máu kinh doanh của mẹ, để rồi đưa Khang Điền phát triển lớn mạnh với lịch sử 20 năm: “Tôi hãnh diện vì Khang Điền là thương hiệu Việt lớn mạnh với 40% vốn nước ngoài của các quỹ đầu tư. Năm 2010, Khang Điền đã lên sàn chứng khoán. Tới nay đã tạo dựng nhiều khu dân cư. Với người Việt Nam, một căn nhà không chỉ là gia tài cho một đời người mà còn dành cho các thế hệ sau nên mọi việc tôi làm đều hướng tới sự bền, chắc và vấn đề pháp lý ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, vốn hóa thị trường của công ty là 17.000 tỷ đồng”.
Vừa có máu nghệ thuật nhưng lại thành công trên con đường kinh doanh, khi được hỏi về sự hướng nghiệp cho con cái, Lý Điền Sơn cho biết, thời nay, mọi sự đã khác xưa, không gò ép con cái được. “Tôi chỉ muốn con mình trở thành người đàng hoàng, sống bình thường, có đạo đức, có ích cho xã hội, chứ không cần con mình phải trở thành tỷ phú, xuất sắc hay vượt trội. Nếu đặt khao khát quá lớn lên con mình, con phải trở thành thiên tài thì tội nghiệp lắm. Nó phấn đấu không được, khổ nó lắm. Chỉ cần con đủ ăn đủ mặc đủ sống là được rồi, không cần phải trở thành nhân vật sáng chói. Nếu ông Trời cho mình thì quá tốt, còn không, làm người bình thường, miễn là sống sao đừng làm hại cho xã hội, đừng làm phiền người xung quanh, đừng làm người khác lo lắng về mình là đủ rồi. Không lo được cho người khác thì trước mắt, cứ sống để người khác không phải lo cho mình là tốt rồi.
Tôi là người tôn trọng năng lực tự thân. Như con tôi, đi học nước ngoài về, vô công ty làm thư ký hai năm nay rồi. Không cho chức vụ gì cả. Chứ không lẽ, đi học về chưa gì đã giữ chức này kia, rồi làm chuyện không tử tế, ai mà nể, ai mà coi ra gì. Đi làm ở đâu cũng vậy, không nên đưa người thân người quen vô mà không đúng việc. Lúc đó vừa hại người vừa hại mình. Nhân viên của tôi, có những em ở dưới quê lên, lương 50 triệu, 100 triệu, có em 200 triệu, các em đều tự phấn đấu, tự bơi… Đó là tài năng. Mình phải coi trọng”, ông Sơn chia sẻ.