Cứ hai năm một lần, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện đánh giá chỉ số ETI (Enabling Trade Index – chỉ số về khả năng phát triển thương mại trên toàn cầu), trong đó có phần xem xét mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng tại các quốc gia dựa trên bốn phương thức giao thông chính là đường bộ, hàng không, đường sắt và đường biển. Bên cạnh đó, WEF cũng phân tích khả năng liên kết của hàng không cũng như liên kết đường biển để đưa ra kết luận. Mới đây, WEF đã công bố bản báo cáo “Xúc tiến thương mại toàn cầu năm 2014” (ETI 2014), trong đó nâng mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm nay lên 16 bậc, đứng ở vị trí 74 trong danh sách 138 quốc gia tham gia xếp loại (năm 2010 đứng vị trí 103, năm 2012 lên vị trí 90). Xét riêng nhóm tám nước ASEAN được lựa chọn để so sánh, thứ hạng của Việt Nam cao hơn bốn nước Lào (91), Philippines (96), Campuchia (113) và Myanmar (138, chót bảng).
Đây là tín hiệu tốt đối với nước ta vì ghi nhận vượt lên 16 bậc như trên là một khẳng định về nỗ lực của Việt Nam trong khâu hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội trong cả nước. Đánh giá này cũng giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong con mắt nhà đầu tư thế giới và là tiền đề để thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn.
Trong một diễn biến khác có liên quan, đại diện Bộ Giao thông Vận tải, ông Trần Xuân Sanh – Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết dự kiến hết năm nay, toàn ngành sẽ đạt mức giải ngân kỷ lục lên đến 100 ngàn tỉ đồng. Trong những năm qua, việc thu hút nguồn vốn cho hạ tầng giao thông vận tải còn nhiều khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào vốn ODA và ngân sách nhà nước. Ngân sách và trái phiếu chính phủ cấp cho ngành này hằng năm chỉ khoảng 20 ngàn tỉ đồng, đáp ứng chưa được một nửa nhu cầu. Vì vậy, bình quân mỗi năm ngành giải ngân không được nhiều, chỉ khoảng 50 ngàn tỉ đồng. Thời gian qua, nhờ có đột phá trong việc kêu gọi vốn xã hội hóa vào hạ tầng giao thông, đến nay toàn ngành đã huy động tới khoảng 160 ngàn tỉ đồng để triển khai 65 dự án, công trình từ nguồn vốn ngoài ngân sách.
Tuy nhiên, chất lượng các công trình cầu đường vẫn chưa cao, nhiều công trình mới khánh thành đã bộc lộ khiếm khuyết, xuống cấp nhanh. Chỉ riêng năm 2014, một số tuyến đường cao tốc cùng cầu mới xây đã rơi vào tình trạng xuống cấp. Điển hình là tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (dài 245km) mới sau hai ngày thông xe đã bị lún hoặc nứt bề mặt dài cả chục thước hay quốc lộ 18 (đoạn Uông Bí – Hạ Long, có tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỉ đồng) sau khi cải tạo và nâng cấp, vừa thông xe đã bắt đầu xuất hiện lún, sụt nghiêm trọng. Cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đến cả dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (tổng mức đầu tư 20.000 tỉ đồng) đoạn đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai ngay sau khi thông xe cũng đã xuất hiện hiện tượng lún, nứt, lệch. Hai cây cầu lớn và rất hiện đại là Nhật Tân và Vĩnh Tuy đều bị lún kéo dài, thậm chí cầu Nhật Tân chưa thông xe đã bị lún.
- Nguyễn Thắng