Điều mà nhiều nhà đầu tư lo ngại đã xảy ra, đó là thời cơ (thị trường chứng khoán bật tăng) không đến ngay cả khi được hỗ trợ bởi thông tin rất tốt là chuyến thăm chính thức nước ta của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thực tế ấy cũng chứng tỏ rằng cho dù chịu tác động mạnh bởi cảm xúc, thị trường chứng khoán vẫn lên – xuống dựa trên giá trị thực của cổ phiếu trên sàn. Khi mà giá cổ phiếu đang ở mức khá cao so với những gì mà nền kinh tế và bản thân các doanh nghiệp đang thể hiện, những thông tin thực sự tích cực không nhiều và đã phản ánh hết vào giá trong giai đoạn tăng mạnh trước đó, thị trường phải bước vào vùng điều chỉnh.
Cả VN-Index lẫn HNX-Index đều giảm điểm sau khi kết thúc tuần cuối tháng 5, thanh khoản cũng sụt giảm mạnh so với tuần trước đó. Dưới áp lực chốt lời của những nhà đầu tư tin rằng giá cổ phiếu khó thể tăng trong ngắn hạn, một loạt cổ phiếu cơ bản đã không thể duy trì nhịp tăng. Song song đó, vì không thể tìm kiếm lợi nhuận thông qua nhóm cổ phiếu này, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Như từng diễn ra nhiều lần trong quá khứ, khi nhà đầu tư trong nước rụt rè, thậm chí khá bi quan, bán nhiều hơn mua, thì động thái mua ròng của khối ngoại đã giúp cho thị trường không trở nên tiêu cực. Như trong tuần cuối tháng 5, với việc mua ròng gần 400 tỉ đồng trên cả hai sàn, chủ yếu là nhóm cổ phiếu bluechip, khối ngoại đã giúp cho nhóm thị trường vẫn trong vùng giá ổn định trước áp lực bán tăng cao từ khối nội.
Có thể thấy, giai đoạn tăng điểm của thị trường trong nửa đầu tháng 5 có sự góp sức không nhỏ từ việc hồi phục của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, dầu thô tăng giá cũng kéo theo sự tăng giá bán lẻ của xăng dầu trong nước. Mà theo Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Ngoài ảnh hưởng trực tiếp, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá đầu vào các ngành sản xuất, dịch vụ, khiến cho giá một số loại hàng hóa, dịch vụ nhiều khả năng sẽ tăng theo, tiếp tục đẩy CPI lên cao. Với tốc độ tăng CPI như hiện nay, lạm phát cả năm nhiều khả năng sẽ vượt 5%, bởi dù là tháng không cao điểm nhưng CPI tháng 5 đã tăng đến 0,54%, nên những tháng cuối năm có thể sẽ còn tăng cao hơn. Có nghĩa là, dưới tác động trực tiếp của xăng dầu tăng giá, lạm phát năm nay của nước ta sẽ đứng trước thách thức lớn, dù mặt tích cực là thu ngân sách tăng so với trước nhờ xuất khẩu dầu thô sẽ được giá.
Kinh tế vĩ mô thời gian qua vẫn chưa thực sự khả quan. Các ngân hàng thương mại đang gặp khó trong việc cho vay, khi phải tìm cho ra khách hàng – doanh nghiệp tốt, nhằm tránh nợ xấu. Chính vì thanh khoản tại các ngân hàng đang dồi dào, nên lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đến một tuần đã về mức rất thấp, thậm chí là thấp nhất trong vòng 12 tháng qua. Trái phiếu chính phủ lại được chào đón và đây là tín hiệu không hề vui cho nền kinh tế. Điều đó thực ra đã được “thẩm thấu” vào thị trường chứng khoán: VN-Index tăng khá trong giai đoạn vừa qua nhưng đa phần cổ phiếu trên thị trường không tăng giá. Ngoài ra, trong suốt giai đoạn VN-Index tăng điểm (từ 20-4 đến 17-5), thanh khoản thị trường chỉ ở mức trung bình, cho thấy đa phần nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự chấp nhận vùng giá này. Thị trường tăng điểm nhờ phần lớn vào hoạt động mua vào của khối ngoại, ngay cả khi VN-Index giảm về gần 600 điểm thì khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng, nên thị trường mới không điều chỉnh sâu. Với sự phụ thuộc tương đối này, một khi dòng tiền ngoại “quay đầu”, sức ép lên thị trường sẽ rất lớn.
Ngọc Khang (DNSGCT)