Điểm chung ở nhiều phim lịch sử ăn khách, nổi tiếng của xứ Hàn nằm ở chỗ chúng là những câu chuyện dựa trên người thật, việc thật trong lịch sử nhưng được tiểu thuyết hóa, kịch tính hóa cao độ.
Năm 2014, bộ phim ‘Đại Thủy Chiến’ ra rạp và ngay lập tức tạo nên những kỷ lục phòng vé tại Hàn Quốc. Bộ phim đạt 10 triệu lượt vé chỉ trong 12 ngày sau khi ra mắt và lập kỉ lục tại Hàn Quốc cho số lượng người xem lớn như vậy trong thời gian ngắn nhất. Bộ phim cũng vượt qua kỉ lục 13 triệu người xem của Avatar để trở thành bộ phim có số người xem nhiều nhất và doanh thu lớn nhất mọi thời đại ở Hàn Quốc với 17,6 triệu vé, tổng doanh thu toàn cầu của phim đạt 138,3 triệu đô la Mỹ. Phim tái hiện trận hải chiến Myeongnyang trong chiến tranh Nhâm Thìn vào ngày 26/10/1597 của hải quân nhà Triều Tiên do đô đốc Yi Sun-sin chỉ huy. Ông phải chống lại hạm đội khoảng 330 chiến thuyền của hải quân Nhật Bản do tướng Kurushima Michifusa chỉ huy khi cả hạm đội chỉ còn lại 12 tàu sau thất bại của đô đốc Won Gyun trong trận Chilchelollyang trước đó. Với kinh phí sản xuất 18,6 triệu đô la Mỹ, thành công của ‘Đại Thủy Chiến’ đến từ sự đầu tư chỉn chu, chi tiết từ kịch bản, nội dung đến bối cảnh, diễn xuất của từng nhân vật. Dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Kim Han-min, đồng biên kịch với tác giả dày dặn kinh nghiệm về phim lịch sử Jeon Cheol-hong, tác phẩm không chỉ tường thuật trận chiến có thật trong lịch sử Hàn Quốc mà còn tái hiện một cách sống động, đầy cảm xúc. Phim khơi gợi khí thế hào hùng, lòng tự hào dân tộc của người dân xứ Kim Chi, đồng thời gây ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả quốc tế.
Trong top 10 phim điện ảnh Hàn có doanh thu cao nhất (tính đến năm 2023), ‘Đại Thủy Chiến’ đứng ờ vị trí thứ 2, sau khi bị ‘Ký Sinh Trùng’ – bộ phim đầu tiên đoạt giải Oscar của Hàn – vượt mặt vào năm 2019. Và có đến sáu phim lịch sử có mặt trong danh sách 15 phim ăn khách nhất mọi thời.
Khán giả cũng đã từng có một thời mê mệt những phim truyền hình lịch sử Hàn như ‘Truyền Thuyết Jumong’, ‘Nữ Hoàng Seon Deok’, ‘Dong Yi’, ‘Tay Súng Joseon’ hay ‘Hoàng Hậu Ki’… Đến nay, khi truyền hình có phần thoái trào và phim trực tuyến lên ngôi, phim cổ trang, lịch sử Hàn Quốc vẫn ăn khách như thường, với độ “hot” của: ‘Người Tình Ánh Trăng’, ‘Chàng Hậu Của Em’, ‘Quý Ngài Ánh Dương’…
Thực hiện một phim cổ trang, lịch sử chắc chắn tốn kém hơn một phim có bối cảnh hiện đại, bởi dòng phim này “ngốn” rất nhiều tiền trong khâu phục dựng bối cảnh, chế tác đạo cụ, phục trang. Đồng thời nhà làm phim cũng thường xuyên phải đối đầu với tranh cãi, phê phán từ khán giả, các nhà phê bình, thậm chí là chính quyền trong những sự kiện lịch sử nhạy cảm. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận lịch sử là chất liệu đáng giá, là xương sống để các nhà làm phim phát triển, thể hiện góc nhìn cá nhân chứ không nên là “chiếc lồng” để giới hạn sự sáng tạo.
Bộ phim ‘Hoàng hậu Ki’ khi phát sóng đã tạo nên một cuộc tranh luận lớn với vấn đề cốt lõi: những bộ phim lịch sử nên hư cấu bao nhiêu là vừa đủ, để không làm biến dạng giá trị của bộ phim? Cuộc tranh luận càng lúc càng trở nên căng thẳng khi nam diễn viên chính Joo Jin-mo phản ứng: “Chúng tôi không làm phim tài liệu. Đây là phim truyện.” Và có lẽ nhờ vào những tranh cãi đó, tỷ lệ người xem ‘Hoàng Hậu ki’ càng lúc càng tăng.
Các nhà làm phim cũng cần rõ ràng, minh bạch với khán giả bởi mục đích và đường hướng thực hiện một bộ phim có yếu tố lịch sử phải được xác định ngay từ đầu,. Trong ‘Truyền thuyết Jumong’, các yếu tố kỳ ảo bao quanh Ko Jumong – vị vua đầu tiên của triều đại Koguryo và là vị anh hùng khai quốc của nước Triều Tiên xưa. Chính sự sáng tạo đó đã lôi cuốn người xem theo dõi bộ phim từ đầu đến cuối, dù chúng không xác thực.
Tuy tranh cãi có thể giúp bộ phim được chú ý, nhưng có lẽ không một nhà làm phim lịch sử nào muốn phim mình vướng phải những tranh cãi có thể gây nên tiêu cực như thế. Một bộ phim lịch sử khác được ví là “quốc bảo” xứ Hàn – ‘Nàng Dae Jang-kum’ được thực hiện với tinh thần học hỏi và sáng tạo tuyệt vời cùng sự nghiêm túc của những người thực hiện. Kết quả là chúng ta đã được thưởng thức một bộ phim không chỉ lôi cuốn, hấp dẫn, mà còn nhân văn và cung cấp nhiều kiến thức y học, ẩm thực.
‘Nam Hán Sơn Thành’ một bộ phim lịch sử đáng giá nên xem
Bộ phim lịch sử ‘Nam Hán Sơn Thành’ kể lại những giây phút cam go, quyết định vận mệnh và sự tồn vong của một dân tộc nhỏ bé trên bán đảo Triều Tiên cách đây hơn 500 năm. Bộ phim rất đáng xem, nhất là những ai quan tâm lịch sử để chứng kiến, hồi tưởng rằng: lịch sử ngoài những trang sử hào hùng, oai liệt thì cũng có những trang đau thương, uất nhục cay đắng.
Bộ phim được xây dựng dựa trên tác phẩm văn học cùng tên nhà văn Kim Hun, lấy bối cảnh là một sự kiện lịch sử đầy uất nhục trong lịch sử bán đảo Triều Tiên: sự kiện Bính tý Hồ loạn dưới đời vua Nhân tổ.
Phim tái hiện lại 47 ngày đen tối, đau khổ và tủi nhục của vua Nhân tổ cùng quần thần đi lánh nạn đến lập hoàng cung dã chiến ở Nam Hán sơn thành khi vua Khan của nước Hậu Kim (nhà Thanh) trực tiếp đưa hơn 10 vạn quân vượt qua sông Amnok tiến vào bao vây gần hết phía tây bắc bán đảo Triều Tiên. Trong tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’, bên trong thì chịu đói rét, bên ngoài thì giặc bao vây. Giữa tình hình đó, vua Nhân tổ cũng chịu sức ép từ hai phái trong quần thần: một bên chủ chiến, một bên chủ hoà.
Cuối cùng, sau 47 ngày (từ 14/12/1636 đến 30/1/1637) chống trả đội quân hùng hậu trong tình thế đói kém, hết dần lương thực và tinh thần chiến đấu không của quân sĩ, vua Nhân tổ và triều thần đã quyết định chấp nhận đầu hàng trước hoàng đế Khan và chịu thoả thuận bất bình đẳng là làm chư hầu liên minh cho nhà Hậu Kim. Đặc biệt, sự kiện này được xem là ‘nỗi ô nhục nghìn thu’ khi vua Nhân tổ phải cởi áo bào, mặc thường phục đi bộ ra khỏi hoàng cung ở Nam hán sơn thành đến trình diện và lạy 3 lạy gập đầu 9 lần trước hoàng đế Khan.
Ngày nay, ở bến phà Samjeon, nối giữa thủ đô Seoul và thành phố Gwangju (Gyeonggi-do), vẫn còn tấm bia ghi lại “mối hận ngàn thu” của Biến loạn Bính Tý. Sau 377 năm, vết thương lịch sử chiến tranh được an ủi xoa dịu, Nam Hán Sơn Thành đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, trở thành báu vật của toàn nhân loại.