Ở các quốc gia văn minh theo nghĩa được quản trị tốt để phục vụ, bảo vệ con người thì quản trị khẩn cấp được đề cao và triển khai bằng nhiều phương thức, biện pháp đa dạng và thực tế, thay cho động thái giản đơn là ban hành các đạo luật hay giao phó trách nhiệm cho cơ quan đầu mối nào đó thuộc chính phủ.
Không nghi ngờ gì nữa, dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán đã được coi là tình huống khẩn cấp quốc gia, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước có người nhiễm dịch. Thông tin công khai từ các nguồn khác nhau cho thấy ngay tại Trung Quốc, cường quốc kinh tế số hai thế giới, tình trạng bất cập về năng lực phòng chống, ứng phó để kiểm soát dịch và bảo vệ dân cư đã bộc lộ. Từ đó, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: cái gì thiếu hụt trong thể chế quản trị tình huống khẩn cấp ở những quốc gia như vậy?
Trước hết cần làm rõ rằng quản trị khẩn cấp (emergency management) hoàn toàn khác với cơ chế phòng chống thiên tai (disaster management). Nếu như thiên tai còn có thể dự đoán và có cơ chế phòng ngừa thường trực và chủ động thì tình huống khẩn cấp nguy hiểm hơn rất nhiều, bởi khi đó các rủi ro toàn diện đối với đời sống con người sẽ xảy đến cùng lúc mà nếu không được xử lý kịp thời và hiệu quả, khu vực bị ảnh hưởng sẽ mất kiểm soát và rơi vào “thảm họa nhân đạo”.
Chính vì thế, ở các quốc gia văn minh theo nghĩa được quản trị tốt để phục vụ, bảo vệ con người thì quản trị khẩn cấp được đề cao và triển khai bằng nhiều phương thức, biện pháp đa dạng và thực tế, thay cho động thái giản đơn là ban hành các đạo luật hay giao phó trách nhiệm cho cơ quan đầu mối nào đó thuộc chính phủ.
- Xem thêm: WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch
Điển hình là trường hợp phòng chống dịch Covid-19 ở Vũ Hán. Ở một bên, với sức mạnh và quyền lực vượt trội nhưng các cơ quan chính quyền địa phương và trung ương đã thể hiện không chỉ thiếu sót mà còn bất lực trong một loạt hành vi từ phát hiện, công bố thông tin dịch, huy động nguồn lực đến áp dụng biện pháp ứng phó, xử lý hậu quả và duy trì, ổn định đời sống kinh tế – dân sự. Thậm chí, tại thời điểm này, sau gần một tháng công bố dịch mà cách thức kiểm đếm nạn nhân vẫn còn phải điều chỉnh, dẫn đến các số liệu cập nhật về nạn nhân bỗng nhiên tăng gấp nhiều lần, gây tâm lý bất an cho xã hội.
Còn ở bên kia lại đang tồn tại một bức tranh khác. Hàng chục triệu người dân ở các tỉnh, thành của Trung Quốc bị phong tỏa, đã và đang là đối tượng của các biện pháp cưỡng chế hành chính, cảm thấy mình trở thành nạn nhân không phải của virus mà là các hành động chống dịch của chính quyền. Một bộ phận không nhỏ trong số họ thậm chí rơi vào hoảng loạn khi gần như bơ vơ, không được cứu giúp kịp thời trong các sinh hoạt thiết yếu hàng ngày. Nếu thời gian phong tỏa kéo dài, ai dám chắc không xảy ra một cuộc khủng hoảng khác tiếp theo bên cạnh khủng hoảng về y tế đang diễn ra?
Vậy, sự khiếm khuyết hay lỗ hổng về thể chế trong phòng chống dịch nói riêng và tình huống khẩn cấp nói chung ở đó là gì? Phải chăng chính là sự vắng bóng của các tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ (NGO). Ở nhiều nước phương Tây và đặc biệt là Hoa Kỳ, vai trò của các thiết chế phi lợi nhuận hay phi chính phủ quan trọng đến mức nếu thiếu nó thì người ta không hình dung được chính phủ sẽ ứng phó với các tình huống khẩn cấp như thế nào.
Tại Hoa Kỳ, Chính phủ Liên bang đã thành lập một cơ cấu có tên là Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang – FEMA (Federal Emergency Management) thuộc Bộ An ninh nội địa với chức năng điều phối các hoạt động cứu trợ trong trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh. Cơ quan này được giao ngân khoản hàng chục tỷ USD mỗi năm. Với nguồn lực dồi dào như thế và trong trận bão lịch sử Katrina đổ bộ vào Florida và Lousiana năm 2005, mặc dù FEMA đã chi gần 5 tỷ USD vẫn bị dư luận Mỹ chỉ trích nặng nề vì phản ứng chậm và ứng cứu thiếu linh hoạt, không phù hợp với nhu cầu thực tế của từng nhóm đối tượng bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, hàng trăm tổ chức phi chính phủ đã kịp thời có mặt dưới sự kêu gọi và điều phối độc lập của Hội Chữ Thập Đỏ Mỹ, cũng là một cơ quan phi chính phủ, để tổ chức ứng cứu ngay từ khi cơn bão chưa tới cho đến các giai đoạn giải quyết, khắc phục hậu quả sau đó. Chẳng hạn, ngay từ tuần đầu tiên, các tổ chức này đã huy động được số lượng khổng lồ gồm 74.000 tình nguyện viên thuộc đủ thành phần, trong đó có rất nhiều người có chuyên môn cao về cứu hộ, trợ giúp trong các lĩnh vực khác nhau như vận chuyển, xây dựng, y tế, thực phẩm và dinh dưỡng, thậm chí cả hỗ trợ về tâm lý. Điều đặc biệt là trong tổng chi phí cho các hoạt động khoảng 2 tỷ USD, các tổ chức này chỉ cần được bù đắp khoảng 100 triệu USD từ ngân sách FEMA, phần còn lại được tự trang trải bằng các khoản đóng góp thiện nguyện.
Nhìn rộng ra, toàn nước Mỹ hiện có khoảng 1,5 triệu tổ chức xã hội đăng ký hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, huy động hàng năm khoảng 420 tỷ USD chủ yếu từ doanh nghiệp và người dân, chỉ khoảng 10% từ nguồn tài trợ của chính phủ. Sức mạnh vật chất to lớn của khu vực đặc thù này là minh chứng hùng hồn về một triết lý khác trong quản trị xã hội nói chung và quản trị khẩn cấp nói riêng. Đó là trong đời sống xã hội và đời sống con người, giữa những phạm trù có thể mang tính “đối lập” nhau, cần tạo các điều kiện để phát huy sự hợp tác giữa chúng hơn là đối đầu hay thậm chí phủ nhận nhau.
Chẳng hạn, việc khẳng định mục tiêu của chính quyền là sinh ra để phục vụ xã hội và người dân không đồng nghĩa với vai trò độc tôn hay “bao sân” của nhà nước mà ngược lại, thể chế cần được xây dựng và vận hành làm sao để khu vực tự quản của người dân ngày càng phát triển và mở rộng. Người ta đã nói nhiều đến nguyên lý nhà nước bù đắp các thiếu hụt của thị trường thì cần thấy thêm rằng khu vực phi chính phủ và phi lợi nhuận được sinh ra để bù đắp sự thiếu hụt của chính nhà nước.
- Xem thêm: Mùa của nạn nhân
Trong các tình huống khẩn cấp như dịch Covid-19 ở Vũ Hán, dù chính phủ Trung Quốc có kêu gọi đội ngũ y tế của cả nước hay thậm chí điều động cả công an, quân đội đến tham gia cứu trợ và xử lý khủng hoảng, thì có một điều chắc chắn là các lực lượng này không thể giải quyết tất cả các vấn đề đa dạng và toàn diện phát sinh từ đời sống hàng ngày của người dân trong điều kiện bị phong tỏa. Không chỉ các quyền tối thiểu của con người vẫn phải được duy trì và bảo đảm mà cả sự thiếu thốn trong từng hoàn cảnh riêng hay ốm đau, bệnh tật của họ không do virus gây ra cũng vẫn phải được quan tâm, chăm sóc.
Điều đáng ngại và cũng đáng tiếc là dù cho Chính phủ Trung Quốc có thể sẵn sàng chi các khoản tiền khổng lồ tới hàng chục tỷ USD, thì hầu như các tổ chức và nhân viên thuộc chính phủ được huy động vẫn buộc phải bỏ qua hay tỏ ra bất lực trong việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân. Các hạn chế của họ khác căn bản và có thể được đánh giá từ ba góc độ không thể khắc phục như sau:
- Thứ nhất, mọi cơ cấu nhà nước đều phụ thuộc vào quy trình ra quyết định một cách hành chính – quan liêu nên không thể ứng phó linh hoạt và kịp thời.
- Thứ hai, các lực lượng và nhân viên được huy động không có trình độ và kỹ năng chuyên môn đủ trong mọi lĩnh vực cần thiết được yêu cầu.
- Thứ ba, mỗi con người cá nhân đang thực thi chức trách và công vụ, hoặc không có hoặc không thể duy trì nhiệt tình, tâm huyết tự thân để hành động một cách lâu dài.
Cả ba trở ngại nói trên chỉ có thể được giải quyết và vượt qua bằng chính các ưu thế tương ứng và đối ngược của các lực lượng thuộc khu vực phi chính phủ và phi lợi nhuận.
Như vậy, qua thực tế cuộc đấu tranh của chính quyền và người dân chống dịch Covid-19 tại Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung, Việt Nam có thể rút ra ít nhất một bài học để khắc phục sự thiếu hụt về thể chế trong quản trị khẩn cấp. Sự đoàn kết và tình “tương thân, tương ái” trong hoạn nạn vốn luôn luôn tiềm tàng trong phẩm cách mỗi người Việt. Tuy nhiên, nó chỉ có thể được khơi dậy và phát huy tác dụng một khi được tổ chức thông qua các thiết chế chuyên nghiệp, đó là khu vực phi chính phủ – phi lợi nhuận.