Số ca nhiễm đang điều trị của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 3.000 vào ngày 29-3. Chính quyền Trung Quốc khẳng định về cơ bản đã ngăn chặn thành công tình trạng lây nhiễm trong nước.
Tiểu bang New York (Mỹ) đã quyết định hoãn bầu cử sơ bộ tổng thống Mỹ giữa tình hình dịch bệnh từ virus corona chủng mới (COVID-19) diễn biến phức tạp. Trong khi đó, Mỹ và Ý vẫn đang đứng đầu thế giới trong số ca nhiễm COVID-19.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý (CPA) ngày 28-3 ghi nhận số ca tử vong tăng đột biến thêm 889 thành 10.023 trường hợp. Ý trở thành quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới.
Số ca nhiễm tại quốc gia này cũng tăng thêm khoảng 6.000 lên 92.472 ca.
New Zealand ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan tới dịch COVID-19 và số ca nhiễm tăng thêm 63 lên 514 trường hợp. Theo ông Ashley Bloomfield, Tổng giám đốc cơ quan y tế thuộc Bộ Y tế New Zealand, bệnh nhân mới qua đời là một cụ bà 70 tuổi đã được chuẩn đoán mắc bệnh cúm trước đó.
Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 29-3 cho biết tốc độ xuất hiện các ca nhiễm mới tại đây đang giảm xuống, cho thấy hiệu quả của các biện pháp giới hạn khoảng cách tiếp xúc xã hội.
“Vào giờ này tuần trước, tỉ lệ tăng thêm ca nhiễm ở khoảng 25-30%/ngày. Tỉ lệ này, sau 5 ngày, đã giảm còn 13-15%. Dù vậy, vẫn phải thừa nhận rằng đây vẫn là tỉ lệ tăng cao, không nghi ngờ gì”, ông Morrison tuyên bố.
Thổ Nhĩ Kỳ thông báo số ca nhiễm đã tăng thêm 1.704 lên tổng cộng 7.402 ca, trong khi số bệnh nhân tử vong hiện đã lên tới 108, tăng 16 ca trong ngày 28-3.
Hi Lạp xác nhận 95 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 1.061. Số ca tử vong tại đây cũng tăng từ 28 lên 32 trong ngày 28-3.
Pháp ghi nhận thêm 319 ca tử vong trong đợt dịch COVID-19, tính tới ngày 28-3. Tổng số ca tử vong tại quốc gia này đã là 2.314, trong khi số ca nhiễm tăng từ 32.964 lên 37.575 trường hợp.
Ireland có 14 ca tử vong mới trong ngày 28-3 nâng tổng số ca tử vong lên 36, trong khi số ca nhiễm tại đây tăng thêm 294 thành 2.415 ca.
Mỹ đưa máy bay tới Việt Nam, Trung Quốc nhận vật tư y tế
Một quan chức Nhà Trắng ngày 29-3 xác nhận chuyến bay mua vật tư y tế đầu tiên từ Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay John F. Kennedy, mang theo 130.000 khẩu trang N95, gần 1,8 triệu khẩu trang y tế và đồ bảo hộ, hơn 10,3 triệu găng tay cùng hơn 70.000 nhiệt kế.
Sẽ có khoảng 20 chuyến bay tương tự giữa Mỹ và các nước Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia đến đầu tháng 4.
Phần lớn số vật tư y tế kể trên sẽ được phân phát cho các bang New York, New Jersey và Connecticut, số còn lại chuyển tới các viện dưỡng lão và các địa điểm có nguy cơ cao trên toàn quốc.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng bù đắp thiếu hụt vật tư y tế tại các bang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Nhà chức trách quyết định điều máy bay để nhận hàng thay vì tàu biển để rút ngắn thời gian.
Số ca nhiễm tại Hà Lan vượt mốc 10.000
Viện Y tế quốc gia Hà Lan (RIVM) ngày 29-3 thông báo trong vòng 24 tiếng qua đã ghi nhận thêm 1.104 ca nhiễm mới tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 10.866. Số người chết vì COVID-19 cũng vọt lên con số 771 người, sau khi có thêm 132 ca tử vong mới trong cùng thời gian.
RIVM thừa nhận số ca nhiễm trên thực tế tại Hà Lan có thể cao hơn những con số này nhiều lần, do nhà chức trách chỉ xét nghiệm virus corona những trường hợp có triệu chứng nặng phải nhập viện.
Trung Quốc còn chưa đầy 3.000 ca nhiễm
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 29-3, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Mễ Phong cho biết số ca dương tính với virus corona chủng mới còn điều trị tại nước này đã giảm xuống dưới 3.000 ca.
Trong đó, số ca là người trở về từ nước ngoài tính đến hết ngày 28-3 là 693 người đến từ 42 quốc gia, trong đó hơn 80% tập trung vào một nhóm 7 quốc gia. Đại diện NHC khẳng định về cơ bản Trung Quốc đã ngăn chặn lây nhiễm trong nước thành công, song cảnh báo nguy cơ dịch bệnh bùng phát từ những người nhập cảnh vẫn còn cao trong tình hình hiện tại.
Pháp di tản ca nặng khỏi tâm dịch, Đức chia lửa với láng giềng
Chính phủ Pháp ngày 29-3 đã chuyển thêm 36 bệnh nhân từ các bệnh viện nằm trong vùng tâm dịch ở phía đông nước này sang các bệnh viện phía tây. Quân đội đã được huy động để bảo vệ các chuyến tàu cao tốc đặc biệt chạy từ đông sang tây.
Theo Hãng thông tấn AFP, phải mất rất nhiều thời gian và công sức để hoàn tất việc “di tản” trước bình minh. Mỗi toa tàu như vậy chỉ có thể bố trí tối đa 4 bệnh nhân. Trước đó, Chính phủ Đức cũng thông báo sẽ “chia lửa” với Pháp bằng cách điều máy bay quân sự “di tản” các bệnh nhân COVID-19 tại vùng Alsace của Pháp đến các bệnh viện ở Đức.
Có khoảng 4.300 bệnh nhân COVID-19 cần được chăm sóc đặc biệt tại Pháp.
Trung Quốc bác chuyện viện trợ bộ xét nghiệm dỏm cho Philippines
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines ngày 29-3 khẳng định hơn 100.000 bộ xét nghiệm virus corona mà nước này viện trợ cho Philippines đều là hàng chất lượng cao và không có vấn đề gì về độ chính xác.
Tuyên bố được đưa ra sau khi một quan chức thuộc Bộ Y tế Philippines đặt nghi vấn về độ tin cậy của các bộ xét nghiệm do Trung Quốc sản xuất.
Trước đó, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin Tây Ban Nha đã tạm thời ngừng sử dụng các bộ xét nghiệm virus corona “Made in China” sau khi phát hiện độ chính xác chỉ có 30%. Công ty Trung Quốc sản xuất các bộ xét nghiệm này sau đó lên tiếng phản bác, đổ lỗi cho việc nhân viên y tế Tây Ban Nha đã sử dụng không đúng cách dẫn tới độ chính xác thấp.
New York hoãn bầu cử sơ bộ tổng thống Mỹ
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 28-3 thông báo hoãn cuộc bầu cử sơ bộ dự tính diễn ra ngày 28-4 sang 23-6, trước tình hình bang này đã ghi nhận 52.318 ca COVID-19 và 728 trường hợp tử vong.
“Chúng ta vẫn chậm bước so với virus từ ngày đầu tiên. Chúng ta đang chờ xem liệu virus này sẽ làm gì. Bạn không thể thắng ở thế phòng ngự. Bạn thắng nhờ chiến đấu. Bạn phải vượt lên trước nó”, ông Cuomo tuyên bố trong buổi họp báo.
Vị thống đốc này đã trở thành gương mặt tiên phong trên toàn nước Mỹ trong đợt đại dịch hiện nay. Tiểu bang của ông chiếm 1/3 số ca tử vong của Mỹ và một nửa số ca nhiễm.
ĐH Johns Hopkins thống kê số ca nhiễm của Mỹ, tính đến 6h45 sáng 29-3 theo giờ Việt Nam, là 121.478 ca với 2.026 trường hợp tử vong.
Ông Trump tuyên bố New York không cần lệnh cách ly
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28-3 (giờ Mỹ) tuyên bố không cần áp lệnh cách ly đối với bang New York để ngăn dịch COVID-19. Ông Trump cho biết đã yêu cầu các quan chức y tế liên bang đưa ra các “khuyến cáo đi lại mạnh mẽ” thay vào đó.
Viết trên Twitter, ông Trump cho biết khuyến cáo mới sẽ do chính phủ liên bang ban hành và tham khảo ý kiến thống đốc các bang New York, New Jersey và Connecticut.
“Không cần thiết phải cách ly. Toàn bộ chi tiết sẽ do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) công bố tối nay”, ông Trump viết. Trả lời Fox News, Phó Tổng thống Mỹ cùng ngày cho biết sẽ gửi khuyến nghị cho ông Trump về việc có nên mở cửa nền kinh tế Mỹ vào tuần sau hay không.
Saudi Arabia cấm bay quốc tế vô thời hạn
Saudia Arabia ngày 29-3 tuyên bố đã mở rộng vô thời hạn lệnh cấm các chuyến bay quốc tế và việc có mặt tại công sở ở cả khối tư nhân cũng như nhà nước. Đây là nỗ lực mới nhất của quốc gia này nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Bộ Nội vụ Saudia Arabia cho biết các chuyến bay nội địa, đường sắt, xe buýt và taxi cũng chưa được hoạt động.
Tính tới hết ngày 28-3, quốc gia này có 1.104 ca nhiễm và 3 trường hợp tử vong.
Pháp đặt hàng hơn 1 tỉ khẩu trang
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran tuyên bố Pháp đã đặt hàng hơn 1 tỉ khẩu trang, đa số là đặt với Trung Quốc.
Theo ông Veran, Pháp tiêu thụ 40 triệu khẩu trang mỗi tuần trong suốt thời gian chiến đấu với dịch bệnh. Quốc gia này hiện có đủ nguồn cung khẩu trang trong vòng 3 tuần.
Các y bác sĩ, điều dưỡng, cảnh sát và những nhân viên y tế tuyến đầu tại đây đang giận dữ vì tình hình thiếu hụt khẩu trang, giữa bối cảnh chính phủ nước này cố gắng xây dựng nguồn cung trang thiết bị đối phó COVID-19.
Giáo hoàng âm tính với COVID-19
Vatican ngày 28-3 thông báo kết quả xét nghiệm tại nơi ở của Giáo hoàng Francis cho thấy ông và các cận vệ của mình không nhiễm virus corona chủng mới.
Tổng cộng 170 người tại tòa thánh đã được xét nghiệm và 6 người đã dương tính với virus, trong đó 1 trường hợp đang sống tại tòa Santa Marta.
“Tôi có thể xác nhận là cả Đức Thánh cha và những cận vệ của ông đều không nhiễm bệnh”, người phát ngôn Vatican, ông Matteo Bruni, thông báo.
Canada, Tây Ban Nha cấm người dân đi lại
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 28-3 tuyên bố lệnh cấm đi lại giữa các thành phố đối với bất cứ ai có triệu chứng của COVID-19. Lệnh cấm này sẽ áp dụng đối với các chuyến bay nội địa lẫn những chuyến tàu liên thành phố tại Canada.
Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ trưa ngày 30-3 theo giờ địa phương.
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha cùng ngày tuyên bố tất cả người lao động làm việc trong những ngành không thiết yếu phải ở nhà trong 2 tuần.
Ông cho biết những đối tượng này vẫn sẽ nhận lương như bình thường, nhưng phải làm bù thời gian sau đó. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 30-3 đến 9-4.
Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 45 ca nhiễm trong ngày 28-3, thấp hơn so với mức tăng 54 ca của 1 ngày trước đó. Cơ quan y tế Trung Quốc ngày 29-3 cho biết chỉ có một trường hợp trong số ca nhiễm mới không phải du khách nước ngoài.
Trung Quốc hiện có tổng cộng 81.439 ca nhiễm và 3.300 người đã chết vì COVID-19.
Bộ Y tế Panama cũng xác nhận thêm 115 ca nhiễm mới trong dịch COVID-19, nâng tổng số ca tại quốc gia Trung Mỹ này thành 901 ca nhiễm và 17 trưởng hợp tử vong.