Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới và hiện chỉ có 45 ca còn điều trị. Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo vẫn còn ‘một chặng đường dài’ trong cuộc chiến chống dịch bệnh khi số ca tử vong toàn cầu vượt 183.000.
Việt Nam 7 ngày liền không có ca bệnh mới
Theo thông báo mới nhất của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đến 6h ngày 23-4 Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Đây là lần đầu tiên trong hơn 1 tháng qua, Việt Nam không có ca bệnh mới trong 7 ngày liên tiếp.
Tổng số ca bệnh đến lúc này vẫn là 268, trong đó 223 ca đã khỏi và 45 ca còn đang điều trị, 11 ca trong đó đã kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1-2 lần.
Riêng 3 ca bệnh nặng, sức khỏe cả ba đều đang tốt dần lên. Trong đó bệnh nhân 91 (phi công người Anh) không sốt, thở máy, rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn, X-quang phổi không tổn thương xấu thêm.
Trên thế giới, theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng 23-4 theo giờ Việt Nam, trên thế giới đã có 2.632.930 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới, trong khi số ca tử vong đã lên tới 183.879.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 716.877 người và vẫn còn 56.678 bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch.
WHO: Cuộc chiến chống COVID-19 còn dài
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo vẫn còn “một chặng đường dài” trong cuộc chiến chống dịch bệnh khi số ca tử vong toàn cầu vượt 183.000.
“Đừng nhầm lẫn, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Con virus này sẽ ở với chúng ta một thời gian dài” – hãng tin AFP ngày 23-4 dẫn lời tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo trực tuyến.
Theo ông Tedros, nhiều nước trên thế giới vẫn đang ở giai đoạn đầu của dịch bệnh và một số nước chịu ảnh hưởng sớm đang bắt đầu tăng số ca bệnh trở lại.
Bệnh COVID-19 do virus corona chủng mới gây ra đã giết chết hơn 183.000 người trên gần 2,6 triệu người mắc bệnh trên toàn cầu. Khu vực châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 110.000 ca tử vong, trong đó Ý là quốc gia có người chết cao nhất khu vực với 25.000 ca.
Pháp ngày 23-4 (giờ Việt Nam) thông báo nước này có thêm 544 ca tử vong trong các bệnh viện và nhà dưỡng lão trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca toàn quốc lên 21.340 ca.
Quốc hội Tây Ban Nha thông qua quyết định kéo dài thời gian phong tỏa lần thứ ba đến ngày 9-5. Tuy nhiên, thủ tướng Pedro Sanchez cho biết lần kéo dài này mang tính lạc quan hơn những lần trước và là sự chuẩn bị cho việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch.
Châu Âu sẽ đảm bảo an toàn hàng không
Cao ủy châu Âu về vận tải Adina Valean cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trình một bộ quy định về giãn cách xã hội trong giao thông hàng không sau khi chấm dứt các lệnh phong tỏa vì dịch COVID-19.
Theo bà Valean, một số quy định về giãn cách xã hội tại các sân bay và trên máy bay sẽ cần áp dụng cho đến khi tìm ra vaccine hoặc thuốc điều trị COVID-19. Các biện pháp đang được EC cân nhắc sẽ bao gồm đeo khẩu trang và khử trùng máy bay cũng như tại sân bay.
Tuy nhiên, bà không cho biết khi nào có thể nối lại hoạt động vận tải hàng không, mà chỉ nói rằng “chúng ta phải lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia y tế”.
Trước đó, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) Alexandre de Juniac cũng cho biết các điều kiện để nối lại vận tải hàng không có thể bao gồm để trống hàng ghế ở giữa trên các chuyến bay.
Mỹ ra sắc lệnh hoãn bớt việc nhập cư
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã ký sắc lệnh hoãn bớt việc nhập cư vào Mỹ, mà theo ông là nhằm bảo vệ việc làm trong nước trong thời gian dịch bệnh.
“Để bảo vệ những lao động Mỹ vĩ đại của chúng ta, tôi vừa ký sắc lệnh tạm ngừng nhập cư vào Mỹ. Biện pháp này sẽ đảm bảo những người Mỹ thất nghiệp thuộc mọi nền tảng sẽ là những người đầu tiên có được việc làm khi kinh tế mở cửa lại” – hãng tin AFP dẫn lời ông nói.
Ngoài ra, theo ông, việc này cũng ưu tiên nguồn lực y tế cho các công dân Mỹ. Sắc lệnh sẽ có hiệu lực trong 60 ngày và nhắm vào những người xin thẻ xanh, trong khi những lao động thời vụ vẫn được phép vào Mỹ. Một số ngoại lệ như người làm trong lĩnh vực y tế sẽ vẫn tiếp tục được phép xin thẻ xanh.
Số ca ở Trung Đông tăng
Bộ Y tế Saudi Arabia ngày 22-4 cho biết nước này đã phát hiện thêm 1.141 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở vương quốc này lên đến 12.772 người, trong đó có 114 người tử vong
Cùng ngày, Bộ Y tế Qatar cho biết tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này hiện là 7.141 người, sau khi phát hiện thêm 608 ca mắc mới. Đáng chú ý, phần lớn các ca mắc mới là lao động người nước ngoài và hiện đã được đưa đi cách ly.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho hay dịch COVID-19 đã nằm trong tầm kiểm soát, khi số liệu thống kê cho thấy trong ngày 22-4 chỉ có thêm 117 người tử vong, đưa tổng số trường hợp tử vong lên 2.376 người. Số ca nhiễm mới trong cùng thời điểm được ghi nhận là 3.083 người, nâng tổng số ca mắc bệnh đến nay lên 98.674 trường hợp.
Cũng trong ngày 22-4, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ghi nhận thêm 483 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên tới 8.238. Theo nhà chức trách UAE, các ca nhiễm mới là những người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, tất cả đều đang được điều trị và có điều kiện sức khỏe ổn định.
Tại Iraq, Bộ Y tế xác nhận phát hiện thêm 29 ca nhiễm mới, kéo dài danh sách số người mắc COVID-19 lên thành 1.631 người, trong đó đã có 83 bệnh nhân tử vong.
Ai Cập cũng có thêm 169 người mắc COVID-19 và 12 ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này. Như vậy tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 ở Ai Cập là 3.659 người với 276 người đã tử vong.