Từ Đà Nẵng đi theo hướng Hòa Phú, vượt qua con dốc Kiền thì đến Trung Mang. Từ đây tiếp tục chạy thẳng lên Prao, men theo đường Hồ Chí Minh, tới xã A-Vương, qua một cây cầu sẽ bắt gặp một tấm bảng nhỏ chỉ đường vào làng Arec và làng Aur của người Cơ Tu. Đường lên xã A-Vương uốn lượn quanh co theo những con suối róc rách và từng đồng lúa xanh chớm vàng lọt thỏm dưới thung lũng. Đường vào Arec khá khó đi. Dọc đường vào Arec chúng tôi gặp nhiều trẻ em đang mải mê lặn hụp bắt cua cá, mò ốc dưới dòng suối trong veo. Tới làng Arec xế trưa, ăn uống xong mọi người kéo nhau đi tắm suối. Được nhảy ùm xuống dòng nước đầu nguồn trong veo, mát rượi mới thấy cuộc sống nơi hoang dã cũng thật thú vị. Gần 20 giờ, cả đoàn lên nhà gươi (nhà rông trong tiếng Cơ Tu) uống rượu cần với dân làng. Lời ca, tiếng lách cách cụng chén rượu nồng, những câu chuyện như níu kéo những người trẻ dưới xuôi lại gần bà con hơn. Cuộc vui kéo dài đến khuya mới tạm dừng.
Sáng hôm sau, khi tiếng gà còn chưa kịp dứt, chúng tôi đã thức dậy để kịp bắt đầu chuyến đi bộ xuyên rừng vào thăm làng Aur – bản làng cô độc giữa đại ngàn Trường Sơn. Aur cách Arec 9km đường chim bay, còn đường đi bộ dài 16km, ngoằn nghèo qua nhiều thung lũng và vượt qua trên dưới mười ngọn núi. Từ làng Arec đến làng Aur, đi ba phần tư đường sẽ có một lán trại do dân làng dựng lên để con em của họ đi học về có chỗ dừng chân, hoặc nấu ăn khi đói. Lán trại có hai tấm phản lớn, nồi niêu, gạo muối đầy đủ.
Mặt trời mỗi lúc một lên cao, dù đi trong rừng nhưng người nào người nấy mồ hôi ướt đẫm, mặt ửng đỏ cả lên, thở hắt ra vì mệt. Đoạn đường đầu có những con dốc cao dằn mặt như muốn hạ gục ý chí mới chớm nổi lên của các thành viên. Trong giờ đầu tiên len lỏi qua các sườn núi, mọi người còn cao hứng trò chuyện nhưng càng vào sâu, không khí càng yên lặng. Chỉ đến khi gặp một khe nước nhỏ chắn ngang, nghỉ ngơi, trò chuyện, thì mới ai nấy mới lấy lại được tinh thần chiến đấu. Vượt qua chừng ba ngọn núi, đường bắt đầu hẹp hơn nhưng phong cảnh cũng đẹp hơn hẳn. Những thung lũng sâu thẳm với dòng suối chảy rì rào. Thảm rừng xanh trải dài tít tắp, thỉnh thoảng điểm thêm vài loại cây có màu sắc sặc sỡ. Nhiều đoạn đường hoa rụng kín như một tấm thảm nhiều màu sắc. Một bức tranh thiên nhiên đẹp như không thể đẹp hơn. Cả đoàn bắt đầu đói bụng và dùng bữa bằng ăn đậm chất núi rừng, bao gồm: hoa chuối, trái thơm nấu với cá hộp và lá nghệ.
Từ chỗ dừng chân bên bờ suối, đi hơn một tiếng thì tới bãi đất nơi dân làng Aur cũ trước đây định cư. Đây là nơi đầu tiên trước khi làng dời lên một ngọn núi, rồi từ núi chuyển đến làng hiện nay bây giờ. Khoảnh đất của làng xưa kia giờ là bãi cỏ xanh mượt mà, vài con trâu thả hoang thủng thẳng gặm cỏ. Từ đây, đường trở lên ẩm ướt hơn bởi những tán lá cây rậm rịt ánh nắng không xuyên qua nổi. Đến hơn bốn giờ chiều thì niềm vui của cả đoàn như vỡ òa khi thấy xa xa xuất hiện những mái nhà lá cọ tròn tròn xinh xinh quây quần bên nhau. Người Aur nổi tiếng về vệ sinh môi trường, cả làng không có một cái bao nylon hay cọng rác nào. Phòng tắm của mỗi nhà không khác gì các resort với nền lót bằng những tấm gỗ lớn, nước thì dẫn từ trên núi cao về, trong veo. Người làng Aur cực kỳ hiếu khách. Thấy chúng tôi, người làng ai nấy đều chào hỏi rất vui vẻ, già làng mời cả đoàn về nhà gươi nghỉ ngơi. Mọi người vừa cởi balô, bà con đã đem đặc sản rừng là thịt mang xông khói, cá niên phơi khô và… rượu tới mời.
Người làng Aur có một phong tục rất hay thể hiện rõ lòng mến khách. Đó là đến giờ ăn, mỗi gia đình đều tự động bưng cơm, thức ăn đến mời khách từ xa đến. Cả đoàn chỉ có bảy thành viên nhưng lượng thức ăn người làng đem tới phải 20 người mới ăn hết. Đêm sinh hoạt giao lưu, tặng quà thật vui. Gần như tất cả bà con đều đến ngôi nhà lớn – nơi chúng tôi ở nhờ để ca hát, uống rượu và tham gia các trò chơi giao lưu. Trên dãy Trường Sơn này không còn nhiều ngôi làng mà cách sống còn được thân thiện, hồn nhiên như ở Aur.
Sáng hôm sau cả đoàn chia tay bà con trong sự luyến tiếc không nguôi. Nhìn ánh mắt bịn rịn của người làng mà ai cũng không nỡ bước chân quay về. Mọi chuyến đi rồi cũng kết thúc nhưng kỷ niệm thì còn mãi trong những cánh rừng nguyên sơ, lấp lánh trong ánh mắt trong veo của mấy em bé người Cơ Tu.
Ngô Bảo Khanh