Sản xuất tại một công ty dệt may
Ngành dệt may của chúng ta đang phải đối phó với sự biến động nhân công do đồng lương chưa tạo nên động lực cho người lao động. Tại các doanh nghiệp lớn, hiện tượng xáo trộn nguồn nhân lực diễn ra khá phổ biến, nhất là các doanh nghiệp có quy mô 1.000 lao động trở lên. Đa phần các doanh nghiệp này tập trung ở các thành phố lớn, tính cạnh tranh trên thị trường lao động cũng cao hơn đến mức có nơi tìm mọi cách thu hút lao động mùa vụ theo kiểu chụp giật khiến người lao động có tâm lý không ổn định, tìm kiếm việc làm mới với mức lương cao hơn.
Một hệ lụy khác của tình trạng biến động lao động ngành may là công nhân không có thâm niên nên tay nghề thấp, dẫn đến năng suất lao động không cao. Điều này khiến cả người lao động lẫn doanh nghiệp đều chịu thiệt thòi.
Chỉ tính riêng bảy tháng đầu năm 2012, ngành dệt may đã giảm gần 30% đơn hàng so với cùng kỳ năm trước. Bước sang tháng 8, tiếp tục có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không kiếm đủ đơn hàng cho sản xuất. Không có hàng, thu nhập sụt giảm, người lao động thường bỏ việc để đi tìm việc làm khác có thu nhập tốt hơn.
Đối mặt với nguy cơ mất dần lợi thế về nguồn lao động giá rẻ, một số doanh nghiệp ngành dệt may chủ trương đưa nhà máy về các vùng nông thôn nhằm thu hút lao động chưa có việc làm ổn định.
Bên cạnh việc thành lập các đơn vị vệ tinh, mở rộng liên doanh liên kết để kéo dãn lao động về các địa phương có nguồn cung lao động tại chỗ dồi dào, chuyển hóa từ số lượng sang chất lượng cũng là giải pháp được hầu hết các doanh nghiệp lớn lựa chọn.
May gia công chiếm nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng rất thấp, do đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển mạnh từ may gia công sang mua nguyên liệu – bán thành phẩm. Thế nhưng điều này đòi hỏi nguồn vốn lớn, có thị trường và điều quan trọng là có đội ngũ lao động ổn định với trình độ tay nghề khá cao.
Bên cạnh những biện pháp mang tính chất đối phó tạm thời, các doanh nghiệp dệt may cũng đang xây dựng đội ngũ công nhân ổn định, gắn bó với doanh nghiệp bằng cách đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cũng như nâng cao thu nhập cho người lao động.
Cũng đã có những ý kiến đề nghị nhà nước nên tiếp tục dãn – giảm thuế thu nhập để doanh nghiệp có điều kiện chăm lo tốt hơn cho người lao động. Một số phí khác như phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội vẫn còn cao trong khi doanh nghiệp dệt may rất đông lao động nên đóng những phí này rất khó khăn.
Gia Minh