“Đến Gilgit rồi. Mọi người xuống xe ở đây thôi!”. Tiếng nói oang oang của người tài xế làm tôi đang gà gật chợt giật mình thức giấc. Đã mười sáu tiếng trôi qua kể từ lúc xe xuất bến ở thủ đô Islamabad. Xe hãng Faisal Movers đi tuyến này tuy cũng có màn hình LCD, có cổng sạc điện thoại nhưng không tiện nghi rộng rãi bằng xe chạy tuyến Lahore – Islamabad. Mười sáu tiếng ngồi xe đi xuyên qua buổi chiều tà, xuyên qua đêm đen thăm thẳm rồi lao òa vào buổi ban mai nắng hừng lên rực rỡ. Có những đoạn tiết trời giá buốt, hai bàn tay và đùi tôi lạnh tê tái, cứ phải ngồi xoa mãi mà không hết rét.
Ở Gilgit thực ra có sân bay nhỏ, mỗi ngày một chuyến từ Islamabad bay lên, mất đâu tầm hơn tiếng đồng hồ. Nhưng tôi đã quyết định chọn cách đi xe đường dài để được trải nghiệm cung đường cao tốc Karakoram huyền thoại, vốn được mệnh danh là kỳ quan thứ tám mới của thế giới. Karakoram dài một ngàn ba trăm cây số, nối từ khu vực Punjab của Pakistan lên đến tận Tân Cương bên Trung Quốc, cũng là một trong mấy nhánh của con đường tơ lụa năm xưa. Con đường này được xây trong mười sáu năm tới 1978 thì xong, làm chết hơn ngàn mạng người của cả hai bên Pakistan và Trung Quốc. Đường tuy dài thăm thẳm, vượt qua nhiều đồi núi trập trùng nhưng chất lượng khá tốt. Mặt đường nhựa trải phẳng lì, trừ một số đoạn đất đá thi thoảng sạt lở phải gia cố, còn thì xe cứ thế chạy bon bon dù vẫn phải đánh lái liên tục do địa hình lắt léo. Vài khúc hiểm trở phải đục hầm xuyên sơn, có đốt hầm dài tới 7 km, bên trong tối hun hút không hệ thống chiếu sáng. Hầm chỉ vừa đủ hai làn xe, muốn đi được phải bật đèn chạy theo hệ thống vạch phản quang lắp dọc hai bên vách và quầng sáng lờ nhờ phía trước của chính mình, để mỗi khi ngoái lại phía sau lưng chỉ thấy một màn đêm đặc quánh.
Nhưng Gilgit không phải là điểm đến cuối cùng của tôi. Nơi tôi muốn đi là thung lũng Hunza, cách Gilgit gần trăm cây số khoảng hai tiếng đi xe nữa. Vì vừa phải trải qua mười sáu tiếng quăng quật từ Islamabad lên đây, tôi thấy đoạn đường còn lại dường như không còn xa mấy. Đúng là ở đời mọi thứ chỉ mang tính tương đối.
Người lái xe ra hiệu cho mọi người xuống xe giải lao. Tôi nhảy xuống tranh thủ đi vệ sinh và mua chút trái cây, nước uống. Lúc quay lại thoáng ngỡ ngàng vì mọi người trên xe đi đâu hết, còn đồ đạc của tôi thì bị vứt đống nằm trên mặt đường lầy bụi. Tôi bèn xốc hành lý lên, đi loanh quanh để tìm chuyến xe chạy tiếp lên Hunza đỗ gần đâu đó. Tôi đoán người ta đã thông báo gì đó mà tôi không nghe rõ nên gây ra chút nhầm lẫn, may mà lần này tôi không phải trả giá vì sự nhầm lẫn đó.
Rồi cũng tới được Hunza. Tôi thuê chỗ nghỉ ở một khách sạn nhỏ tọa lạc tại một khu tương đối vắng, cách nơi tập trung khách du lịch vài quả đồi. Khách sạn nằm trên một triền dốc cao, mặt tiền lắp vách kính nẹp khung gỗ, bên trong ngăn nắp sạch sẽ, sàn lót đá đúng kiểu miền núi. Tôi ở tầng trên, sau khi dùng bữa tối tại chỗ thì tắm rửa bằng nước nóng dưới bếp đun mang lên cho. Sau 22:00 tối điện đóm tắt hết. Vì lưới điện quốc gia chưa lên tới, hầu như chỗ nào cũng xài máy phát nên phải tắt sớm để tiết kiệm nhiên liệu. Tôi trùm mấy lớp chăn dày quá đầu, cố dỗ giấc ngủ trong cái lạnh tê tái về đêm nơi miền sơn cước.
***
Khi tôi tỉnh giấc thì trời đã sáng rỡ. Tôi tụt xuống giường, kéo rèm cửa ra. Và thật ngỡ ngàng. Trước mắt tôi là rặng Karakoram trên chóp phủ đầy tuyết trắng vô cùng đẹp đẽ. Nếu như ở Nepal tôi đã phải chạy vô vọng khắp nơi để tìm dãy Himalaya kiêu kỳ luôn ẩn nấp sau lớp mây dày, thì tại nơi đây, núi tuyết tự tìm đến tôi, sà vào tận giường ngủ của tôi. Tôi khẽ kéo lớp cửa lùa bước ra ban công, ngồi xuống sàn trải thảm có đặt một bàn trà nhỏ. Ngoài ban công vẫn còn một lớp vách kính dày chống lạnh. Tôi khoan khoái ngắm nhìn rặng núi tuyết mãi không thôi.
Buổi sáng đầu tiên ở Hunza, tôi đi bộ lên một ngọn đồi để tham quan pháo đài Baltit. Chiếc sim Zong tôi mua dưới Lahore trở chứng không hoạt động nên đi tới đâu tôi cũng phải chụp ảnh vẽ đường đánh dấu tới đó. Hôm trước có người mò đến khách sạn chào mấy tour tham quan, nhưng tôi từ chối vì muốn tự mình khám phá vòng quanh nơi này cho thoải mái. Đường lên pháo đài là những lối bậc thang ngoằn ngoèo lót đá xanh sạch sẽ, trên đó phủ một lớp dày cánh hoa anh đào đã rụng. Chỗ khách sạn tôi ở hoa đào cũng rụng gần hết, còn trơ cành khô. “Cậu chỉ chậm có một chút thôi. Mới tuần trước hoa vẫn còn nở tưng bừng”, người chủ khách sạn nói làm tôi cảm thấy vô cùng nuối tiếc.
Từ Baltit tôi tiếp tục đi bộ qua một ngọn đổi khác. Lối mòn vòng vèo dẫn tôi băng qua nhiều khoảnh sân có rào cùng cây cối xanh mướt của dân bản địa, bên dưới là đất mới lên luống để trồng trọt vẫn còn tươi. Tôi men theo những con đường nhỏ lót đá xanh phẳng phiu, chốc chốc lại gặp các em học sinh trong đồng phục của dân xứ lạnh nhìn chỉn chu, ngay ngắn. Trẻ con ở đây cũng thuộc nhiều thành phần chủng tộc đa dạng, nhiều em mắt to da sậm giống dân Ấn, nhưng cũng nhiều em tóc hoe vàng mắt nâu sống mũi cao da sáng. Khi trông thấy tôi, các em tròn xoe mắt nhìn và tẽn tò chạy trốn khi tôi giơ tay “xin chào”, thoắt cái đã mất hút sau những ngõ nhỏ phủ đầy cánh hoa trắng li ti.
Lối mòn đột ngột dẫn tôi đến một mép đá, mở ra trước mặt một khoảng không bát ngát. Từ đó phóng tầm mắt nhìn xuống là một thung lũng rộng mênh mông. Bên vách đồi đầy đất đá khô cằn dẫn xuống thung khe có vô số cây bạch dương mảnh mai cao vun vút, như những cọc nhọn màu xanh đâm tua tủa lên trời. Và xa xa bên dưới là rừng anh đào còn nở trắng xóa. Người ta trồng anh đào thành hàng dài trên những rãnh đất lớn xẻ lẹm vào trong sườn đồi, như kiểu ruộng bậc thang. Đâu đó có tiếng suối chảy rầm rì. Con suối hẳn rất to nhưng đứng ở đây tôi không thấy nó đâu. Cảnh tượng trước mắt đẹp như chốn thần tiên khiến tôi phải ngẩn ngơ hồi lâu rồi mới quyết định tìm cách đi xuống thung lũng.
Tôi cứ đi mãi, suýt trượt té vài lần vì nền đất dưới này thoai thoải mà ẩm ướt, cuối cùng lạc vào một khoảnh vườn lớn trồng vô số gốc đào lê mơ mận rờm rợp hoa. Tôi cũng không chắc đây có phải là nơi tôi đã thấy lúc còn đứng ở mỏm đá trên đồi nhìn xuống hay không, nhưng tôi biết mình vẫn đang lang thang chốn tiên cảnh. Chủ vườn là một người đàn ông tầm năm mươi tuổi, dáng người quắc thước. Là dân làm vườn nhưng anh ăn mặc chỉn chu, áo khoác North Face dày sụ, tay đi găng, giày cổ cao, đầu trùm mũ len màu sẫm. Anh mở cửa rào mời tôi vào chơi. Chúng tôi đi đến một gốc cây to xù xì đen đủi nổi những u lớn như cây liễu gai gì đó trong phim Harry Potter. Trên tán cây trụi lá xòe rộng, anh cho đóng một cái sạp gỗ lớn vuông vức. Chúng tôi lần theo dây thang để leo lên cái sạp gỗ ấy. Ở trên đó có thả gối và kê một bàn trà nhỏ. Trời ạ, tôi chưa từng thấy góc chill nào tuyệt vời hơn thế. Từ chỗ ngồi này tôi có thể thu vào tầm mắt toàn bộ vườn hoa trắng hồng điềm lá xanh non bạt ngàn bên dưới, và phía sau rừng hoa là mấy ngọn núi sừng sững trầm mặc trên chỏm phủ đầy tuyết trắng xóa.
“Cơ ngơi này của anh nếu định giá thì cỡ bao nhiêu?”, tự nhiên tôi buột miệng hỏi một câu rất vô duyên. Có thể vì cảnh trí đẹp đến nỗi tính tham lam muốn sở hữu của tôi chợt trỗi lên trong vô thức.
“Đây là đất của cha tôi để lại”, anh cười xòa. “Cha chia làm ba phần cho ba anh em tôi, riêng khoảnh của tôi có thể đâu đó tầm ba trăm ngàn đô la. Nhưng nói thật là tôi cũng không có ý định bán đâu. Tôi có hai đứa con đang học đại học và làm việc ở Islamabad, còn một đứa đang học phổ thông ở đây, cũng sắp tốt nghiệp rồi. Cuộc sống nói chung cũng ổn. Chúng tôi có thể vui sống mà không cần nhiều nhặn gì”.
Trong khi tôi vẫn còn tẽn tò vì câu hỏi đường đột của mình thì người chủ vườn tiếp tục trò chuyện vui vẻ bằng thứ tiếng Anh tương đối mạch lạc. Ngồi thêm một lúc, anh kiếu xuống dưới lều để coi sóc mấy con bò yak, bảo tôi cứ tự nhiên trên này. Khi anh đã đi rồi, tôi ngồi một mình trên cái sạp to, hít một hơi mát lạnh thật sâu vào lồng ngực. Giữa bầu không khí vô cùng thanh sạch và tĩnh lặng, tôi chợt thầm ước giá như được ở mãi chốn thần tiên này.
***
Ngày đầu tiên tìm được lối về khách sạn an toàn nên hôm sau tôi lại thơ thẩn lang thang một mình. Vừa qua mùa cao điểm nên thưa khách, nhiều lúc khiến tôi có cảm giác chốn bồng lai này dường như chỉ dành cho riêng mình vậy. Từ khách sạn, tôi dùng wifi để định vị tuyến đường đi thăm pháo đài Altit rồi sau đó là đỉnh đồi Duiker, nơi có thể chiêm ngưỡng 360 độ những chóp núi tuyết hùng vĩ của rặng Passu thuộc dãy Karakoram. Google cho biết Duiker chỉ cách nơi tôi ở khoảng 9 km, nhưng cuối cùng tôi phải mất cả buổi băng mải miết qua mấy quả đồi, xong còn phải leo lên một con dốc dích dắc dài miên man mới tới được nơi. Nếu như không kịp nạp món bò yak nóng hổi thơm lừng ở quán The Yak Café Hunza trống huơ ngay dưới chân Duiker, chắc tôi đã không còn đủ sức lê bước được nữa.
Tôi đứng trên ngọn đồi trơ trọi. Bủa vây xung quanh tôi là những vách núi sừng sững, trên đỉnh núi tua tủa nhọn hoắt phủ đầy tuyết trắng tinh khôi. Giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ đó, tôi chợt thấy mình đã sống một cuộc đời thật tầm thường bé mọn. Những thứ tôi đã đấu tranh, đã vun đắp để xây nên một cái tôi có vai có vế bỗng trở nên tẹp nhẹp, vô nghĩa. Trước mẹ thiên nhiên, đời sống của con người thực ra cũng ngắn ngủi và nhỏ bé khác gì con sâu cái kiến đâu.
Không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Khi gió bắt đầu thốc mạnh hơn tôi mới leo trở xuống. Lúc xuống dưới tôi mới biết khách sạn nổi tiếng Eagle’s Nest, vốn là nơi tập trung rất đông du khách, cũng tọa lạc ngay gần Duiker. Ở đó, người ta chỉ cần đón một chuyến xe là có thể dễ dàng lên lên xuống xuống. Lòng tôi chợt thầm biết ơn, vì lúc trên đỉnh đồi tôi đã được ưu ái chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên tuyệt vời ấy một mình, không bị quấy rầy bởi bất cứ một tiếng ồn hay một bóng người nào. Tôi có ích kỷ quá chăng?
- Xem thêm: New Delhi. Quả chanh và nước chanh
***
Những ngày tiếp theo, tôi phải thuê một chiếc xe mới có thể đi đến những nơi cách trung tâm Hunza vài chục cây số đi đường. Người lái xe là một trung niên tên Rahim, là em họ của quản lý khách sạn. Rahim trạc tuổi tôi, có con khá muộn vẫn còn đang học tiểu học. Bộ râu quai nón rậm rạp và chiếc áo vải đạo Hồi vạt dài cũ kỹ khiến anh ta trông như chú tôi vậy. Tuy có vẻ ngoài khắc khổ, Rahim lại rất điềm tĩnh và lành tính. Với vốn tiếng Anh khiêm tốn, anh ta kiên nhẫn giải thích mọi câu hỏi tò mò của tôi trên suốt đường đi.
Chúng tôi lái xe xuyên qua những hầm chui hun hút. Ở đoạn ra, trên vách núi thấy sơn những câu khẩu hiệu khổng lồ “Tình hữu nghị Pakistan – Trung Quốc muôn năm”. Người khổng lồ Trung Hoa quả là đã để lại dấu ấn rất rõ trên cung đường cao tốc huyền thoại này. Xe chạy ngang qua hồ Attabad, mặt hồ phẳng lặng biêng biếc màu lam ngọc đẹp đến ngỡ ngàng.
“Cái hồ này hình thành từ một vụ sụp lở núi vài năm trước”, Rahim giải thích. “Anh có muốn chụp ảnh kỷ niệm không, tôi có thể dừng xe ở đây vài phút rồi ta đi tiếp”.
Tôi mới nói: “Này Rahim, tôi biết anh có một danh sách các điểm check-in cần phải hoàn thành trong hôm nay theo cam kết với Tahir, người anh họ của anh. Nhưng đừng lo, hãy cứ đưa tôi đến nơi anh thích nhất ấy. Nếu tôi cũng thích, ta có thể ở đó cả buổi và quên cái danh sách kia đi. Còn nếu tôi thấy nó không hợp, ta có thể bỏ qua trong năm giây. Tôi hứa sẽ không phàn nàn gì với Tahir đâu, anh đừng lo!”.
Thế là Rahim đưa tôi đến làng Gulmit. Anh ta gãi gãi đầu: “Gulmit là nơi tôi sinh ra, dù gia đình tôi đã rời đi khi tôi còn nhỏ. Tôi nghĩ Gulmit là một nơi thực sự xinh đẹp, không phải cái đẹp kiểu hoài niệm trong ký ức trẻ thơ mà tôi nói. Thời chưa có cao tốc Karakoram, để về đến Hunza dân làng chúng tôi phải đi mất hàng chục ngày đường. Giờ ta đi thử nhé. Nhưng mà này, nếu như anh thấy nó không đẹp thì tôi thực sự xin lỗi đấy”.
Tôi cười xòa, bảo Rahim yên tâm. Hóa ra những gì anh ta nói không ngoa. Gulmit có một nét đẹp thật trong trẻo. Tôi bảo Rahim đỗ xe rồi chúng tôi cùng đi bộ lên những triền dốc uốn lượn quanh co, hai bên rợp bóng mận đào còn nở rộ. Trên này trời lạnh se sắt hơn, vì thế hoa vẫn còn nở nhiều. Tôi đã từng đi dạo trên những con đường đơm đặc hoa đào ven sông Potomac ở Washington DC hay đảo Yeoido ở Seoul, nhưng những nơi đó quả thật thiếu cái vẻ đẹp mảnh mai tự nhiên thuần khiết của chốn này. Trên con đường vắng, những người dân làng đi lại thong thả. Khi gặp nhau họ ôm những cái ôm rất chặt, hỏi thăm những câu thật ân cần. Bên vệ đường, vài người nông dân chậm rãi lên luống trồng rau. Cạnh đó, mấy con cừu nhởn nhơ gặm cỏ non xanh mướt dưới những gốc anh đào rờm rợp hoa trắng.
Trước khi rời Gulmit, chúng tôi còn kịp leo lên đỉnh đồi Ondra theo lối trail dài 1.3km gồm hơn 1,600 bậc thang lót đá để ngắm toàn cảnh khu làng từ trên cao. Đang mùa chay Ramadan, Rahim không ăn một mẩu bánh uống một giọt nước nào từ khuya hôm qua nhưng anh ta vẫn có sức leo phăng phăng. Tôi bám theo Rahim muốn đứt hơi, lòng khoan khoái vì có thể chia sẻ chút niềm vui trở về tuổi thơ của người đàn ông rậm râu này.
Chúng tôi tiếp tục lái xe đi. Rahim nói, giọng cảnh báo: “Điểm tiếp theo là sông băng Passu, cũng là một nơi độc đáo. Nhưng tôi nói trước, chỗ này khá phổ biến với khách du lịch nên có thể sẽ đông người nhé”.
“Ô kê, ta có thể đến xem cho biết, nhưng đúng là nó không nên nằm trên tốp đầu danh sách”, tôi trả lời. Đoạn chúng tôi lái xe ra khỏi Gulmit hướng về rặng Passu.
Khi đến nơi, Rahim đỗ xe gần một gian nhà nhỏ. Đó là một cái trạm kiểm tra để khách đăng ký trước khi leo lên đồi ngắm sông băng. Tôi trình hộ chiếu, khai báo một số thông tin cần thiết xong thuê hai cây gậy trek. Sau nhiều ngày leo trèo liên tục chân tôi đã mỏi nhừ. Trước khi đi qua thanh chắn barie tôi nói với Rahim: “Anh chờ ở đây nhé, có thể là mươi mười lăm phút hoặc vài tiếng. Rất tùy đấy!”.
Tôi chống hai cây gậy lần theo con dốc cao chậm rãi đi lên. Chẳng mấy chốc, chỗ một khúc quanh tôi gặp phải một nhóm du khách người Thái. Họ cười nói ầm ĩ, chụp đủ kiểu ảnh. Ngay khúc quanh ấy, một con sông băng vĩnh cửu gọi là glacier bất ngờ hiện ra. Nó còn nguyên hình dáng của một con sông nước chảy cuồn cuộn, đang ào ào lao xuống chân núi thì bị bàn tay phù phép của chúa tể thần linh làm cho đông cứng lại, tuy đã thành băng trắng xóa nhưng mãi giữ nguyên hình dạng ấy.
Tôi định ngắm cảnh một chút rồi quay xuống thì trời bỗng đổ mưa lắc rắc. Lát sau mưa nặng hạt dần, mà rồi vì không khí trên này lạnh quá nên chẳng mấy chốc mưa hóa thành những bông tuyết rơi lã chã. Xung quanh tôi giờ là một lớp màn trắng mịt mùng không còn thấy sông băng đâu nữa. Nhóm du khách bắt đầu lục tục kéo nhau đi xuống. Anh chàng dẫn nhóm người Pakistan khi đi ngang bỗng nói nhanh với tôi: “Mưa này mau tạnh. Nếu không sợ anh cứ đi lên phía trên nữa đi. Trên đó thú vị lắm, mà đường cũng không quá khó đi đâu”.
Nghe lời anh ta, tôi bèn dừng lại, nép vào một hốc đá tránh gió. Khi nhóm du khách đã đi rồi, chỉ còn tôi đứng giữa màn tuyết lắc rắc trong thinh lặng. Chờ một lúc thì tuyết ngớt thật. Tôi đội áo mưa đi lần theo con dốc đá ngược tiếp lên phía trên. Khi hết con dốc, trước mặt tôi hiện ra một vạt đất phẳng rộng bao la, bên dưới đầy đá có hình dạng hệt như những lớp gỗ vụn xếp chồng nhau vương vãi. Tôi tưởng như đang trong một xưởng mộc khổng lồ. Bên trái vạt đất là vách núi sừng sững, còn bên phải là đầu nguồn con sông băng. Tôi rời khỏi lối mòn, cẩn thận đi lò dò trên thảm đá phẳng ấy để tiến về phía sông. Lúc này mưa đã tạnh, nắng lại hừng lên rực rỡ. Tôi cởi lớp áo mưa, đặt nó cùng ba lô xuống một tảng đá to. Gió thổi mạnh làm lớp áo mưa kêu phần phật. Tôi khoan khoái đứng nhìn con sông băng khổng lồ ở một cự ly gần hơn bao giờ hết. Chợt thấy có chút tự sướng vì đã mò được lên tận trên này, tôi rút gậy selfie ra làm vài tấm ảnh kỷ niệm. Nhưng lạ thay, gió bỗng thổi mạnh như muốn giật lấy cây gậy vung ra xa. Mấy tấm ảnh vừa chụp xong nhìn cũng không ưng, không đẹp như những tấm đứng khiêm tốn ở dưới con dốc giữa dòng lúc nãy. Tôi giật mình. Chẳng lẽ dòng sông băng kỳ bí này không cho phép tôi láo lếu đứng trên đầu trên cổ nó? Những tấm ảnh hỏng kia như nhắc tôi nên nhớ về cái thân phận bé mọn của mình trước thiên nhiên triệu năm hùng vĩ chăng?
Khi quay trở lại xe, tôi cười xòa với Rahim: “Đã ba tiếng đồng hồ nhỉ! Quota trong ngày có lẽ cũng đã hết, anh cứ đưa tôi về, không cần lo những điểm tham quan còn lại đâu”. Thật vậy, sau này càng đi tôi đã không còn bị hội chứng FOMO – nỗi sợ bị lỡ mất cái gì – nữa. Nó khác với tôi ngày trước, lúc nào cũng thích có một cái checklist bên mình và cảm giác khoan khoái khi đánh dấu tick hay gạch bỏ bớt từng dòng.
Trên đường quay về khách sạn, Rahim quyết định chở tôi tạt vào thăm cầu treo Hussaini, chấp nhận về muộn một chút. Trời đã về chiều, đường vào cây cầu vắng tanh không một bóng người. Hussaini vốn nằm trong danh sách những cây cầu treo nguy hiểm nhất thế giới. Cầu dài khoảng 200 mét, hai bên tay vịn là những sợi kim loại đan nối đã rỉ sét, dưới sàn là những tấm ván thưa bắc chông chênh. Cầu nối hai vách núi sừng sững sắc lạnh của rặng Karakoram, bắc qua đoạn sông Hunza chảy xiết dù đang mùa nước cạn, giữa sông có nhiều bãi bồi nhô lên.
Khi đứng bên đầu này cầu, tôi thoáng chút lưỡng lự. Nhưng vì nổi máu tò mò, cuối cùng tôi cũng thử cố đi qua đầu bên kia cho biết. Tay nắm chặt dây vịn sắc lạnh, tôi lần dò từng bước một trên mấy tấm ván chông chênh. Vừa đi miệng tôi vừa lầm rầm quán niệm danh hiệu đức Phật cho tĩnh tâm và đỡ sợ, đại loại trông cũng như một kiểu hành thiền, mà là thứ thiền dành cho… bọn tăng động. Cầu chỉ 200 mét nhưng sao chao ôi nó dài. Ra tới giữa cầu tự nhiên gió thổi mạnh hơn, nước dưới sông cũng chảy xiết hơn. Và kỳ cục là nó bỗng tạo ra ảo giác mặt sông dường như đứng yên còn cây cầu lại trôi dạt đi mới ớn. Tôi bèn dừng lại, hít hơi lấy bình tĩnh, đoạn kiên trì tiếp tục từng bước một, cuối cùng cũng an toàn qua được phía bên kia.
Đứng chơi bên đó một lát xong tôi phải quay trở về. Đoạn quay lại này nhờ có chút kinh nghiệm nên tôi không còn quá lo âu như khi nãy, dù vẫn phải lò dò từng bước một. Qua được hơn nửa đường bắt đầu thấy tự sướng, thấy ngầu, vì dù gì cũng đã băng qua được cây cầu treo được mệnh danh nguy hiểm nhất thế giới này. Thế nhưng bẽ bàng thay, cảm giác ấy vụt lên chưa được bao lâu thì tắt ngấm. Đi ngược về phía tôi có hai anh chàng người bản địa. Họ vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ, cũng không buồn nắm tay vịn. Họ cứ đi phăng phăng trong ánh chiều chạng vạng, làm như lớp ván cheo leo bắc dưới chân là con đường làng bằng phẳng cỏ mọc êm đềm vậy. Nhìn họ xong nhìn lại cái bộ dạng rúm ró lọ mọ thảm thương của mình, tôi không nhịn được tiếng cười thầm trong bụng. Có những thứ ta làm được, tưởng là hay ho nhưng thực ra chỉ là mấy chuyện vặt vãnh trong thế giới rộng lớn này mà thôi.
Rahim chở tôi về tới khách sạn thì trời đã tối. Tôi hẹn anh sớm hôm sau đưa tôi về Gilgit để đón chuyến bay sáng quay lại thủ đô Islamabad. Tôi vẫn rất yêu cung đường Karakoram huyền thoại, yêu những chiếc xe tải chạy đường trường trang trí đầy hình họa sặc sỡ như những tác phẩm nghệ thuật di động, yêu những triền núi phủ tuyết trắng xóa hùng vĩ dọc hai bên. Nhưng tấm thân trung niên của tôi không thể chịu đựng được thêm mười sáu tiếng ngồi xe. Tôi còn phải dành sức cho chuyến đi dài phía trước. Rốt cuộc thì, Từ Thức cũng phải giã biệt nơi tiên cảnh để trở về với cõi trần phàm tục của chàng.
- Xem thêm: Lumbini. Thầy ơi con đã về