Tôi nghe người ta hay nói câu “Nếu đời quăng cho bạn quả chanh, hãy lấy nó pha thành ly nước chanh mà thưởng thức”. Ở New Delhi, tôi được quăng cho tới mấy quả chanh chua, nhưng đồng thời cũng được tặng miễn phí nhiều ly nước chanh thơm mát. Tóm lại, ở đây kiểu gì tôi cũng được uống nước chanh trong vui vẻ.
Từ sân bay, tôi bắt chuyến tàu điện đi gần một tiếng về nhà ga New Delhi cách khách sạn tôi đặt không xa. Hơi bất ngờ vì sân bay quốc tế Indira Gandhi hiện đại rộng rãi sạch sẽ, và chiếc tàu điện tôi đang ngồi cũng sạch sẽ rộng rãi hiện đại không kém. Quả là một khởi đầu thuận lợi khi đặt chân đến Ấn Độ, đất nước không biết vì lý do gì mà dân Việt Nam mười người hết chín người rưỡi không ưa, thậm chí tỏ vẻ kỳ thị không thèm giấu diếm.
Ngồi trên tàu, tôi giở điện thoại ra kiểm tra lại các thông tin cần thiết theo thói quen, nhưng chợt nhớ là đã mất kết nối internet. Lúc ở sân bay tôi có mua cái sim dữ liệu, đã kích hoạt xong xuôi nhưng phải mất ít nhất nửa buổi mới dùng được. Là quy trình kích hoạt bắt buộc theo quy định của nhà nước để đảm bảo yếu tố an ninh gì đó, tôi nghe nhân viên quầy sim giải thích vậy nên cũng đành chịu. Tôi bèn dùng tạm wifi miễn phí ở sân bay để kiểm tra vị trí khách sạn, đánh dấu lại xong xuôi rồi mới yên tâm rời khỏi nơi này. Ra nước ngoài mà không có internet cảm giác như bị cụt tay cụt chân không làm gì được, rất chi bực bội. Tôi tự nhủ, từ nhà ga New Delhi tôi sẽ bắt một chuyến xe về thẳng khách sạn. Tới khách sạn tôi sẽ tạm dùng tiếp wifi ở đây cho tới khi nào cái sim được kích hoạt thì thôi. Nghĩ vậy tôi thấy không còn gì đáng lo, bèn ngó bâng quơ qua ô cửa kính ngắm nhìn đường sá. Tàu bật điều hòa mát mẻ, chạy vùn vụt qua những con đường rộng rãi, cây cối xanh tươi. Đất nước rộng lớn hơn một tỷ tư dân nên những con đường tôi thấy trông có vẻ cũng rất lớn. Tàu chạy băng băng, trên đường dừng lại vài trạm trước khi tới bến cuối là nhà ga New Delhi.
Vậy mà vừa bước ra khỏi nhà ga tôi như lạc vào một thế giới khác. Từ trên cầu vượt nhìn xuống mặt đường tôi thấy cơ man nào là xe tuk tuk, mà ở đây người ta gọi là rickshaw hay đơn giản là auto. Mấy chiếc xe mui sơn màu vàng chanh, thân xanh lá cây nhìn khá bắt mắt cứ chạy loạn xạ như bầy kiến vỡ tổ. Chúng liên tục bấm còi tuynh tuynh inh ỏi tạo nên một bầu không khí thật náo loạn. Nếu như ở Kathmandu tôi thấy người ta không ngừng khạc nhổ thì ở New Delhi người ta lại không ngừng bấm còi, như có một thế lực vô hình nào khiến họ không cưỡng lại được chuyện đó.
Tôi kéo vali đi dọc theo cầu vượt dài có mái che để tìm lối xuống đường. Có mấy người bản địa trờ tới định bắt chuyện tôi đều chủ động lắc đầu xua tay trước. Hạn chế tiếp xúc người lạ trong lúc này là nguyên tắc an toàn của tôi. Cứ xuống đường, bắt xe về khách sạn xong tính gì tính. Đi tới giữa cầu tôi đụng phải một người đàn ông ăn vận lịch sự, áo sơ mi phẳng phiu bỏ thùng, quần khaki vàng nhạt, đôi giày tây cũng màu da bò vàng trông tươm tất. Gương mặt ông ta rất hiền, nhìn tôi nở một nụ cười thân thiện đoạn bảo: “Xin chào, chú em chắc mới tới New Delhi lần đầu? Nhớ cẩn thận nhé vì khu này khá phức tạp”. Tôi mỉm cười tỏ ý cảm ơn và đi tiếp, không nói lại tiếng nào. Chế độ cảnh giác vẫn đang on. Người đàn ông đi cùng chiều với tôi, ông ta chỉ tay xuống dưới đường: “Qua nói cho nghe, mấy chiếc rickshaw ở đó cũng lộn xộn lắm, thấy người nước ngoài bơ vơ một mình là bọn nó bắt nạt liền. Chú em nhớ lời qua dặn, dù tụi nó có nói trời nói trăng gì đi nữa thì vẫn cứ trả giá chắc nịch, nhé. Đúng 20 rupee cho km đầu tiên cho qua, rồi chú em đi tới đâu thì tự ước ra số tiền hợp lý mà mặc cả với bọn nó”.
Mode cảnh giác trong tôi đang đỏ chuyển sang vàng. Tôi nhẩm nhanh con tính trong đầu, thấy hợp lý. Tự nhiên có chút thiện cảm với người đàn ông này. Ông ta không chèo kéo mua bán gì, mà còn chỉ giúp mình vài thông tin ban đầu rất hữu dụng. Những con người tử tế thường cũng muốn giữ gìn hình ảnh quốc gia của mình với người nước ngoài bằng những hành động tử tế. “Chú em bắt chiếc xe nào cũng được”, người đàn ông nói tiếp. “Giá cả sàn sàn như nhau thôi. Nhưng theo qua chú nên đi mấy chiếc đậu ở góc kia kìa. Xe sạch sẽ, chạy an toàn hơn”. Tôi gật đầu nói lời cảm ơn, nụ cười tươi thêm mấy phần. Người đàn ông vội xua tay: “Đâu có gì đâu mà cảm ơn. Thôi qua đi đây. Chúc chú em có một kỳ nghỉ vui vẻ ở Ấn Độ!”, đoạn ông ta rẽ xuống cầu thang mé bên phải, còn tôi thì rẽ trái.
Đúng như người đàn ông nói, gã tài xế đầu tiên hét 50 rupee cho km đầu. Tôi bèn bỏ đi về phía mấy chiếc tuk tuk người đàn ông chỉ khi nãy. Người tài xế này đưa đúng giá 20 rupee, bảo tôi cho xem địa chỉ khách sạn rồi giúp tôi đưa vali lên xe. Tôi thầm cảm ơn người đàn ông mới gặp và chui vào khoang sau. Vừa yên vị thì xe vọt ngay, luồn lách và bấm kèn nhặng xị giữa đám đông hỗn loạn. Xe chạy một lúc ra khỏi khu sân ga mới thấy đường sá thoáng hơn chút. Người tài xế chợt quay lại phía tôi vẻ thảng thốt: “Ấy chết, anh đưa tôi xem lại địa chỉ khách sạn!”.
Tôi bèn rướn lên phía trước chỗ khoang lái, chìa điện thoại có chụp màn hình thông tin khách sạn cho gã xem.
“Thôi rồi, anh xui quá đấy. Tôi chợt nhớ ra khu này đang bị phong tỏa cả tuần nay vì bùng dịch sốt xuất huyết. E là anh phải chuyển sang ở chỗ khác rồi”.
Mode cảnh giác của tôi bật lên đỏ lòm. “Cậu cứ đưa tôi về chỗ đó đi, chuyện còn lại để tôi tự lo”, tôi trả lời gỏn lọn. Gã tài xế vừa tiếp tục lái vừa vò đầu bứt tai:
“Thật sự không được đâu. Khu đó bị phong tỏa rồi. Mà không riêng gì chỗ của anh, một số khu khác nữa ở Delhi cũng đang bùng dịch phải phong tỏa đấy. Sắp tới hội nghị G20 nên chính quyền làm căng lắm, không đùa giỡn được”.
Tôi ngó ra bên ngoài cửa kính, bất giác thấy tấm pano to đùng có hình thủ tướng Modi đang tươi cười tuyên truyền cho hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới thật. Nhưng tôi vẫn chưa tin gã tài xế này lắm. Ngặt nỗi cái điện thoại của tôi giờ như cục gạch vô tri không làm gì được. Tôi bảo gã cho mượn điện thoại để gọi tới khách sạn. Gã nhún vai: “Không thành vấn đề. Mà anh đưa tôi xem số để tôi bấm luôn cho. Phải thêm mã của Delhi nữa, lằng nhằng lắm”.
Tôi chìa số cho gã xem. Gã bấm nhoay nhoáy rồi chuyển điện thoại ra phía sau cho tôi. Đầu bên kia đổ chuông, hóa ra là thật. Nhân viên khách sạn xin lỗi rối rít, bảo đây là trường hợp bất khả kháng, muốn báo cho tôi biết mà không thể liên lạc được. Giờ tôi mới tạm tin gã tài xế, nhưng biết đi đâu đây. Tôi nói với gã:
“Anh chở tôi tới một khách sạn nào an toàn, tương đương chỗ tôi đặt mà anh biết. Nhưng nói trước, tôi phải kiểm tra giá, hợp lý tôi mới đồng ý ở nhé!”.
“Đương nhiên rồi, anh đừng lo”, gã trả lời. “Mà này, giờ ta phải tới văn phòng quản lý du lịch của thành phố để đăng ký giấy lưu trú trong mấy ngày ở Delhi. Đây là yêu cầu bắt buộc của chính quyền trong giai đoạn này, đã có ai nói với anh chưa?”
“Hả, cái quái gì nữa vậy?”, tôi bực bội thốt lên, phần lớn là bực cái điện thoại vô tri vô dụng của tôi. Không có internet tôi không cách nào thẩm tra được những thông tin gã ta vừa nói.
“Tôi không có đi lòng vòng đâu, anh đừng lo”. Gã tài xế tỏ vẻ ái ngại, dường như cảm nhận được sự nghi ngờ của tôi. Tôi biết, đôi khi mình cũng nghi nhầm người. Không phải ai nghèo khổ thì cũng gian tham. Rất nhiều người lao động dãi nắng dầm mưa ngoài kia là những con người đầy lòng tự trọng, họ có thể bị tổn thương bởi sự nghi ngờ vô lối. Nhưng trong tình cảnh này, tôi thật không biết có cách ứng xử nào khác phù hợp hơn.
“Ở Delhi có rất nhiều trụ sở văn phòng quản lý du lịch của chính quyền thành phố. Tôi sẽ chở anh tới chỗ gần nhất và sẽ không lấy thêm tiền cước so với thỏa thuận ban đầu, vậy là an tâm nhé. Anh vào đó đăng ký, xong lấy cái giấy ra, tôi chở anh về khách sạn. Tới đó anh cứ kiểm tra giá cả, đồng ý ở hay không tùy anh”.
Rồi người tài xế chở tôi tới một văn phòng quản lý du lịch thật. Tôi kéo vali đẩy cửa bước vào. Văn phòng nhỏ có máy lạnh. Khu tiếp khách kê bộ ghế sofa, trên bàn có ấm trà, phía sau là hai phòng làm việc nhỏ có vách ngăn, trên bàn làm việc để máy tính và đầy nhóc hồ sơ.
Tiếp tôi là một người đàn ông béo tốt, bộ ria tỉa tót cẩn thận, sơ mi đóng thùng kiểu công chức nhà nước điển hình. Anh ta ngồi sau máy tính, cười vui vẻ: “Chào mừng đã đến Delhi. Tớ biết là hơi có chút phiền toái. Người nước ngoài nào gặp tớ cũng phàn nàn như thế. Nhưng cậu thông cảm nhé, quy định ở đây là vậy”, nói đoạn anh ta ra hiệu cho tôi ngồi xuống cái ghế phía đối diện.
Anh ta hỏi tôi các thông tin cá nhân, chắc là để bổ túc cho cái giấy phép đăng ký du lịch. Rồi tự nhiên anh ta bắt đầu cà kê tán hươu tán vượn đủ thứ chuyện trên đời. Mấy cha công chức này đúng rảnh thiệt, tôi thầm nghĩ. Người đàn ông rất dẻo miệng, kể đủ chuyện tếu táo, nên tôi cũng coi như bỏ ra chút thời gian để giải trí. Mà cũng đâu có lựa chọn nào khác. Tới cửa công quyền là phải kiên nhẫn làm theo những gì họ muốn thôi. Dù sao nghe chuyện tiếu lâm vẫn còn tốt chán so với việc phải ngồi ngó những gương mặt cau có khó ưa hay kiếm cớ hoạnh họe.
Tán dóc chán chê một hồi, anh chàng viên chức bắt đầu chuyển qua giới thiệu một số thông tin du lịch ở Ấn Độ. “Bọn tớ có nhiệm vụ quảng bá theo yêu cầu của chính phủ, cậu biết đó, dù đất nước này đã quá nổi tiếng rồi. Hừm, để xem ta có thể bắt đầu từ đâu đây”.
Anh ta giở một tấm bản đồ trải ra mặt bàn rồi dùng bút di di vài vị trí:
“Cậu đang ở thủ đô New Delhi, dĩ nhiên rồi. Và từ Delhi rẽ ra hai nhánh như này. Cậu thấy gì nào, một hình tam giác đúng không? Đây là Delhi, đây là Jaipur, và đây là Agra, đó gọi là tam giác vàng du lịch của Ấn Độ. Rất gần rất dễ đi, chi phí lại hợp lý. À này, tớ thực sự không hiểu vì sao nhắc tới Ấn Độ người ta chỉ biết mỗi cái lăng Taj Mahal ở Agra. Coi nào, chúng tớ còn có rất rất nhiều thứ hay ho khác kia. Đến Jaipur cậu sẽ tha hồ chiêm ngưỡng các lăng tẩm cung điện đền đài xinh đẹp. Để tớ tìm thêm vài hình ảnh trên mạng cho cậu thấy ngay bây giờ. Tớ không nói điêu đâu”.
Anh ta gõ lóc cóc vào công cụ tìm kiếm google, lướt xoèn xoẹt qua nhiều trang hình ảnh đoạn xoay cái màn hình máy tính về phía tôi:
“Này, đây là Cung Điện Gió sơn màu hồng, đẹp kinh khủng, đúng không? Còn đây là Cung Điện Gương, và đây là Cung Điện Nước. Tất cả ở Jaipur đấy. Còn nếu cậu muốn đi xa hơn ngoài vùng tam giác vàng để khám phá, tớ có chỗ này hay lắm đây. Chắc cậu từng nghe về kinh Kamasutra rồi đúng không? Coi nào, đừng có vờ vịt là cậu không biết nhé! Từ Delhi cậu đi xuống phía nam khoảng 650 km, tới Khajuraho. Cậu nhìn bản đồ google trên này này. Đây, Khajuraho đây. Ở đó có ngôi đền chạm trổ hàng ngàn bức tượng nam nữ làm tình với nhau đủ mọi tư thế. HÀNG NGÀN ĐÔI NAM NỮ ĐANG LÀM TÌNH, tuyệt chưa nào? Cậu thử một chuyến đi, biết đâu khi trở về cậu sẽ trở thành chuyên gia giường chiếu đấy!”.
Anh chàng còn thao thao bất tuyệt một hồi nữa, vừa nói tay vừa rê chuột, click lia lịa vào các trang web để cho tôi thấy những hình ảnh sinh động minh họa lời anh ta đang trình bày. Về cơ bản mọi thứ anh ta nói đều là thật cả. Chuyến đi tuy đang có chút trục trặc, tốn kha khá thời gian để xử lý nhưng ngược lại tôi cũng có được thêm rất nhiều thông tin hữu ích từ người đàn ông ba hoa này.
“Và giờ, để tớ giới thiệu cho cậu giá một số tour tiêu biểu nhé”, anh chàng bắt đầu vào vấn đề chính. Tôi thoáng chưng hửng nhưng rồi hiểu ngay ra mọi chuyện. Tôi cười hỏi: “Văn phòng du lịch của nhà nước cũng bán tour à?”
“Ôi, sao lại không? Bọn tớ có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ do nhà nước quy định. Giá tốt nhất đấy, và còn theo chuẩn quốc gia. Du lịch dù sao cũng là bộ mặt của đất nước Ấn Độ mà. Cậu cứ xem vài báo giá đi, xong chọn tour và đặt cọc 50%. Đúng ngày đúng giờ bọn tớ sẽ tới tận nơi để hầu hạ cậu từ đầu đến chân”.
“Xin lỗi, nhưng tôi hiện chưa có nhu cầu cụ thể gì. Như anh thấy đấy, tôi vừa mới tới nơi, hành lý còn nguyên đây, chưa kịp về khách sạn nghỉ ngơi nữa”.
“Cậu nên quyết định sớm đi, dù gì cậu cũng đã đến đây rồi”, anh ta nằn nì. “Tớ cũng đã mất công giới thiệu đủ thứ cho cậu nãy giờ. Giờ cậu chọn tour, đặt cọc xong tớ xuất hóa đơn cho cậu ngay, yên tâm!”.
Tôi cười cười với anh ta, đoạn đứng dậy: “Thôi, tôi có số liên lạc của bên anh rồi, khi cần tôi sẽ gọi lại. Giờ tôi phải đi đây”, nói xong tôi quày quả kéo vali đi ra ngay khỏi văn phòng.
Gương mặt vui vẻ của anh chàng công chức pha-ke liền đanh lại. Gã hoa tay múa chân nói liên tu bất tận cái gì đó tôi không còn quan tâm lắng nghe nữa. Tôi đi nhanh ra cửa, quăng một cái nhìn khinh bỉ vào gã lái tuk tuk đang đứng chờ bên ngoài rồi bỏ đi về phía ngược lại. Đi một đoạn ngắn, tôi gặp một người lái xe ôm khác đang chờ khách dưới một gốc cây. Cậu ta nhìn tôi vẻ thương cảm:
“Anh mới từ cái văn phòng đằng kia ra à? Đúng là quân lừa đảo. Tôi không hiểu sao chính quyền không dẹp sạch bọn này đi. Thật mất mặt quá”.
“Cậu có thể tôi về địa chỉ này không?”, tôi lưỡng lự chìa thông tin khách sạn cho cậu ta. “Và nếu về tới chỗ đó thì hết bao nhiêu tiền?”
“Ôi không may cho anh rồi. Khách sạn này đang bị phong tỏa”, cậu ta xuýt xoa. “Hơn nữa, anh vẫn phải có giấy phép du lịch. Lấy ở văn phòng chính thức có bảng hiệu hẳn hoi ấy, chứ không phải mấy cái chỗ linh tinh như kia đâu”.
Tôi hoang mang, không biết có nên tin con người này hay không. Điện thoại của tôi không vào internet được, tôi như đui như mù.
“Anh yên tâm đi. Chỗ đó cũng gần đây thôi. Tôi chở anh tới thẳng đó, chỉ 20 rupee. Tôi không lượn lòng vòng đâu”.
Tôi đành lên xe theo cậu ta vì trời cũng bắt đầu về chiều. Xe chạy một quãng thì tới một cái ngõ, phía trước có tấm bảng rất lớn “Chính phủ Ấn Độ. Bộ Du lịch. Trung tâm Quản lý Tour và Lữ hành. Tuyệt Vời Ấn Độ – Incredible India”, theo cỡ chữ lần lượt từ to đến nhỏ. Tôi cảm thấy yên tâm hơn bèn bước vào. Cũng là một cái văn phòng như chỗ khi nãy nhưng khá chỉn chu. Người nhân viên trực ở đó cẩn thận đưa tôi xem giấy chứng nhận hoạt động có con dấu hẳn hoi. Phía sau bàn làm việc chỗ anh ta ngồi là một tấm ảnh to lộng khung kính. “Là kỷ niệm dịp ngài thị trưởng New Delhi ghé thăm đội ngũ nhân viên chúng tôi đó”, anh ta khoe.
Chúng tôi ngồi trao đổi với nhau. Nhưng chỉ trong chốc lát, câu chuyện lại diễn tiến theo chiều hướng y như vừa rồi, dù ở đây anh chàng này chuẩn bị bài vở có vẻ công phu hơn. Tôi vừa bực vừa buồn cười. Bèn tự an ủi, thôi thì có cái game mới để chơi cũng vui. Cũng có thêm trải nghiệm và thông tin miễn phí, và sẽ không mất tiền mất bạc gì miễn mình còn tỉnh táo. Tôi đành ngồi thêm một lúc rồi cũng lịch sự từ chối và đứng dậy bỏ đi. Sững Sờ Ấn Độ thì có chứ Tuyệt Vời Ấn Độ cái nỗi gì.
Tôi bước ra ngoài nói thẳng vào mặt gã lái xe: “Bây giờ cậu đưa tôi về ngay địa chỉ này. Bao nhiêu nói đi, đừng vòng vo nữa nhé!”. Sở dĩ tôi vẫn phải đi xe của hắn ta vì xung quanh tôi không còn lựa chọn nào khác, mà tôi không muốn bị kẹt ngoài đường khi trời đang dần tối, và tôi vẫn chưa có kết nối internet.
Sau khi chốt giá, chúng tôi lại đi. Xe chạy ngang qua một khu có giăng rào kẽm gai và tấm bảng cấm vào. Gã lái xe nói: “Đây, chỗ của anh đây. Tôi đã nói nó bị phong tỏa mà anh không tin”. Tôi hoang mang, chưa biết phải làm gì thì gã lại lải nhải: “Thôi ta chịu khó đi tới văn phòng tiếp theo nhé, tôi lấy anh 20 rupee thôi, coi như bỏ cuốc xe vừa rồi”.
Vừa nghe tới chữ “văn phòng” và “20 rupee” quen thuộc, tôi nổi xung thiên. Ôi cái bọn người trơ tráo và lì lợm như đỉa này. Tôi hét to: “Không đi đâu nữa hết. Bỏ hành lý của tôi xuống đây, tôi muốn đi bộ!”. Khi gã tỏ vẻ nằn nì, tôi hét to thêm một tiếng nữa: “Tôi bảo bỏ xuống, có nghe không đồ ngốc!”, rồi tự lôi cái vali của mình xuống và kéo đi. Đoạn đường này hơi vắng. Tôi rảo bước nhanh một chút thì ra tới ngã ba đường lớn, xe cộ nhộn nhịp hơn. Tôi cố tìm cho ra một quán cà phê có internet. Bằng mọi giá, tôi phải chấm dứt tình trạng mù điếc này. Phải kiểm soát được thông tin.
Tìm được một quán café có wifi ở Delhi không dễ như ở Sài Gòn hay Hà Nội. Tôi đi lang thang qua hai ba chỗ vẫn không xong. Tới một tiệm ăn tương đối đông đúc, tôi đành nhờ một thực khách vào mạng giùm để xem khách sạn tôi đặt thực sự nằm ở chỗ nào. Chị khách trung niên đi cùng con trai đang là sinh viên năm nhất đại học ban đầu nhìn tôi có vẻ ngờ vực (dường như ở Delhi mọi người không thể tin nhau thì phải), nhưng rồi cũng đồng ý giúp đỡ. Hóa ra khách sạn của tôi không xa chỗ chúng tôi đang đứng là mấy. Sau khi nghe câu chuyện tôi kể, chị trung niên nọ tự nhiên cảm thấy áy náy quá, bèn ngỏ lời bảo để con chị đưa về tận nơi. Tôi từ chối, nói có thể gọi taxi từ đây, nhưng chị cứ khăng khăng muốn giúp cho bằng được. Thế là cậu sinh viên to con dắt chiếc xe máy ra, đặt hành lý của tôi lên phía trước rồi đèo tôi chạy một mạch qua khu chợ đông đúc, về tới khách sạn chỉ tầm mười lăm phút. Lúc chia tay, khi tôi nói lời cảm ơn, cậu ta nắm tay tôi thật chặt, cảm xúc biểu hiện trên gương mặt hệt như mẹ cậu. Có lẽ chàng trai cũng áy náy vì những điều tệ hại mà tôi đã phải trải qua ngay ngày đầu tiên đặt chân đến Delhi.
Khách sạn vẫn hoạt động bình thường. Khu chợ xung quanh vẫn hoạt động bình thường. Ở đây không có dấu hiệu gì của bệnh dịch, của lệnh phong tỏa. Tất cả chỉ là một màn kịch xuyên suốt có hệ thống được dựng lên theo cùng một công thức của bọn người ở nhà ga. Tôi cũng không rõ những người lỡ xuống tiền cọc ở mấy trụ sở giả hiệu kia sẽ còn bị những trò lừa gì sau đó nữa.
Những ngày tiếp theo tôi lang thang khắp nơi ở New Delhi. Khi đã kết nối được vào mạng rồi thì mọi việc đơn giản hơn rất nhiều. Với internet tôi có thể làm được hầu như mọi thứ. Và trong những ngày đó, tôi đã kịp gặp thêm vài kẻ gian manh đồng thời cũng biết được nhiều người tử tế đã giúp đỡ tôi chuyện này chuyện nọ. Dù là quả chanh hay nước chanh, tôi đều sẵn lòng tận hưởng nó một cách vui vẻ, ở Delhi.
- Xem thêm: Lumbini. Thầy ơi con đã về