Hồi còn nhỏ, mỗi lần phải điền đơn từ phần kê khai lý lịch, tôi luôn được hướng dẫn ghi “nghề nghiệp cha: công nhân viên, nghề nghiệp mẹ: nội trợ, tôn giáo: không”, như một lựa chọn an toàn và chuẩn mực thời bấy giờ. Nay mỗi khi phải điền đơn, tôi luôn viết chữ PHẬT với hết mực chân thành vào mục tôn giáo.
Mẹ tôi là một phật tử nghiêm chỉnh. Mỗi ngày đều đặn sáng chiều hai bữa bà luôn tụng đủ hai thời kinh, mỗi thời hơn một tiếng đồng hồ. Ngoài giờ tụng kinh, mẹ tôi nghe pháp, đi chùa, đi thiện nguyện. Là một phật tử điển hình, bà luôn cầu mong cho chúng sinh được yên ấm, gia đạo an vui, sau này khi chết đi được vãng sanh về tây phương cực lạc. Tôi cũng là một phật tử, nhưng theo kiểu khác. Tôi không thích đi chùa, không đọc kinh sách, không mong về tây phương cực lạc. Là một con người có đến chín mươi lăm phần trăm sống theo lý trí và chỉ chừa năm phần trăm cho một góc nhỏ tâm linh, tôi chọn theo đạo Phật vì thấy giữa các tôn giáo phổ biến ngày nay đây là đạo vô thần hiếm hoi, dù thực ra cách người ta hành đạo bây giờ cũng không hẳn là như vậy nữa.
Sử gia Will Durant trong những cuốn sách nghiên cứu về văn hóa phương đông có viết, sinh thời đức Thích Ca Mâu Ni chủ trương hạn chế tối đa chủ nghĩa hình thức để tập trung vào cái cốt lõi của đạo. Ngài chủ trương vô thần, lấy nỗ lực tự thân bên trong làm cơ sở cho việc tu tập, không dựa hơi vào sự giúp đỡ của các thể loại thần thánh bên ngoài. Năm 80 tuổi ngài mất đi vì bệnh già, lập tức ngay sau đó, các fan ái mộ cuồng nhiệt của ngài liền “thánh hóa” ngài ngay. Và rồi vì quyền lợi chính trị và kinh tế to lớn, trong mấy thế kỷ sau đó, giai cấp thống trị (gồm cả giai cấp tăng lữ) đã thêu dệt lời dạy hoàn toàn bằng phương pháp truyền khẩu của ngài thành những bộ kinh sách đồ sộ làm nền tảng cho một tôn giáo khổng lồ, con đường mà sau này nhiều tôn giáo phổ biến khác cũng đi theo đúng một bài.
Tôi nhiều lần mang điều này ra chia sẻ với mẹ tôi, nhưng có vẻ chẳng ảnh hưởng gì mấy đến đức tin của bà. Và khi tôi có ý hơn thua muốn tranh luận thêm bước nữa, mẹ tôi có vẻ buồn vì chúng tôi không cùng quan điểm nên tôi lại thôi. Dù gì thì giữa muôn vàn những điều bất định trong cuộc sống này, chỉ một điều duy nhất tôi có thể đoan chắc đó là tình yêu thương vô điều kiện của mẹ dành cho tôi. Thế nên chuyến đi tới Lumbini, nói ra thì có vẻ không bình thường, thật tình tôi đi cho bà là chủ yếu. Tôi biết mẹ tôi sẽ rất vui khi thấy đứa con trai cứng đầu của bà biết tìm về nơi cửa Phật, quỳ lạy trước những thánh tích thiêng liêng được kể trong kinh sách.
Ai theo đạo Phật cũng đều biết, Lumbini là nơi đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni được sinh ra. Dù người đời có nhuộm cho khu vườn này một câu chuyện đầy tính huyền thoại, thì các di chỉ khảo cổ cùng với những bằng chứng khoa học (chủ yếu dựa vào phương pháp carbon phóng xạ và các văn tự khắc trên bia đá thời vua A Dục vốn bị vùi lấp trong đất đá và bụi mờ lịch sử) đã xác định rõ đây chính là nơi đức Phật đản sanh.
Từ Pokhara tôi chỉ cần bắt một chuyến bay nội địa ngắn là đến được Lumbini. Từ sân bay về vườn Lâm Tì Ni, tôi đi qua những khu làng nghèo xác xơ, đất đai cây cối bạc màu cằn cỗi, phân bò vương vãi trên mặt đường. Tôi ghé vào một cái quán tương đối sạch sẽ ở Bhairahawa để ăn trưa. Quán vắng, tôi vừa ăn vừa bắt chuyện với người khách ngồi cùng bàn và mẹ con bà chủ quán. Chủ đề dĩ nhiên là về vị Tôn Sư tôi đang đến thăm nơi ngài sinh ra. Tôi thật tò mò muốn biết người dân nơi đây, những người đồng hương với ngài, thường sẽ nghĩ gì về ngài. Người khách ngồi chung bàn tu một chai bia, đoạn tự giới thiệu bằng thứ tiếng Anh không mấy mạch lạc làm tôi phải cố gắng nghe mới hiểu.
“Tôi làm việc ở Dubai, là kỹ sư xây dựng. Tôi đang có kỳ nghỉ phép tranh thủ về quê lo chút việc. Phật Thích Ca ư? Dĩ nhiên tôi biết chứ, vùng lân cận này là quê hương của ông ấy mà. Nhưng dân ở đây vẫn hay coi cha của Thích Ca là người ngoại lai, người từ nơi khác đến, và họ không thích điều đó lắm. Cậu biết đấy, vùng đất mênh mông này ngày xưa có vô số tiểu quốc, và bộ tộc Thích Ca của ông ấy cũng chỉ là một trong số rất nhiều bộ tộc mà thôi”.
Còn cậu thanh niên trẻ măng con chủ quán, cằm lún phún râu tơ tay thoăn thoắt chế biến món bánh bột momo, thì nói:
“Tôi đang là sinh viên năm hai ngành sư phạm. Nhưng tôi mới nghỉ rồi, học hành chẳng làm tôi hứng thú nổi. Tôi ra phụ mẹ trông coi quán. Sắp tới bà ấy muốn để nó lại cho tôi quản lý. Mẹ tôi không nói được tiếng Anh. Bà thuộc mẫu người lao động phổ thông điển hình, đầu tắt mặt tối không ưa bàn luận mấy chuyện cao siêu như triết học, tôn giáo, thế nên anh cũng đừng cố mà hỏi bà ấy. Còn tôi ư? Thú thật tôi cũng không biết gì nhiều về Phật Thích Ca. Ở đây đa phần mọi người vẫn theo đạo Hindu, là đạo truyền thống có từ lâu trước khi ông ấy ra đời. Nhưng người ta cũng thường công nhận rằng hình ảnh của Phật luôn gắn liền với sự yên bình, thanh thản”.
“À, có điều thú vị này cậu cũng nên biết”, vị thực khách bổ sung. “Đức Phật, vị chúa tể trong tôn giáo của cậu ấy, thực ra chỉ là hóa thân thứ chín trong mười kiếp của thần Vishnu, một trong ba vị thần tối cao của đạo Hindu chúng tôi. Có thể phía các cậu không biết điều đó, nhưng với chúng tôi thì là như vậy”.
Tôi lắng nghe lời chia sẻ của người bản xứ kia. Cái đầu ưa logic của tôi lại chỉ nhìn thấy những chiến lược hòa hợp và dung nạp văn hóa mang tính chính trị giữa các tôn giáo lớn vốn luôn cạnh tranh giành giật quyền ảnh hưởng của nhau thời bấy giờ. Dùng xong bữa, tôi trò chuyện bâng quơ với họ thêm một chút rồi tạm biệt để bắt xe tiếp tục lên đường. Nơi đến càng lúc càng gần. Tự dưng tôi thấy băn khoăn. Tôi trách mình sao quá chấp ngã, quá tỉnh táo, sao không thả lỏng bản thân để có chút cảm xúc tâm linh rung động của một Phật tử khi tìm về nơi thánh tích. Những trường năng lượng thần bí mà người ta hay kể sau khi đi mỗi chuyến hành hương về tôi không mảy may cảm nhận được chút gì.
***
Xe thả tôi xuống bên vệ đường, chỗ một cái cổng đang tu sửa dở dang. “Tới nơi rồi. Từ đây anh cứ đi bộ thẳng vào, vẫn còn một quãng xa nữa đó!”, người lái chiếc tuk tuk bảo tôi rồi phóng đi mất. Tôi ngó mấy chú thợ xây đang vắt vẻo trên giàn giáo hì hụi trát trát tô tô, vẫy tay chào họ một cái rồi tiến vào bên trong. Tôi hơi lấy làm lạ vì xung quanh khá luộm thuộm ngổn ngang, không giống thánh địa nổi tiếng của một tôn giáo thuộc loại đông đảo nhất trên thế giới. Rồi đi thêm một quãng nữa, băng qua con đường đất vắng vẻ rụng đầy lá khô tôi mới chính thức bước vào khu phức hợp Lumbini giữa một buổi trưa đầy nắng.
Lumbini rộng mênh mông gồm nhiều phân khu cách xa nhau, ai chân yếu đôi khi phải nhờ đến xe tuk tuk mới đi lại nổi. Mặc cái nắng gắt, tôi vẫn thong thả tản bộ khắp nơi. Có một phân khu được dành ra cho các quốc gia trên thế giới cúng dường những ngôi chùa theo kiến trúc và văn hóa ưa thích của họ. Ở nơi đó là những con đường lầy bụi, gạch đá ngổn ngang, ống cống vương vãi như một đại công trường được quy hoạch bởi những nhà chức trách cẩu thả vô lương. Dù khu chùa của mỗi quốc gia đều có khuôn viên riêng biệt sạch sẽ, tôi vẫn thầm tiếc cho một ý tưởng quá hay nhưng lại được triển khai một cách quá tệ hại. Tôi đi thăm Linh Sơn Tự của Việt Nam và mấy ngôi chùa đẹp đẽ khác của Campuchia, Thái Lan, của Hàn Quốc, Singapore, của Đức, lòng cảm thấy buồn và thất vọng vô hạn. Tôi hoang mang không hiểu vì sao những quốc gia Phật giáo rất hiện đại, phát triển, là bậc thầy về sự chỉn chu và khả năng quy hoạch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore lại cam tâm để vùng thánh địa này bừa bãi như một đống hổ lốn. Tôi tin rằng nếu thực sự muốn can thiệp họ sẽ có cách. Nhưng dường như họ chỉ muốn thờ đức Phật ở những đền đài chùa chiền nguy nga nơi nước họ, hoặc thậm chí chỉ trong phạm vi khoảnh đất họ được phân cho ở khu Lumbini này mà thôi, mặc sự thể chung có bừa phứa ra sao.
Rồi tôi đi về phân khu chính. Ở đây có con kênh rộng nước xanh biếc, có hàng cây to trồng ở hai bên, lối đi lót gạch đỏ sạch sẽ và những cây cầu xinh đẹp bắc ngang qua. Con kênh dài tít tắp, có thể đi bộ hoặc thuê xuồng chèo xuôi theo dòng để về khu điện chính. Dọc hai bên kênh là những kiến trúc vòm to lớn, dường như là nơi để phật tử trên thế giới về hành hương và nghỉ ngơi trong những dịp lễ trọng của đạo. Đến cổng đền Mayadevi, tôi mua vé và gửi lại giày để vào bên trong, sân gạch hấp nắng trưa nóng giãy gan bàn chân trần.
Đền Mayadevi lấy theo tên thân mẫu đức Phật, hoàng hậu xứ Ca Tỳ La Vệ, là một tòa kiến trúc lớn sơn màu trắng trang nhã. Phía bên trong không có thờ phượng gì, chỉ là một ngôi đền rỗng với những lối đi lót sàn gỗ có tay vịn. Khách sẽ đi theo một vòng cố định tham quan những mảng tường gạch vụn ngàn năm tuổi và chiêm bái tảng đá lớn nằm ở tâm đền, đánh dấu vị trí nơi đức Phật sinh ra. Trong kinh sách có ghi lại câu chuyện đầy màu sắc huyền thoại về cuộc sinh nở này, nhưng tôi không quan tâm lắm. Với tôi, đây chỉ đơn giản là nơi tôi trở về để bày tỏ niềm tôn kính sâu sắc đến Đức Thầy, người đã cho tôi thế giới quan và lẽ sống. Tôi đi vào cùng một đoàn người, ai cũng nín thở bước những bước khẽ trong không gian thiêng liêng này. Lúc tiến tới gần tảng đá trung tâm, chỉ trong vài giây ngắn ngủi được phép dừng lại, tôi choáng váng khi thấy ở đó vương vãi đầy tiền xu tiền giấy. Cũng không hiểu vì sao lại có cái ý tưởng cúng dường một cách báng bổ ngay tại vị trí thiêng liêng nhất này. Cõi lòng đang bình yên của tôi bỗng trào lên một cơn giận dữ. Tôi biết mình vẫn còn sân si lắm.
Tôi bước ra khỏi ngôi đền, đi băng qua hồ Mayadevi xưa vốn là cái ao nơi hoàng hậu Maya tắm táp sau khi sinh nở. Gần cạnh hồ có một gốc bồ đề lớn, xung quanh là một tăng đoàn gồm các vị sư già trẻ vận cà sa ngồi kiết già trong tĩnh lặng. Tôi nhẹ nhàng tới gần nhóm nhà sư tìm một chỗ ngồi. Khi đã yên vị, chân bắt hoa sen tay chắp trước ngực, tôi nhắm hờ mắt và hít một hơi thật sâu, lòng thoáng chốc bỗng bình yên trở lại. Cây bồ đề khẽ rơi vài chiếc lá xuống chỗ tôi ngồi.
Tôi cố hành một thời thiền để tập trung ý niệm về hình ảnh của Thầy, về lời Thầy dạy với niềm kính trọng và nỗi biết ơn sâu sắc. Tôi cố cảm nhận bầu không khí thiêng liêng xung quanh, nhưng cái tôi lý trí vẫn ương bướng bảo rằng chẳng có trường năng lượng kỳ bí nào đâu. Đức Thầy cũng chỉ là một con người bình thường, cũng sinh trưởng, lập gia đình, thành đạo và chết đi vì tuổi già. Di sản Thầy để lại là một hệ tư tưởng tiến bộ cho thế giới chứ không phải vầng hào quang sáng chói linh thiêng nào hết.
Vậy mà một luồng suy nghĩ khác lại giằng xé trong tôi. Tôi cố gắng học đức khiêm tốn, học cách diệt ngã mà sao cùng lúc lại quá chấp ngã. Tôi luôn có xu hướng tự dựa vào bản thân, không mong cầu sự trợ lực nào từ cái thế giới cao hơn thế giới tôi đang biết, dù đôi lúc vẫn mơ hồ cảm nhận được có cái gì đó lớn lao nằm ngoài vùng tôi có thể tri ngộ. Tôi hiểu sự may mắn của những người có được niềm tin tâm linh, nhưng đồng thời cũng cay đắng nhận ra tôi không thể tự xây cho chính mình niềm tin đó. Tôi đã để nỗi chán ghét những thể chế tôn giáo mang tính cấu trúc vụ lợi và những hệ thống giáo lý diễn giải lắt léo quanh co ngăn việc mở lòng mình ra, mở lòng để đón nhận một thứ gì đó cao hơn sâu hơn chính bản thân. Tôi biết bên trong tôi là một khối mâu thuẫn giằng co to lớn.
Nhưng ngay lúc này, tôi đang ngồi dưới gốc bồ đề, dưới bóng mát từ bi lan tỏa của Thầy. Tôi cố gạt bỏ những tạp niệm rối rắm kia, gạt bỏ sự giằng xé của những lý lẽ suy tư nội tâm, để lại được nương náu dưới hình ảnh chân phương giản dị nhất của Thầy. Và tự dưng nước mắt tôi lăn dài trên má.
Thầy ơi, con đã về!