Mỗi năm đều có ít nhất 30% dân số trưởng thành rơi vào các triệu chứng mất ngủ bao gồm khó ngủ, ngủ gật, rối loạn giấc ngủ, buộc phải sử dụng thuốc ngủ.
Hiện tại, so với thập kỷ trước, chẩn đoán rối loạn giấc ngủ tăng 266%, số lượng thuốc ngủ được kê toa tăng 293%. Trên khắp thế giới, mất ngủ đang gây các nguy cơ tim mạch, béo phì, trầm cảm, thậm chí dẫn đến tự sát.
Thay vì cố gắng khống chế, ép bản thân phải ngủ để bảo đảm sức khỏe, chúng ta có lẽ nên tìm lại giấc ngủ tự nhiên từ thuở sơ khai, khi nhân loại còn tin ngủ là một bí ẩn siêu nhiên huyền hoặc. Trên tất cả, mọi thuốc men chữa trị mất ngủ chỉ là giải pháp tạm thời.
1. Rơi khỏi thần thoại
Trong bức tranh Night and Sleep (1878) của họa sĩ Evelyn De Morgan của Anh, nữ thần đêm Nyx nhẹ nhàng bay cùng hoàng tử giấc ngủ Hypnos, con trai bà.
Với nhận thức của người cổ đại, ngủ không phải hoạt động sinh lý mà là cái gì đó rất siêu việt, có nhân cách, thậm chí cực kỳ lãng mạn. Nữ thần Nyx xinh đẹp, quyến rũ nhưng cũng rất đáng sợ.
Bà là nữ thần duy nhất khiến Zeus, đấng tối cao trong các vị thần, phải kiêng dè. Với tình yêu bao là và sự dữ dằn khủng khiếp, Nyx bao bọc, bảo vệ con trai khó ở Hypnos. Là miên thần, Hypnos nhiều lúc cũng dịu dàng, đáng yêu.
Chàng điển hình bởi vẻ đẹp ma mị, mơ màng. Nếu xuất hiện tại phòng khám bệnh mất ngủ ngày nay, có lẽ Hypnos sẽ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn giấc ngủ kinh niên!
Người mẹ mang đến bóng đêm và người con rải những đóa anh túc đỏ thẫm ru dân gian vào giấc ngủ bây giờ không còn nữa.
Đã hơn một thế kỷ kể từ khi điện thắp sáng màn đêm, giết dần giết mòn Nyx bằng ô nhiễm ánh sáng. Giấc ngủ không còn là siêu việt và lãng mạn, chỉ trần trụi như một hoạt động sinh học bình thường.
Từ thần thoại, ngủ bước xuống thực tế, thành một phần của y học. Từ lãng mạn, ngủ rơi vào thị trường bán buôn. Dù hàng thập kỷ nghiên cứu giấc ngủ đi qua, lượng bác sĩ chữa trị lẫn phòng khám mất ngủ vẫn đua nhau mọc.
Cả phương tiện truyền thông lẫn giáo dục sức khỏe cộng động quay cuồng vì bệnh mất ngủ. Tác động tiêu cực từ mất ngủ mãn tính không còn là chuyện lạ trong cuộc sống đời thường.
Chúng ta đều biết nó tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, kích hoạt chứng viêm mãn tính, gây nguy cơ tim mạch, thoái hóa thần kinh, tiểu đường, ung thư, trầm cảm, tự sát.
- Xem thêm: 7 điều nên làm khi bị khó ngủ
Cuộc cách mạng công nghiệp thay đổi hoàn toàn nhận thức của nhân loại về giấc ngủ. Máy móc thay thế thần tiên. Năng lượng trở thành vàng.
Khắp nơi trên thế giới, máy móc và người lao động song hành phát triển với mỏ năng lượng và quán cà phê.
Ngày nay, dầu và cà phê là hai mặt hàng thông dụng nhất trên thế giới. Chúng ta phụ thuộc vào cả năng lượng lẫn thực phẩm, thức uống chứa chất kích thích, thông tin, giải trí cũng như điện thắp sáng đêm.
Không thể phủ nhận sự tương đồng giữa nóng lên toàn cầu và chứng viêm mãn tính. Trong khi cả con người lẫn trái đất đều phải được hạ nhiệt để ngủ khi đêm về, viêm mãn tính khiến nhiệt độ cơ thể chúng ta tăng lên (chạm nhiệt độ sốt), làm não bị ảnh hưởng, gây mất ngủ.
Có thể nói công nghiệp hóa đang xâm lấn ban đêm và giấc ngủ. Bầu trời cổ đại tràn ngập các tinh tú và những vị thần. Bầu trời của chúng ta ngày nay chen chúc máy bay, vệ tinh. Nyx sẽ vẫn tiếp tục lưu vong. Thiếu bàn tay vỗ về của mẹ, Hypnos sao có thể ngủ ngon lành.
2. Khủng hoảng mất ngủ
Giữa thời đại công nghiệp hóa, giấc ngủ bị đánh bại như thể là kẻ thù của nền văn minh. Mọi “tội nợ” có lẽ đều bắt nguồn từ Thomas Edison, người phát minh ra điện.
Vì sự xuất hiện của ánh sáng nhân tạo, bóng đêm bị đẩy bật. Thay vì êm ái chìm sâu vào màn đêm, giấc ngủ bị hút ra khỏi cái nôi tự nhiên, ép phục vụ đời sống công nghiệp.
Qua thời đại bùng nổ công nghiệp hóa, khi cơm áo gạo tiền không còn quá khắt khe với con người, chúng ta quay lại ôm giấc ngủ như ôm thú cưng, giữ rịt trong lồng, hết lòng nựng nịu. Tiếc cho nhân loại, thứ đã đánh mất thường rất khó tìm về.
Những thập niên gần đây, y học nỗ lực bắt cóc Hypnos, giam giữ trong các phòng thí nghiệm, bệnh xá, nhà thuốc. Dù có thể ép Hypnos bằng thuốc ngủ, chúng ta biết điều này không nên làm. Cũng là một quá trình sinh học song, giấc ngủ vẫn còn là bí ẩn nằm ngoài hiểu biết.
Câu hỏi thường gặp nhất về giấc ngủ ngày nay là “Tôi nên ngủ bao lâu”. Giống như thắc mắc “Tôi nên nạp bao nhiêu calo”, bạn sẽ nhận câu trả lời “Còn tùy thuộc vào…”. Một con số chính xác là hữu ích nhưng, đó không phải thước đo tiêu chuẩn cho một giấc ngủ thật sự.
Nhờ kiến thức y khoa, chúng ta biết có thể quản lý giấc ngủ bằng việc tập thể dục, giảm căng thẳng và chế độ ăn uống. Báo chí, blog, Internet nhan nhản vô số mẹo, cách thức, phương pháp chữa mất ngủ cũng như quảng cáo về thuốc ngủ.
Tuy nhiên, thuốc chỉ là giải pháp tạm thời. Nó không chỉ dần mất đi hiệu quả mà còn gây nguy hiểm. Trong thực tế, thuốc ngủ không chữa được bệnh mất ngủ. Nó chỉ áp chế, ép người bệnh phải ngủ. Càng dùng, bạn càng phụ thuộc vào thuốc, dần dà quên mất làm thế nào để ngủ một cách tự nhiên.
- Xem thêm: Những bí mật của giấc ngủ
Thêm vào đó, thuốc ngủ cũng gây nghiện, khiến bệnh tình trở nặng và dẫn đến tử vong. Trong nhận thức của người cổ đại, Hypnos rất thích hoa anh túc. Chàng luôn ôm chặt chúng trong tay, nhờ chúng ru vào giấc ngủ. Sai lầm lớn nhất của y tế là học theo điều này từ Hypnos. Về lâu về dài, chữa mất ngủ bằng thuốc ngủ vẫn là thứ tuyệt đối nên tránh.
3. Quan trọng như thức
Có thể bạn sẽ lúng túng khi được hỏi “Ngủ là gì”, nhưng nếu thắc mắc là “Ngủ có tác dụng gì”, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể kể vanh vách các lợi ích.
Khác với thường thức về giấc ngủ cho rằng ngủ là nghỉ ngơi hoàn toàn, ngủ không hẳn là “ngủ”. Trong khi bạn ngủ, cơ thể, bộ não vẫn hoạt động.
Từ trước đến giờ, chúng ta vẫn tin thức mới là quan trọng, ngủ chỉ là thứ yếu. Thực ra, ngủ và thức quan trọng tương đương nhau.
Nhận thức sai lầm về tầm quan trong của giấc ngủ dẫn đến hệ quả không thể tránh khỏi: sự nhạy cảm quá độ (hyperarousal).
Nó đặc trưng bởi nhịp tim tăng nhanh, cơ thể và não quá nóng, gây mất ngủ vào ban đêm và mệt mỏi, ngủ gật vào ban ngày.
Trong khi caffeine (tinh chất có trong cà phê) kích thích sự tỉnh táo, các đồ uống có cồn, cần sa và thuốc an thần khiến ngủ mê man.
Với công nghệ tiên tiến, nhân loại không ngừng bay cao, thách thức trọng lực, sải cánh trên các tầng mây cùng những vị thần, tự hào thoát khỏi sự khống chế của thiên nhiên, mơ mộng điều khiển cả vũ trụ.
- Xem thêm: Những tư thế nằm để có giấc ngủ ngon
Chúng ta quên mất lên cao thì dễ, bước xuống mới khó. Trong khi chế độ ăn uống, thuốc men có thể giúp điều khiển giấc ngủ, nó cũng mang lại hậu quả không nhỏ. Thật hiển nhiên khi sự nhạy cảm quá độ dẫn đến các triệu chứng trầm cảm.
Ngay cả các vị thần toàn năng, có thể bay lượn qua chín tầng mây còn trở về đỉnh núi, mặt đất để nghỉ ngơi. Dù mỗi đêm đều bay quanh địa cầu, Nyx vẫn không quên trở về lòng đất khi ngày lên để chìm vào giấc ngủ.
4. Gọi về giấc ngủ tự nhiên
Những hiểu biết y học khô khan đang tàn phá sự huyền hoặc, thơ mộng về giấc ngủ. Thay vì nương theo những thường thức ấy, chúng ta nên đánh thức thần thoại, khôi phục kinh nghiệm tự nhiên về ngủ.
Nhà thơ vĩ đại nhất mọi thời đại Rumi từng nói “Ai cũng trôi vào đêm, vào hư không yêu thương”. Từ các văn bản tôn giáo Hindu, Phật giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo đến thơ ca dân gian, thi ca đương đại, giấc ngủ đều được xem như suối nguồn mơ mộng.
Thần thoại cho rằng ngủ là chìm sâu vào vô thức. Để ngủ, bạn phải thả mình vào vũng hư vô. Từ quan điểm của họ, có thể thấy ngủ là trạng thái thanh thản sâu nhất. Yoga hiện đang là phương pháp tập luyện được khuyến khích để thư giãn và rơi vào giấc ngủ sâu dễ dàng.
Ép buộc bản thân phải ngủ là chuyện khá vất vả. Bạn càng cưỡng ép, đầu óc càng tỉnh táo, mắt căng cứng, cơ thể không thể hạ nhiệt nên càng không thể ngủ.
Để ngủ theo cách của cổ nhân, hãy tranh thủ lực hấp dẫn của trái đất, chăn đắp có trọng lượng kha khá. Khác với nhận thức cho rằng chăn chiếu càng êm dịu, mềm nhẹ càng dễ ru giấc ngủ, chăn có trọng lượng giúp ích nhiều hơn, còn giúp chống bệnh béo phì. Cơ thể cũng nên được “tiếp đất” càng gần càng tốt.
Trôi vào giấc ngủ cũng giống như rơi vào cái bẫy hay tai nạn nào đó. Bạn không hề chuẩn bị mà vô thức dính vào.
- Xem thêm: Ngủ ngon với 60 giây thở thư giãn 4-7-8
Đừng ngủ như một biện pháp khoa học, hãy ngủ như một nghệ thuật. Hypnos là chàng trai gắt gỏng, trẻ con. Thay vì ra lệnh “đi ngủ ngay”, bạn phải dỗ dành “đi ngủ nào”. Bạn cũng không thể thương thảo hay biếu xén Hypnos để vị hoàng tử đỏng đảnh này đồng ý đổi cho bạn giấc ngủ.
Bạn chỉ có thể làm hài lòng Hypnos bằng sự yêu thương. Mối gắn kết giữa chúng ta và giấc ngủ không bắt đầu từ sự tuyệt vọng vì mất ngủ kinh niên. Nó bắt đầu từ cuộc gặp gỡ lãng mạn hàng đêm với miên thần Hypnos.
Đừng tiếp cận giấc ngủ một cách thận trọng, hãy mở cửa đón nhận nó như một món quà tạo hóa nhân ái trao tặng mỗi ngày.