Chứng xì hơi tiết lộ những gì về sức khỏe của chúng ta?
Mỗi lần cảm thấy mình sắp bị xì hơi, bạn liền cáo từ hoặc đi tránh xa mọi người thật nhanh. Nếu bạn có xì hơi tới 20 lần mỗi ngày, đó là chuyện hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, khi bạn thấy số lần lên cao hơn thế nữa thì lại là vấn đề khác.
Nếu có một áp lực muốn “xì hơi” không thoải mái chút nào đang dâng lên, làm cho bạn ngượng chín người, phải giải quyết thế nào?
Thuốc viên chống xì hơi
Bạn có thể uống thuốc Gas-X hay một thứ thuốc có tác dụng tương tự có chứa hoạt chất simethicone có tác dụng phá vỡ những túi khí hình thành trong đường ruột của bạn, giúp thoát khỏi tình huống đánh trung tiện gây bối rối, theo giải thích của bác sĩ Mariam Fayek thuộc Trung tâm Sức khỏe dạ dày – đường ruột phụ nữ ở Rhode Island.
Nhấp ngụm trà bạc hà
Bạc hà làm thư giãn các cơ bắp dạ dày, giúp cho khí thông thoát nhanh hơn. Uống một chén trà bạc hà cách 2 giờ một lần hoặc uống viên tinh chất lá bạc hà, loại 300mg – 500 g, 3 lần mỗi ngày, cho tới khi triệu chứng trung tiện lắng xuống.
Động tác kéo giãn
Động tác yoga nhẹ nhàng này đã có từ nhiều thế kỷ sẽ giúp cho hơi gaz đi qua đường ruột nhanh hơn: bạn nằm ngửa, từ từ mang một bên đầu gối về phía ngực và ôm lấy nó thật sát, trong 5 giây. Sau đó từ từ thả lỏng và lập lại với đầu gối bên kia.
Các nguyên nhân gây xì hơi
1. Những thực phẩm gây đầy hơi
Điều này thay đổi tùy theo mỗi người, nhưng có một số thực phẩm phổ biến là thủ phạm của chứng “xì hơi”:
- Kẹo cao su và kẹo không có đường. Về thực chất, chúng được bào chế với chất cồn có đường gây dị ứng đường ruột.
- Bất cứ thứ gì có chứa loại xi-rô bắp với lượng đường fructose cao, bao gồm soda và một số loại yaourt. Loại đường này khó tiêu.
- Những món ăn chiên xào. Chất béo vào trong dạ dày, nơi có thể làm phát sinh khí gaz và làm đầy hơi.
- Ăn bông cải xanh hoặc ăn nhiều đậu, bắp cải, súp lơ, cải Brussels hoặc cám, tất cả những thực phẩm này đều tốt vì chúng chứa nhiều chất xơ, giúp cho hệ tiêu hóa của bạn hoạt động, điều chỉnh lượng đường trong máu và lượng cholesterol, đồng thời giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể của bạn.
Mặt khác, chúng cũng có chút ít tác dụng gây ngượng ngùng: đó là bạn dễ bị “xì hơi” sau khi ăn. Vấn đề là do dạ dày và ruột non của bạn không thể hấp thu một số trong các carbohydrate như đường, tinh bột và chất xơ trong những thực phẩm chúng ta ăn.
Những thực phẩm sản xuất nhiều khí gaz như bông cải xanh và đậu, có hàm lượng carbohydrate cao tên là raffinose.
Bác sĩ Rebekah Gross, chuyên khoa tiêu hóa thuộc Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ Joan H. Tisch ở NYU Langone, giải thích: “Khi loại đường khó tiêu như raffinose đi tới đại tràng, vi khuẩn sống trong đường tiêu hóa của chúng ta ăn chúng và sản xuất ra khí gaz như một sản phẩm phụ”. Khi thải được khí gaz dư, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
2. Bạn ăn quá nhanh
Bất kể bạn ăn một tô bông cải xanh hay trái việt quất, cách ăn mới là vấn đề. Do ăn nhanh, bạn đã nuốt cả không khí trong lúc ăn uống và đó là nguyên nhân gây nên khí gaz. Ợ hơi sẽ giúp đẩy bớt không khí ra khỏi bụng, nhưng cũng không tránh khỏi sự cố xì hơi. Hãy nhai mỗi miếng ăn ít nhất 10 lần và hãy đặt đôi đũa của bạn xuống sau mỗi lần ăn.
3. Vi khuẩn đường ruột của bạn không cân bằng
Hãy hình dung đường tiêu hóa của bạn như một ống cơ bắp dài, thức ăn nằm ở phía trên và bắp thịt co bóp nó chuyển xuống phía dưới. “Bình thường, ruột non co bóp đẩy thức ăn vào đại tràng”, bác sĩ Gross nói.
Nhưng đôi khi các thứ thuốc men, sự cố nhiễm trùng hoặc một số loại bệnh nào đó (như tiểu đường hoặc bệnh thần kinh) hoặc biến chứng từ phẫu thuật có thể gây trở ngại cho nhịp độ tiêu hóa. Cho phép các vi khuẩn trong ruột non phát triển thái quá sẽ sản xuất ra khí gaz dư.
4. Bạn bị hội chứng IBS
IBS là viết tắt của Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome), một căn bệnh mãn tính ảnh hưởng đến ruột già. Tình trạng co bóp cơ bắp phối hợp dẫn thức ăn di chuyển từ dạ dày đến trực tràng có thể mạnh hơn hoặc lâu hơn, với IBS gây ra khí gaz, đầy hơi và tiêu chảy.
Hoặc chúng trở nên yếu hơn bình thường, làm chậm mọi thứ dẫn đến táo bón. Các dây thần kinh trong đường ruột của bạn cũng có thể trở nên cực kỳ nhạy cảm đối với tính co giãn và sự căng phồng đến độ gây ra khí gaz dư trong dường ruột; vì vậy, khiến bạn cảm thấy đau hơn hoặc khó chịu hơn. Trong nhiều trường hợp, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể đem lại sự xoa dịu.
“Tập thể dục rất quan trọng đối với những người bị IBS vì nó giúp trục xuất khí ga dư”, bác sĩ Gross nói. Sau một số chế độ ăn kiêng sẽ hạn chế việc sản xuất khí cũng giúp ích cho bạn.
5. Uống sữa sẽ gây cho bạn “vấn đề”
Sữa chua, phô mai và tất cả các sản phẩm từ sữa khác. Trách nhiệm thuộc về một loại enzyme nhỏ tên là lactate: nó hình thành trong ruột non và chịu trách nhiệm phân hủy đường lactose, một loại đường có trong máu, tạo thành các dạng đơn giản hơn để cơ thể hấp thu được.
Mức lactase thấp có nghĩa là đường lactose đi vào ruột kết không tiêu được, đó là nơi vi khuẩn phân hủy nó và khí gaz trong bạn bắt đầu được tạo ra. Không dung nạp lactose là sự cố rất phổ biến, theo bác sĩ Gross, và nó thường bắt đầu ở tuổi trưởng thành, khi việc sản xuất lactase giảm mạnh.
6. Bạn nhạy cảm với gluten
Không ai có thể tiêu hóa loại protein này. Theo Tiến sĩ Gross, chúng được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen. Nhưng nếu bạn bị bệnh Celiac (bệnh không dung nạp gluten), ăn gluten thực sự gây ra phản ứng miễn dịch ở ruột non.
Phản ứng có thể gây ra sự cố trong lớp thành của ruột, ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của ruột, và sự tổn hại có thể gây ra khí gaz dư, bệnh tiêu chảy, và thậm chí giảm cân.
“Những người không có Celiac không có những thay đổi tương tự đối với ruột non, nhưng vẫn có thể bị khí gaz và chứng đầy hơi khi phản ứng với gluten mà chúng không thể phân hủy được”, bác sĩ Gross nói.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng chỉ có 20% số người bị bệnh Celiac có thể được chẩn đoán theo ghi nhận của trung tâm y tế phi lợi nhuận Mayo Clinic.
Hãy chú ý đến những dấu hiệu thầm lặng của bệnh Celiac; nếu bạn nghi ngờ mình nhạy cảm với gluten hay bị bệnh Celiac, hãy đến gặp bác sĩ.
7. Bạn dị ứng với đường nhân tạo
Chắc chắn là bạn muốn hạn chế hấp thu calorie, nhưng đối với một số người, đơn giản các hệ thống của chúng ta không dung nạp được những chất làm ngọt nhân tạo, chẳng hạn như sorbitol, mannitol và xylitol; thêm vào đó, chúng còn chứa chất cồn đường, một tác nhân gây ra khí ga dư và sự cố đầy hơi.
8. Khi nào khí xì hơi có mùi trứng thối?
Có lẽ là vì bạn đã ăn một món gì đó chứa lưu huỳnh bên trong. Đa số khí gaz chúng ta thải ra là hỗn hợp các khí carbon dioxide, oxygen, nitrogen, hydrogen và đôi khi là khí methane, tất cả vốn đều không có mùi.
Nhưng khi vi khuẩn phân hủy đậu, bắp cải, thịt và các loại thực phẩm có hàm lượng lưu huỳnh cao khác, nó tạo ra một lượng nhỏ các hợp chất lưu huỳnh, từ đó dẫn đến mùi trứng thối.