Sau khi tác phẩm Dạy con trong “hoang mang” II – Tác giả Lê Nguyên Phương được xuất bản lần đầu tiên vào cuối năm 2017, 10.000 bản đã đến tay bạn đọc trong gần 3 năm qua.
Bộ sách Dạy con trong “hoang mang” (2 tập) đã đạt giải thưởng Sách hay năm 2018 được trao bởi Viện Giáo dục IRED. Tháng 7/2020, Anbooks đã tiến hành tái bản lần thứ nhất cuốn Dạy con trong “hoang mang” II thuộc bộ sách này với 3.000 bản nhằm tiếp tục lan toả thông điệp “chuyển hoá chính mình để giáo dục trẻ thơ”.
Tác phẩm Dạy con trong “hoang mang” II với 29 bài viết theo 6 chủ đề chính: quan hệ bạn bè của các con, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, nhận diện và điều hoà cảm xúc, ảnh hưởng của một số tình huống trong gia đình và cách dạy con, sự khác biệt cá tính của con trẻ trong một gia đình, xây dựng nhân cách và các giá trị sống. Sau ba năm kể từ lần đầu xuất bản, Ban Biên tập Anbooks nhận thấy các chủ đề này chưa bao giờ là cũ. Vậy nên Anbooks mong muốn thông qua việc tái bản cuốn sách này nhằm tiếp tục gửi đến các phụ huynh thông điệp: các bố mẹ cần chuyển hoá chính mình, “hoà giải” với quá khứ và những tổn thương của mình để việc giáo dục con cái trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Anbooks rất mong bộ sách này có thể làm tròn nhiệm vụ trao gửi thông điệp trên đến nhiều bậc phụ huynh và độc giả trong cả nước và có thể đồng hành cùng phụ huynh trong quá trình nuôi dạy con trẻ.
Một số trích đoạn trong Dạy con trong “hoang mang” II
“Tới bao giờ cha mẹ mới ngưng tưởng mình là bóng mát mà thật ra là bóng tối che khuất cả bầu trời của con? Tới bao giờ cha mẹ mới biết lùi lại và buông xuống cho con được lớn? Không phải chỉ trong các gia đình tan vỡ mà ngay cả khi còn cả đôi, cha hoặc mẹ nhiều khi vẫn luôn làm con khổ đau với những thói lề khắc nghiệt hay làm con ngộp thở với những chăm sóc vồ vập. Nhiều khi áp lực không đến từ lời nói mà từ ánh mắt buồn bã, cái nhún vai khinh miệt, hay tiếng thở dài chán nản mà đứa con nghẹn ngào không muốn nhớ tới, vì có nỗi khổ sở nào cho con hơn khi làm cho cha mẹ thất vọng buồn phiền.”
(Trích Che khuất bầu trời)
“Những điều kiện gì trong cuộc sống đã hun đúc ý chí và nghị lực cho các em vượt khó? Tại sao một số trẻ trải qua nghịch cảnh, thậm chí có khi còn mang yếu tố di truyền những căn bệnh tâm thần từ cha mẹ, lại có thể vượt qua tất cả để không chỉ có một tâm trí lành mạnh mà còn thành đạt trong cuộc sống. Trong khi đó một số trẻ khác cùng hoàn cảnh hay thậm chí có một số điều kiện ưu đãi từ gia đình và di truyền, lại không vượt qua nổi được những thách thức trong cuộc sống của mình. Chúng ta có muốn để cho con cái sau này một sản nghiệp để rồi chúng ta không chắc chúng sẽ phát triển hay phát tán? Hay chúng ta muốn để lại một di sản tinh thần để chúng làm hành trang vào cuộc sống, dù cuộc sống này với biết bao trái ngang, biết bao khó khăn và thách thức?…
… Theo Giáo sư Ann Masten và Giáo sư Norman Garmezy ở Đại học Minnesota cũng như Giáo sư Emmy Werner ở Đại học UC Davis và Ruth Smith, chuyên gia tâm lý ở Hawaii thì những yếu tố giúp trẻ xây dựng tinh thần vượt khó có ba nhóm chính: (a) Những phẩm chất tự thân của trẻ, (b) Những yếu tố trong gia đình của trẻ, và (c) Những yếu tố trong môi trường xã hội. Làm cha mẹ, chúng ta có thể tạo dựng một mái ấm như thế nào để giúp trẻ có khả năng quý giá này trong cuộc sống?”
(Trích Nuôi con vượt khó)
Chia sẻ của độc giả về bộ sách này:
– “Tôi mua cuốn sách Dạy con trong “hoang mang” giữa lúc hoang mang thực sự khi con gái lớn bước vào giai đoạn chuyển từ mầm non lên tiểu học. Giữa vô vàn những thông tin, những áp lực mà một người mẹ như tôi gặp phải, tôi không biết nên có thái độ như thế nào đối với việc học tập của con. Thấy con không bằng bạn ở mặt này, thấy con đi thi test – kiểm tra không đạt ở mặt kia, thấy các bạn bè cùng trang lứa đã biết đọc biết viết, thấy các mẹ có con lớn hơn thì đưa con đi học thêm hết toán tư duy đến kỹ năng sống, kỹ năng thuyết trình… tôi càng hoang mang hơn. Tôi nên đưa con vào khuôn khổ học tập để bằng bạn bằng bè, để có thành tích tốt (giống cái bệnh thành tích của nền giáo dục nước nhà) hay là để con được vui chơi, học hành làng nhàng không cần ganh đua? Tôi nên mỗi tối kèm cặp con học bài trên lớp, học bài nâng cao, học thêm học nếm, hay để con tự hình thành thói quen tự giác và chỉ cần học đủ bài tập ở trường là được, thời gian còn lại để đi chơi cho vui vẻ? Như vậy là giúp con cân bằng cuộc sống hay là đang để con lãng phí thời gian? “Đến tuổi học phải học. Hết tuổi chơi rồi. Không học thì sau này lấy gì ra mà ăn…” Ôi chao biết bao nhiêu là ý kiến, quan điểm… Tôi cứ lúc nghiêng bên nọ lại ngả phía kia, hoang mang thực sự.
Nhưng tôi đọc quyển sách của TS. Lê Nguyên Phương, tôi như tìm ra con đường và tự tin sẽ bước trên con đường đó. Cách tác giả chia sẻ không phải theo lối chỉ dạy phải thế nọ nên thế kia, mà nhẹ nhàng, sâu sắc, để người đọc tự hiểu, tự cảm nhận vấn đề theo cách riêng của mình, từ đó tự rút ra kết luận mình nên làm gì với con, nên thay đổi như thế nào từ bản thân mình, chuyển hóa bản thân mình để giáo dục con, để đồng hành cùng con trên con đường khôn lớn.
Chúc bạn đọc khác cũng tìm được định hướng cho bản thân mình trong công cuộc làm cha làm mẹ. Tôi thấy làm cha mẹ là một việc rất khó, và là việc cả đời, phải không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân, và cứ được một quãng thì nên ngừng lại để nhìn nhận sửa đổi cho phù hợp. Tương lai của các con chính là công trình xây đắp một đời của chúng ta.”
(Độc giả Trần Minh Phượng)
– “Cuốn sách là những câu chuyện nhẹ nhàng được viết theo các chủ đề rất được bố mẹ quan tâm hiện nay như dạy con theo phương pháp nào, chúng ta đã ngộ nhận tri thức ra sao, bạo hành ảnh hưởng đến con như thế nào, cách nào để khen thưởng, làm thế nào để thành đạt và hạnh phúc …
Cuốn sách sẽ hơi khó đọc với một số bố mẹ vì nội dung được lý giải trên nền tảng kiến thức khoa học qua các nghiên cứu của các ngành tâm lý học giáo dục, tham vấn, và thần kinh.
Tuy nhiên nếu chúng ta mong muốn có thêm nhiều kiến thức để nuôi dạy con tốt hơn thì có lẽ cũng đáng để bố mẹ dành thời gian nghiền ngẫm.
Để tự chuyển hóa được mình thì năng lượng thể chất, năng lượng tinh thần và năng lượng tri thức là điều mà bố mẹ cần phải tập trung phát triển.”
(Độc giả Hoàng Cường)
– “Đọc sách để nhìn ngắm tuổi thơ lớn lên, năm tháng trưởng thành và có một góc nhìn mới, bao dung và rộng mở với người và quan trọng hơn cả với con trẻ ngày nay.”
(Độc giả Hà Hoa)
– “Sách bao đẹp, nội dung hay, rất nên đọc, đặc biệt là trong lúc có quá nhiều hoang mang như cuộc sống hiện tại và vấn đề học hành thi cử. Sau khi đọc xong, lúc rảnh cũng nên đọc đi đọc lại để tự nhắc nhở bản thân, điều chính thái độ trong việc cư xử với con cái.”
(Độc giả Nguyễn Hữu Tri Tâm)
– “Đây là một cuốn sách có giá trị không chỉ trong việc nuôi dạy con mà còn giúp “người lớn” nhìn nhận lại chính bản thân mình. Từ đó, “người lớn” sẽ tự quan sát, tự nhận xét hình ảnh của mình trong mối quan hệ với con cái, với người thân, với tha nhân. Chỉ khi nào người lớn nhận diện được ẩn ức trong lòng mình, chấp nhận, hàn gắn rồi dần – như lời tác giả – “chuyển hoá chính mình”, người lớn sẽ giáo dục được trẻ thơ.
Hành trình cha mẹ nuôi dưỡng giáo dục trẻ thơ chính là hành trình cha mẹ tự giáo dục bản thân mình.”
(Độc giả Vu Huyen)
– Tiến sĩ Lãnh đạo Giáo dục chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại University Southern California (USC).
– Trải qua hơn 15 năm tư vấn học đường cho lứa tuổi mầm non đến đại học.
– Là người đầu tiên nhận giải Chuyên gia Thực hành Tâm lý Học Đường Quốc tế Kiệt Xuất của tổ chức International School Psychology Association (ISPA), 2011.
– Là chuyên gia Fullbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam (Consortium to Advance School Psychology in Vietnam – CASP – V), 2009.
– Tác giả của bộ sách Dạy con trong “hoang mang” – Giải Sách hay 2018, Hạng mục Sách Giáo dục.
– Hiện là chuyên gia Tâm Lý Học Đường của học khu Long Beach và là giảng viên của chương trình cao học bộ môn Tâm Lý Học Đường tại đại học Chapman.