Dạy con trong “hoang mang” do Anbooks phát hành lần đầu tiên được ra mắt vào 23.6.2017, may mắn được bạn đọc Việt Nam đón nhận nhiệt thành. 12.000 bản Dạy con trong “hoang mang” đã được in trong vòng hơn 5 tháng kể từ ngày ra mắt.
Dựa trên những phản hồi của bạn đọc thông qua giải pháp Social Books của Anbooks* và tác giả Lê Nguyên Phương, bao gồm những thắc mắc hỏi rõ thêm và gợi ý về những chủ đề mới, sau khi về Mỹ, TS. Lê Nguyên Phương đã bắt tay vào thực hiện Dạy con trong “hoang mang” 2. Sách bao gồm 29 bài viết dựa trên trục các chủ đề được bố mẹ Việt Nam quan
Sách bao gồm 29 bài viết dựa trên trục các chủ đề được bố mẹ Việt Nam quan tâm, gửi thắc mắc và cần hỗ trợ. Các chủ đề trong Dạy con trong “hoang mang” 2 mở rộng từ gia đình đến nhà trường, từ gia đình đến xã hội. Nếu “Để con nhảy múa” đề cập đến hiện tượng các bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng và khuôn phép lên con mình, khiến con không được tự do sáng tạo và thoải mái như chính con đáng có, đến những câu chuyện lớn về nhân sinh quan của đời người như “Công ơn dưỡng dục”, nói về mối tương quan giữa con người với thế giới, với vạn vật, hay “Muối của đất công chính”, nói về ý thức liêm chính trong xã hội có thể bắt đầu từ khi trẻ còn rất nhỏ…
“Khi viết bộ Dạy con trong “hoang mang”, điều mong muốn duy nhất của tôi là thế hệ con cháu của chúng ta không phải gánh chịu những khổ đau mà chúng ta đã và đang trải qua. Khổ đau đó một phần vì những vô minh của thế hệ đi trước, nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách bỉ”, nó cũng là hậu quả của những vô minh của chúng ta, những di sản mà với tinh thần trách nhiệm, chúng ta phải thừa nhận và cùng bắt tay nhau để giải quyết. Và chúng ta chỉ có thể giải quyết những di sản đó khi thân tâm chúng ta được chuyển hóa để có thể sống mỗi ngày mỗi “sáng suốt, định tĩnh, và trong lành”
Nếu với Dạy con trong “hoang mang”, tác giả đã nỗ lực vượt qua được vai trò của một giảng viên đại học và chuyên gia tâm lý để đồng thời trở thành một nhà khoa học, người kể chuyện, người tư vấn, và người bạn đồng hành cùng độc giả, thì ở Dạy con trong “hoang mang” 2, tác giả đã sử dụng lối hành văn giàu nhạc điệu, giàu tình cảm hơn, ẩn chứa sự quan tâm sâu sắc của tác giả đối với độc giả của mình. Giờ đây, giọng văn và tác giả như đã hòa thành một.
“Nhiều bậc cha mẹ tưởng rằng con cái sẽ nhanh chóng lãng quên khi lớn lên. Vâng, chúng rồi cũng sẽ lớn, có thể rồi cũng quên ít nhiều chi tiết của những cơn ác mộng hằng đêm. Nhưng cuộc đời của chúng là minh chứng cho hậu quả của một môi trường độc hại như thế. Chúng không còn biết một gia đình bình thường là như thế nào, có chăng chỉ là những mảnh vụn hạnh phúc của gia đình người khác kể vắn tắt qua câu chuyện của bạn, thoáng nhanh qua phim ảnh, hay trộm hưởng khi ghé chơi nhà một người quen. Những tấm gương trong gia đình nay trở nên méo mó dị thường như trong nhà kính của một hội chợ [fun mirror house], không có gì vui lạ mà lại què quặt bệnh hoạn. Những đứa con gái lớn lên lại có thể tìm những ông chồng lỗ mãng, ồn ào, tàn bạo như cha mình vì không quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông dịu dàng, ôn tồn và nhỏ nhẹ. Những đứa con trai lớn lên lại có thể đe nẹt, dọa dẫm và hành hung vợ mình, không ưa thích những người đàn bà cứng cỏi, độc lập và mạnh mẽ. Mặc cảm vì là phụ nữ, trẻ gái lớn lên lại chịu đựng chồng bạo hành vì nghĩ mình cũng “ngu dại” như cha mình đã từng mắng nhiếc mẹ mình. Tự kiêu là đàn ông, trẻ nam lớn lên lại chứng tỏ bằng cách trừng mắt, nạt nộ, tát đá như cha mình đã từng đối xử với mẹ mình. Quan hệ thân mật giữa vợ chồng dường như chỉ chứa đựng bạo lực và trấn áp để đạt được những gì mà đáng lẽ ra chỉ cần một yêu cầu dịu dàng thì cũng đã được đáp ứng.”
…
“Những hướng tiếp cận thành công trong điều trị và hỗ trợ tâm lý cho những gia đình bạo hành thường là việc giúp ổn định môi trường cho trẻ và gia đình. Đôi khi cha mẹ không hiểu biết hoặc đong lường được hết những tổn thương do chính họ gây ra trong việc xung đột với nhau. Bản thân cha mẹ cũng cần phải được điều trị chữa lành những chấn thương và nội kết ấy. Chính người cha phải tự hóa giải những bất mãn với công việc, xã hội và đời sống của mình để từ đó làm hòa với vợ con và ngay cả với bản thân. Những ấn tượng bạo hành từ trong gia đình của người cha ở nhiều trường hợp là nguyên nhân trực tiếp nhất cho việc tái diễn bạo hành ở thế hệ kế tiếp. Riêng đối với người mẹ, chính người mẹ phải được chữa lành đồng thời cung cấp những kỹ năng tự vệ cho mình và con cái. Lo cho người mẹ được ổn định tinh thần để họ có thể chăm sóc con cái là việc cần thiết. Cả hai cha mẹ đừng vội vã vì mê tín mà tìm kiếm những nguyên nhân từ kiếp trước. Hãy nhìn vào những trải nghiệm từ nhỏ của mỗi người trong gia đình riêng của mình để xem đâu là nguyên nhân của những cuồng nộ và tàn bạo, những bạc nhược và cam chịu trong hành vi và lời nói của mình.”
Sách được phát hành trên toàn quốc từ ngày 20.01.2018, giá bìa 126.000 đồng. Lịch ra mắt sách:
Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày 06.01.2018, sáng Thứ Bảy, 8.30 – 11.30.
Địa điểm: Cafe Ân Nam, 52 Trương Định, phường 6, quận 3, TPHCM.
Tại Hà Nội: Ngày 7.1.2018, sáng Chủ Nhật, 8.30 – 11.30. Địa điểm: Không gian cafe Trung Nguyên, số 52 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.