Theo chia sẻ của Catherine Alford, chuyên gia tài chính cá nhân người Mỹ, khi là doanh nhân, một trong những điều tuyệt vời là bạn cảm thấy tự hào về công việc của mình. Và sẽ càng tuyệt vời hơn nếu bạn biết truyền niềm tự hào và một số kỹ năng kinh doanh cho con cái. Có nhiều cách để dạy con trở thành doanh nhân và con bạn sẽ học hỏi nhiều điều đơn giản bằng cách nhìn vào công việc của bạn:
Dạy trẻ giá trị của làm việc chăm chỉ
Nếu muốn con mình là một doanh nhân trong tương lai, hãy dạy trẻ cách làm việc chăm chỉ để có thể biến điều này thành hiện thực. Chúng ta có thể dạy trẻ giá trị của làm việc chăm chỉ thông qua phần thưởng, tiền công hay đơn giản là khen ngợi chúng. Cho trẻ thấy thế nào là làm việc chăm chỉ, và khi bạn làm nhiều việc tốt đẹp cho gia đình, hãy để trẻ biết rằng bạn có thể làm được những điều đó nhờ làm việc chăm chỉ.
- Xem thêm: Nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp cho con
Khuyến khích những ý kiến sáng tạo
Trẻ nhỏ thường nghĩ ra ý tưởng rất độc đáo và sáng tạo, vì thế có không ít tấm gương điển hình về những người trẻ thành đạt trong kinh doanh hay có các kỹ năng kinh doanh khi còn nhỏ. Trong khi đó, người lớn không có được sự hứng thú, trí tưởng tượng phong phú giống như trẻ, vậy nên khi con còn nhỏ, hãy khai thác đặc điểm này.
Giúp trẻ thấy được mỗi ý kiến của chúng là một cơ hội để biến thành điều gì đó to tát hơn. Nhiều doanh nhân thành đạt có thể tồn tại đến ngày nay đều phải cố gắng và trải qua nhiều lần thất bại; vậy nên, để trẻ bắt đầu kinh doanh từ sớm có thể giúp trẻ gặt hái thành công trong tương lai.
Cho trẻ tiếp cận với thực tế
Mỗi thời điểm trong ngày là một cơ hội để bạn dạy trẻ học hỏi và tìm tòi về kinh doanh. Chẳng hạn, khi đến cửa hàng tạp hóa, yêu cầu trẻ thanh toán hàng hóa bằng tiền mặt. Lúc đến tiệm giặt ủi, giải thích với trẻ người đã phát minh ra máy giặt và cách thức họ thành lập doanh nghiệp, bán máy cho người tiêu dùng như thế nào. Mọi thứ trong nhà, từ vật dụng cho đến thức ăn trong tủ lạnh đều đến từ doanh nghiệp. Khi trẻ bắt đầu hiểu được thế giới này giống như một chuỗi doanh nghiệp, chúng có thể động não và nghĩ ra cách nào đó để đóng góp hay bổ sung để hoàn thiện hơn.
Động viên trẻ cố gắng và cố gắng lần nữa
Cho trẻ hiểu rằng, việc đứng lên sau khi thất bại là một bài học mà mỗi doanh nhân phải chấp nhận và đối phó mỗi ngày. Phạm sai lầm không đáng sợ, cho dù để thua một trò chơi lớn. Đến khi trẻ nhận thức được một lần thất bại không có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn, chúng sẽ sẵn sàng để trở thành một doanh nhân.
Trao cho trẻ quyền tự quyết
Bản năng tự nhiên của cha mẹ là bảo vệ con cái giúp con tránh khỏi những điều gây thiệt hại. Nhưng cách tốt nhất là để trẻ trải nghiệm và đón nhận những căng thẳng, bởi doanh nhân tương lai là những người có khả năng giải quyết mọi vấn đề. Cho phép trẻ giải quyết các vấn đề và vượt qua những thử thách của chúng. Chỉ hướng dẫn trẻ khi cần thiết và thỉnh thoảng nên để trẻ đối diện với thất bại.
Giúp trẻ học cách yêu công việc
Khuyến khích trẻ làm bất cứ công việc nào có thể tìm được, chẳng hạn như nhân viên phục vụ, pha chế… Những công việc này dạy cho trẻ cách quản lý thời gian, các kỹ năng cá nhân hay giao tiếp, chúng là nền tảng cho bất kỳ doanh nhân thành đạt nào.
Sau cùng, không bao giờ quá muộn để dạy con trở thành một doanh nhân. Và, hãy tin rằng con bạn chắc chắn sẽ làm tốt điều này.