Nếu định nghĩa rằng đầu tư là một việc mà ở đó chúng ta đặt tiền bạc, thời gian, tâm huyết… vào một việc, một đối tượng, với kỳ vọng sẽ tạo ra sự phát triển trong tương lai, thì có thể xem việc nuôi dạy con cái cũng là một hình thức đầu tư. Tất nhiên, khi đầu tư vào con cái, chúng ta hiếm khi mong đợi chúng sẽ trả ơn, đền đáp, mà đơn giản hơn là chỉ mong chúng có được một tương lai tươi sáng, một cuộc sống hạnh phúc.
Tuy nhiên, các chuyên gia tư vấn tài chính hay nói vui, đầu tư vào con người là hình thức đầu tư khó nhất mà họ từng phải đối mặt. Bởi khác với những hình thức đầu tư tài chính thông thường, đầu tư vào con cái đòi hỏi “nhà đầu tư” có một sự kiên nhẫn, một tình yêu thương cùng một nền tảng kiến thức tài chính cực kỳ vững chắc, bên cạnh đó là rất nhiều yếu tố bên ngoài khác như môi trường, hoàn cảnh…
Và để có thể thành công trong lĩnh vực đầu tư đặc biệt này, dưới đây là hai điểm mà “nhà đầu tư” nên sử dụng để dạy những đứa trẻ của mình, nhằm trang bị cho chúng những kỹ năng đầu tư tài chính thành công.
Để bắt đầu, hãy tự hỏi chúng ta đang có những gì?
Bài học đầu tiên và cũng là nền tảng cho mọi quy trình đầu tư, đó là việc xác định chúng ta là ai, phù hợp với lĩnh vực nào và đang sở hữu những gì trong tay. Tùy vào từng độ tuổi, trẻ em sẽ có những khái niệm khác nhau về những gì chúng sở hữu, do đó, ở từng độ tuổi, các bậc phụ huynh cũng nên có những bài học khác nhau.
Là chuyên gia tài chính với hơn 30 năm kinh nghiệm, Beth Kobliner cho rằng chúng ta nên chia độ tuổi cho con mình từ 3 tới 23 theo bốn giai đoạn. Từ 3-7 tuổi, từ 7-13 tuổi, từ 13-18 tuổi và từ 18-23 tuổi. Ứng với từng giai đoạn, phụ huynh sẽ dạy cho con mình các bài học về những gì chúng sở hữu một cách hiệu quả và dễ hình dung nhất.
“Ở độ tuổi 3-7, trẻ rất hiếu kỳ. Câu hỏi tài chính chúng hay hỏi nhất, thường là “nhà mình có giàu không?”. Ở độ tuổi này, trẻ không nhận thức được sự giàu nghèo, nhưng lại nhận thức được sự tự tin và sự tự ti. Vì thế, ở độ tuổi này, bạn cần là dạy cho trẻ sự tự tin, rằng gia đình bạn ít nhất có đủ những điều kiện cơ bản để trẻ cảm thấy an toàn và tự hào” – Beth Kobliner chia sẻ trên Business Insider.
Trong khi đó, ở độ tuổi từ 7-13 của con, bạn có thể chia sẻ sâu hơn về tình hình tài chính của gia đình, có thể so sánh mức thu nhập của gia đình bạn với mức trung bình của cả nước, của khu vực… Còn độ tuổi từ 13-18, đó có thể là những chia sẻ chi tiết hơn về kiến thức tài chính, xác lập các mục tiêu tài chính, các phương pháp đầu tư… để giai đoạn từ 18-23, con bạn có thể cùng bạn thực hành một số phương pháp đầu tư cơ bản, dựa trên những gì đã tạo ra trước đó.
“Trẻ em ngày nay học hỏi rất nhanh, đặc biệt là những điều chúng ta không dạy chúng. Vì thế, dù bạn có tránh né thế nào, đến một lúc, bạn cũng nên dạy con biết về những gì chúng đang có trong tay, để chúng hiểu và bắt đầu nhìn nhận mọi thứ rõ ràng hơn” – Beth Kobliner chia sẻ.
Tạo ra thói quen là tạo ra tiền bạc
Có một sự thật, là thói quen làm việc và suy nghĩ của một người sẽ quyết định sự thịnh vượng tài chính trong tương lai của người đó. Vì thế, để dạy cho trẻ cách đầu tư, bạn cần rèn luyện cho chúng những thói quen hiệu quả.
Với Sara Blakely, tỉ phú tự thân sở hữu khối tài sản ước tính 1 tỉ USD (theo Forbes), ba thói quen mà bà thường rèn luyện cho con là tư duy độc lập, học hỏi không ngừng và tôn trọng bản thân cũng như mọi người.
Tư duy độc lập được Sara Blakely mô tả là quá trình mà chúng ta tự làm việc với chính mình. Đó là khi chúng ta tự đặt ra mục tiêu, quan sát, tìm tòi phương pháp, lên kế hoạch hành động và tiến hành hoạt động mà không cần quan tâm đến người khác nghĩ gì hay nói gì về mình. Để có thể phát triển tư duy độc lập, chúng ta phải có sự dũng cảm, dám mạo hiểm và mong muốn tự thể hiện bản thân.
Tiếp theo, là thói quen học hỏi không ngừng. Bởi trong thế giới kinh doanh và đầu tư ngày nay, có quá nhiều người giỏi, vô số ý tưởng sáng tạo và quá đông doanh nghiệp tham gia, do đó lợi thế duy nhất của một cá nhân chính là sự hiểu biết của người đó về những gì họ đang làm – những thứ chỉ tới từ một quá trình rèn luyện và học hỏi thực sự nghiêm túc.
Cuối cùng, là thói quen tôn trọng. “Tại sao tôi dùng từ thói quen tôn trọng? Vì đôi khi, do cảm xúc, sức ép công việc, bản thân tôi cũng đánh mất sự tôn trọng dành cho mình và cho người khác. Vì thế, tôn trọng với tôi là một thói quen, cần rèn luyện hằng ngày. Chỉ khi bạn biết tôn trọng bản thân, tôn trọng tiền bạc, tôn trọng mọi người xung quanh, bạn mới cảm nhận được hạnh phúc thực sự của cuộc sống này” – Sara Blakely kết luận.