Không nghi ngờ gì nữa về sự trỗi dậy của nữ quyền trong thời trang khi các bộ sưu tập được giới thiệu tại Tuần lễ thời trang Xuân-Hè 2017 mang theo những thông điệp tôn vinh phái đẹp.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà những nhà thiết kế của các thương hiệu đồng loạt cất lên tiếng hát dành cho phụ nữ. Một sự trùng hợp hiếm hoi là tại Paris Fashion Week lần này, có đến bốn nhãn hiệu lớn đồng loạt ra mắt bộ sưu tập được thực hiện bởi bốn giám đốc sáng tạo mới, trong đó có hai người đại diện cho phái đẹp là Maria Grazia Chiuri của Dior và Bouchra Jarrar của Lanvin.
Điều đó là dấu hiệu đáng mừng vì hiện nay, không chỉ trong lĩnh vực thiết kế, mà hầu như ở tất cả các lĩnh vực khác của thế giới thời trang, từ quản lý, điều hành đến sản xuất, phụ nữ đều chỉ chiếm thiểu số. Có lẽ các nhà thiết kế cho rằng không còn dịp nào tốt hơn lúc này để tri ân, cũng như để chứng minh rằng phụ nữ không hề yếu đuối.
Quá trình chuyển đổi từ nam quyền sang nữ quyền diễn ra rất nhiều lần trong lịch sử nhân loại, bắt đầu từ những cuộc biểu tình đòi sự bình đẳng cho phụ nữ. Nếu không tính giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ II, khi phụ nữ phải thay nam giới làm mọi việc ở hậu phương thì phong trào nữ quyền diễn ra mạnh mẽ nhất hồi thập niên 1980, khi phụ nữ bắt đầu tự kiếm việc làm, cả công việc lao động chân tay đến trí óc. Thật khó hình dung nổi sự chuyển biến mạnh mẽ từ chỗ không có quyền bầu cử, nay phụ nữ tham gia vào mọi hoạt động trong xã hội, kể cả chính trường.
Chính nhờ nét đặc trưng của giai đoạn lịch sử đó, việc tái hiện thời trang thập niên 1980 theo cách mới đã trở thành xu hướng then chốt của mùa thời trang này. Những bộ trang phục có phom dáng rộng rãi, thoải mái như để giải thoát họ khỏi những ràng buộc hay định kiến xã hội, còn cầu vai độn cao như thể hiện sức mạnh và bản lĩnh của phái đẹp của mình không kém gì phái mạnh. Táo bạo hơn, nhiều thương hiệu thời trang đã để người mẫu phô trương bộ ngực trần qua lớp vải mỏng manh như để khẳng định sự thách thức với xã hội.
Một trong những bộ sưu tập đáng chú ý là của Celine. Không có một gợi ý gì về chủ đề của thiết kế lần này nhưng thông qua âm thanh của giao thông, tiếng của những đứa trẻ thì có thể đoán được những gì được sáng tạo ra là dành cho phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong thời đại mới. Nếu như ở những năm 1980, Donna Karran cổ vũ phong trào nữ quyền bằng bộ sưu tập bảy món tiện dụng của mình thì nay, Pheobe Philo như một đại diện cho tầng lớp phụ nữ thành đạt, giỏi giang và tinh tế. Kỹ thuật phá vỡ cấu trúc với những đường xử lý sống đặc trưng, pha lẫn nghệ thuật đương đại từ tác phẩm hình thể phụ nữ của nghệ sĩ Yves Klein càng làm rõ hơn về lối sống của người phụ nữ Celine.
Versace thì lại nâng cấp người phụ nữ của mình lên. Không còn là điểm nhấn của những buổi tiệc tùng nữa, giờ đây hình ảnh người phụ nữ trở nên rắn rỏi, tràn đầy năng lượng và tập trung trí lực vào công việc. Ngoài những chiếc đầm dạ hội khiêu gợi, Donatella bổ sung vào tủ đồ của người phụ nữ Versace những bộ cánh chuyên nghiệp để đến công sở hay những trang phục thể thao rất mới lạ.
Với Louis Vuitton, câu chuyện về những chuyến công du của những chiếc rương dường như kéo dài vô tận. Nicolas Ghesquiere đi theo một hướng riêng khi ông quay trở về thập niên 1980 để tìm cảm hứng cho việc khắc họa hình ảnh những người phụ nữ thời hiện đại như những “chiến binh tương lai”. Sự tương phản giữa cứng và mềm trên trang phục may bằng vải jersey được nhíu và độn vai hay những bộ suit công sở có phom dáng mạnh mẽ và cả những chiếc đầm dạ hội quyến rũ nhưng cũng rất quyền lực với phần độn vai được để lộ hẳn bên ngoài.
Thời trang của hiện tại thực tế hơn khi đáp ứng cho mọi phụ nữ những bộ trang phục không chỉ đẹp, chất lượng cao, mà còn thực tế, gắn bó với cuộc sống của họ. Trong bối cảnh nữ giới ngày càng tháo vát thì thời trang cũng phải thay đổi để bắt kịp với xu hướng xã hội. Biết đâu, lịch sử thời trang sẽ tìm ra một viên ngọc quý như Coco Chanel, Jeanne Lanvin, Vionnet hay Elsa Schiaparelli…