Với 43 tác phẩm được trưng bày, nhóm ba họa sĩ đến từ thành phố cực Nam đất nước là Lý Cao Tấn, Lê Công Uẩn và Phan Thái Hoàng đã có một cuộc triển lãm gây được ấn tượng với người xem (tại Hội Mỹ thuật TP.HCM, 218A Pasteur, Q.3, từ 2 đến 12-3-2013).
Ở tuổi ngũ thập, ba tác giả đều có quá trình hoạt động mỹ thuật tích cực với nhiều giải thưởng hội họa tại tỉnh nhà và cả nước nên phòng tranh “Cà Mau miền sông nước” như một làn gió mới, đậm nét địa phương nhưng lại không mang chất “tỉnh lẻ” dễ nhận thấy ở một số triển lãm tương tự.
Đáng chú ý nhất là mảng tranh bút sắt của Lý Cao Tấn, hiện là Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cà Mau. Những tranh khổ lớn, được dày công thể hiện bằng những nét bút li ti nhưng mảng miếng, hình khối vững chắc, sinh động, có thần, cho dù là vẽ những thân tràm, đước vùng bãi bồi lấn biển hay những công trình công nghiệp đang mở ra ngày càng nhiều ở đất mũi xa xôi. Phong cảnh Cà Mau với thuyền bè nhộn nhịp trên sóng nước, những khu đô thị mới xôn xao bên bờ sông dẫu chỉ được đặc tả bằng bút sắt với hai màu đen trắng vẫn khiến người xem không khỏi xao xuyến để lòng thầm mong “Về thăm quê hương đất mũi xa xôi/ Trời xanh Năm Căn gió lộng bốn bề / Biển bao la sóng tung cánh chim hải âu…/ Về đất biển Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn” (lời bài hát Đất mũi Cà Mau của nhạc sĩ Hoàng Hiệp).
Cà Mau trong tranh Phan Thái Hoàng còn là những con tàu, những đội tàu xông xáo ra khơi đánh bắt hải sản, làm chủ vùng biển thân yêu của Tổ quốc – những con tàu với đôi mắt mở to hướng ra khơi xa được tác giả thể hiện bằng những nhát cọ mạnh mẽ với một bảng màu acrylic đậm đặc, như thể những con kình ngư đang lao tới trên đầu sóng cả. Đó là Cà Mau của biển bạc, rừng vàng nếu con người biết gìn giữ, biết sống thuận với tự nhiên. Và đó cũng là những mảng rừng xưa nay đã lùi dần vì đô thị hóa, công nghiệp hóa.
“Mềm mại” hơn là tranh Lê Công Uẩn với những tranh sơn dầu và bột màu vẽ thiếu nữ lặng lẽ bên hoa hay đùa nghịch với chú mèo con, những đôi bạn trẻ chở nhau dạo phố phường Cà Mau đổi mới, từ một vùng quê nghèo thuở trước nay là nơi đô hội, thành phố mới, một địa chỉ du lịch quen thuộc – một góc nhìn khác về Cà Mau ấm áp, trữ tình.
- Như Hoa