Hơn đâu hết, các đảo quốc nhỏ tồn tại từ lâu trên các đại dương đang đứng trước hiểm họa của sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Chúng cũng được xem là những “tên lính gác biển” giúp cảnh báo sớm những cơn “trái gió trở trời” của đại dương bao la, đặc biệt về hiện tượng nước biển ngày một dâng cao. Mới đây, một cuộc họp đã diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) với sự tham dự của đại diện 39 đảo quốc nhỏ đang là thành viên của tổ chức quốc tế này. Tại đây, họ phát ra tín hiệu báo động về những mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với đời sống biển toàn cầu, gồm tình trạng axit hóa, rác thải nhựa, nước biển dâng cao và trữ lượng cá giảm sút. Chỉ riêng chất thải nhựa, theo ước tính của các nhà khoa học, nếu tình trạng hiện nay vẫn tiếp diễn thì đến năm 2050, số rác thải sẽ nhiều hơn cả số cá dưới đại dương!
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu bàn bạc nhiều về vai trò của các đảo quốc nhỏ trong việc ngăn chặn những nguy cơ đe dọa đời sống biển và kinh nghiệm của Seychelles được nhắc lại như một trong những điển hình của nỗ lực cứu biển. Theo Ronald Jean Jumeau, đại biểu của Seychelles, cây đước, các đầm lầy nước mặn và cỏ biển là ba tác nhân quan trọng trong nỗ lực của đảo quốc này trong việc bảo vệ hệ sinh thái biển. Chúng hấp thu khí thải carbon nhiều hơn cả rừng (tính trên từng đơn vị hécta). Chính vì nhận thức này mà hiện nay Seychelles đang đưa ra những biện pháp bảo vệ đời sống biển một cách hữu hiệu. Họ cấm đốn chặt rừng đước, phát triển thêm diện tích rừng đước sẵn có. Loại thảo mộc đặc biệt này giúp chống tình trạng xói lở thường xảy ra ở những vùng ven biển, bảo vệ các rặng san hô đang chết dần ở nhiều nơi dưới đáy biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cung cấp chỗ trú ẩn cho cá… Với một lãnh hải rộng gấp 3 ngàn lần đất liền, ngoài việc bảo vệ và phát triển rừng đước, Seychelles còn lên kế hoạch chỉ định các khu vực lưu thông hàng hải để tạo điều kiện hồi phục cho nhiều vùng biển đã bị tổn thương. Việc làm này làm giảm áp lực của biển, giúp đại dương hấp thu nhiều carbon dioxide hơn và giảm mức độ axit hóa ở biển.
Vào tháng 6 năm nay, Thụy Điển sẽ cùng với đảo quốc Fiji tổ chức Hội nghị Biển Liên Hiệp Quốc nhằm kết hợp nỗ lực của các chính phủ với các khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ để bảo vệ môi trường biển, trong đó những nỗ lực của Seychelles sẽ được đánh giá và hoàn thiện. Với 3 tỉ người mà đời sống lệ thuộc vào tài nguyên biển, nếu không có những biện pháp kịp thời, con người sẽ tự hủy hoại dần cuộc sống của chính mình.
- Lê Nguyễn tổng hợp