Quân đội Thái Lan hôm 22-5 đã đình chỉ hiến pháp, cấm hội họp và bắt giữ các chính trị gia với lý do trật tự cần được tái thiết sau nhiều tháng bất ổn. Quân đội đã ban hành thiết quân luật từ hôm 20-5, hai ngày sau đó, lực lượng này đã có cuộc đối thoại với các lãnh đạo chính trị ở Bangkok về khủng hoảng hiện nay. Nhiều nhân vật có mặt tại cuộc gặp này, trong đó có thủ lĩnh biểu tình đối lập Suthep Thaugsuban và thủ lĩnh biểu tình thân chính phủ Jatuporn Propan, đều bị bắt giữ.
Tư lệnh quân đội, Tướng Prayuth Chan-ocha, sau đó đã tuyên bố đảo chính trên truyền hình.
Thủ tướng tạm quyền Niwatthamrong Boonsongphaisan không có mặt trong buổi đối thoại và hiện tung tích của ông vẫn chưa rõ.
Cựu thủ tướng – bà Yingluck và Somchai Wongsawat và các giới chức chính phủ đã được yêu cầu trình diện trước quân đội và đã bị bắt giữ. Khoảng 23 thành viên của đảng Pheu Thai cũng đã được triệu tập.
Chính quyền quân nhân cũng đã giải tán Thượng viện vừa được bầu chọn một phần.
Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước cuộc đảo chính. Tổng thư ký Ban Ki-moon đã thúc giục quân đội “nhanh chóng phục hồi hiến pháp và các quyền dân sự, dân chủ”.
Về phía Mỹ, ngoại trưởng Kerry ra tuyên bố: “Không có một sự biện minh nào cho cuộc đảo chính quân sự này”, trong khi Anh quốc kêu gọi “các bên tạm gác mâu thuẫn sang một bên và tôn trọng nền dân chủ, pháp quyền”.
Tổng thống Pháp và ngoại trưởng Đức đã lên án cuộc đảo chính, trong khi Bộ Ngoại giao Nhật Bản gọi đây là một sự kiện “đáng tiếc”.
Tình hình tại thủ đô Bangkok vẫn khá yên ổn sau cuộc đảo chính nhưng hôm Chủ nhật 25-5 các tuyến giao thông đã bị tắc nghẽn nghiêm trọng khi lực lượng an ninh đụng độ với những người chống đảo chính.
Quân đội kiểm soát khu vực của phe “Áo đỏ”
Một điểm nóng là khu trại của phe “Áo đỏ” ở ngoại ô phía tây thủ đô. Tuy nhiên, người biểu tình tại đây đã rút lui mà không xảy ra bạo lực.
Kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế ở đất nước này kết thúc năm 1932, quân đội đã thực hiện tổng cộng 12 cuộc đảo chính.
Thái Lan đã trải qua nhiều năm tranh chấp quyền lực kể từ khi anh trai của bà Yingluck, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, bị quân đội lật đổ năm 2006.
Ông Thaksin và bà Yingluck nhận được nhiều sự ủng hộ từ vùng nông thôn, nhưng lại bị thành phần trung lưu và giới chóp bu ở thành thị phản đối.
Bất ổn bắt đầu nổ ra ở thủ đô Thái Lan hồi cuối năm ngoái, sau khi những người biểu tình chống chính phủ phát động chiến dịch nhằm lật đổ chính phủ bà Yingluck.
Tòa Hiến pháp của Thái Lan sau đó đã truất quyền bà Yingluck vì tội lạm quyền.
H. Nam tổng hợp