Sadec District là một thương hiệu chuyên cung cấp đồ dùng và trang trí gia đình được sản xuất bằng phương pháp thủ công, tuy xuất hiện trên thị trường chưa lâu nhưng được nhiều người biết đến bởi một phong cách riêng khá đặc biệt. Từ ý tưởng ra đời Sadec District và hành trình tìm kiếm, góp nhặt những sản phẩm mây tre lá, gốm sứ, thủy tinh, vải sợi, kim loại, gỗ… tuy là những vật dụng quen thuộc nhưng lại mang một câu chuyện thú vị: vừa thỏa mãn niềm đam mê, đánh thức vẻ đẹp đồ thủ công, vừa thổi một làn gió mới mang hơi hướng đương đại vào những sản phẩm thủ công truyền thống.
Sadec District – Những cảm xúc đương đại
Tọa lạc trong khu phức hợp nghệ thuật có tên Nhà Ga 3A (Tôn Đức Thắng, TP.HCM), Sadec District có sức quyến rũ nhiều người không chỉ đến mua sắm, làm đẹp không gian sống mà đôi khi chỉ là tham quan, “đọc” những điều thú vị trong từng sản phẩm xinh xắn, độc và lạ được kết hợp từ nhiều yếu tố mỹ thuật, kỹ thuật, cả không gian văn hóa nơi nó ra đời. Cũng là những vật dụng quen thuộc trong gia đình dùng trong phòng khách, nhà bếp, phòng ngủ, sân vườn… như chén, dĩa, tô gốm, lồng bàn, khăn ăn, chai lọ, bình hoa, giỏ xách… nhưng người xem sẽ cảm nhận rõ tinh thần đương đại qua sự tuyển chọn từng sản phẩm của thương hiệu này. Chính vì vậy, khách hàng của Sadec District cũng khá chọn lọc, là những người thích vẻ đẹp có sự hài hòa giữa công năng và yếu tố thẩm mỹ.
Sáng lập Sadec District là một nhóm những người bạn đều thành đạt với công việc riêng như thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh, sản xuất truyền thông, quản lý, kinh doanh… nhưng có chung tình yêu nghệ thuật với đồ thủ công. Những lần khám phá những vùng đất đi qua, họ thấy sản phẩm của những làng nghề thủ công có truyền thống lâu đời rất đáng tự hào nhưng đáng tiếc vì nhiều lý do, có sản phẩm ít người biết đến. Đặc biệt là tại lưu vực sông Mêkông – dòng sông luôn mang trong mình phù sa dồi dào đã bồi đắp, kiến tạo nên những nền văn hóa đậm bản sắc vùng miền và tạo nên mạch giao thoa văn hóa giữa các vùng tiệm cận. Từ sự chắt lọc, kết tinh văn hóa hàng ngàn năm ấy mà các làng nghề địa phương đã ra đời. Ở đó, biết bao đôi tay khéo léo, tài hoa của những người thợ, nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian âm thầm tạo ra những sản phẩm thủ công như những tác phẩm nghệ thuật. Chính điều này cùng với sự dẫn dắt của cảm xúc đương đại đã khơi dậy cảm hứng cho họ đi tìm những tinh hoa ấy để đưa ra ánh sáng, giới thiệu cho mọi người biết đúng giá trị của nghệ thuật thủ công.
Dự án có tên Sa Đéc bởi đây là địa điểm khởi đầu cho hành trình khám phá, và địa danh này cũng thể hiện tinh thần giao thoa văn hóa của người Việt với các dân tộc khác. Bắt đầu từ Long Xuyên, Sa Đéc và các tỉnh miền Tây Nam bộ – Việt Nam, họ tìm đến tất cả nước tiểu vùng sông Mêkông, rồi mở rộng thêm ra toàn vùng Đông Nam Á. Ngược dòng Mêkông, đến Pakse, Vientiane (Lào), qua dòng Tonle Sap ở Campuchia, đến Bangkok (Thái Lan) và Yangon (Myanmar)… Họ bày tỏ: “Với Sadec District, chúng tôi kỳ vọng thiết lập được mối giao hòa với những người trẻ đầy nhiệt huyết, những người sẵn sàng đón nhận tinh thần đương đại, trân quý các giá trị truyền thống và văn hóa đa chiều”. Sau một năm hoạt động và gặt hái được những thành quả khả quan, trong tương lai Sadec District cố gắng đặt chân đến tất cả những nơi dòng Mêkông chảy qua với niềm tin sẽ tìm thấy những tinh hoa và bản sắc của sự đa dạng vùng miền trong thiết kế mỹ thuật ở khu vực này.
Độc đáo trong từng sản phẩm
Sadec Districtcó ba dòng sản phẩm chính: Sadec Collection là dòng sản phẩm nguyên bản do các nhà thiết kế trong và ngoài nước thực hiện; Sadec Mix & Match là những sản phẩm không nhãn hiệu do các người thợ địa phương trong nước và một số nước khác làm nên, được Sadec District điều chỉnh lại phù hợp với thẩm mỹ hiện đại… và Sadec Design là sản phẩm do chính các nhà thiết kế của Sadec District sáng tạo nên. Điều đặc biệt là mỗi sản phẩm dù nhỏ bé, có thương hiệu sản xuất hay không đều có tính ứng dụng cao, bên cạnh đó còn có những câu chuyện thú vị về lòng đam mê nghệ thuật, muốn cống hiến, chia sẻ những giá trị văn hóa của người tạo tác và cả của những người sáng lập Sadec District.
Có thể nói Amai – một dòng sản phẩm thủ công mới hoàn toàn “made in Vietnam” là câu chuyện xuất phát từ tình yêu đối với Việt Nam của Ingrid Ploem đến từ Hà Lan và Ina Stas đến từ Bỉ. Năm năm trước, hai cô gái này đến Sài Gòn và nhanh chóng “phải lòng” vùng đất phương Nam. Với niềm đam mê thiết kế, cả hai đã góp phần làm đa dạng hơn cho thủ công Việt Nam bằng một dòng sản phẩm dành cho gia đình có tên Amai, gồm đồ gốm và kim loại. Có rất nhiều điều đặc biệt ở gốm Amai. Nếu sản phẩm gốm thông thường được tạo hình bởi những đường cong hay đường thẳng thì bề mặt gốm Amai lại được tạo bởi những đường gấp khúc, tạo nên các mặt phẳng và vệt lồi lõm không đồng nhất, ngẫu hứng và bay bổng. Hầu hết gốm Amai có màu sắc cốt gốm tương đồng với màu men, không phủ men ở mặt ngoài sản phẩm nên khi chạm tay vào sẽ cảm nhận sự thô nhám, mộc mạc. Mỏng manh và nhẹ nhàng nhưng vẫn đảm bảo độ bền và an toàn của sản phẩm gốm gia dụng là đặc tính của Amai cùng những khác biệt trên là yếu tố để Sadec District ưu ái tuyển chọn.
Nhãn hiệu thời trang Tonle lại là một câu chuyện khác của Rachel Faller, cô gái sinh ra và lớn lên ở Massachusettes nhưng hơn năm năm trước cô đã gắn bó với vùng đất Campuchia còn thiên nhiên hoang sơ vùng nhiệt đới và con người chân chất. Cô có ấn tượng mạnh về thiên nhiên ở đấy đến nỗi tất cả các họa tiết in trên sản phẩm may mặc của Tonle đều là cảm hứng từ cây cối, muông thú. Đó là những bóng cây thốt nốt đổ tràn trên ngực áo, những chùm hoa dại phủ lưa thưa trên vạt đầm, hay con báo đang nằm… Bên cạnh vẻ hiện đại của kiểu dáng, sự thoải mái từ chất liệu thun, khi sử dụng sản phẩm của Tonle, người mặc còn cảm thấy thích thú với những “tín hiệu” từ thiên nhiên hoang sơ vùng Đông Dương. Đồng cảm với điều này nên Tonle cũng có mặt trong những sản phẩm của Sadec District.
Mới đây, khi đi tìm kiếm các sản phẩm thủ công ở Campuchia, các thành viên của Sadec District đã may mắn gặp được Alan James Flux – một nhà thiết kế tốt nghiệp Trường London College of Art và có đến 20 năm hoạt động trong giới showbiz ở Anh quốc. Sau đó ông từ bỏ công việc để trở thành tình nguyện viên của tổ chức British Volunteers Organization, đến nhiều vùng đất châu Á còn khó khăn để hướng dẫn các nghệ nhân địa phương thiết kế các sản phẩm mới có tính thương mại cao. Alan sáng lập thương hiệu A.N.D tại Phnom Penh với một chuỗi các sản phẩm thủ công mà vẻ đẹp của nó khiến nhiều người không tiếc lời khen ngợi. Tiêu biểu như những chiếc khăn lụa nhuộm bằng kỹ thuật Ikat: Từ những miếng lụa được dệt bằng công cụ thô sơ cổ truyền, người thợ dùng sợi vải thắt và cuốn thành các nút nhỏ trên miếng lụa rồi đem đi nhúng màu. Thuốc nhuộm không ngấm vào phần thắt nút nên mảng màu nguyên thủy vẫn giữ nguyên, thành những đốm hoa văn hình dạng độc đáo. Kỹ thuật sáng tạo làm cho chiếc khăn truyền thống Campuchia có một diện mạo mới lạ hơn.
Còn những chiếc giỏ mây đầy nữ tính lại được làm ra từ một cô gái người Nhật cũng bén duyên với Siem Reap. Cô hòa mình vào thành phố này hơn chín năm qua, tận hưởng cuộc sống bằng niềm vui được làm những việc mình yêu thích. Cô mở một xưởng đan mây tre lá và sử dụng kỹ thuật nhuộm vải để khắc phục hiện tượng lem, loang màu thường thấy trên những sợi mây tre. Đồng thời, cô sử dụng kỹ thuật đan len tinh xảo của người Nhật một cách nhuần nhuyễn vào chất liệu mây tre tạo sự độc đáo mà không sản phẩm nào khác có được.
Với những sản phẩm “no name” được tuyển chọn, Sadec District đều có sự tham gia vào các công đoạn thiết kế để sản phẩm hoàn chỉnh hơn. Chẳng hạn, thay đổi kích cỡ những chiếc khăn cotton, điều chỉnh họa tiết để thay đổi công năng, có thể làm khăn trải bàn… Vẽ lên những chai lọ thủy tinh, bình hoa, sản phẩm gỗ… Đặc biệt, trong thiết kế mới nhất của dòng sản phẩm Sadec Design, nhân kỷ niệm một năm ra đời, Sadec District đã thiết kế bộ đồ gốm bàn ăn có hoa văn cách điệu từ tác phẩm tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương. Hình ảnh giọt mưa, những đóa sen rất Việt Nam được thể hiện theo tinh thần đương đại, mới mẻ.
Bài Ngân An, Ảnh Hải Đông (DNSGCT)