Về cơ bản, quan niệm từ láy như là “sự hòa phối ngữ âm giữa các yếu tố tương ứng của các âm tiết và có tác dụng biểu trưng hóa… chuyên biệt hóa về nghĩa” đã khái quát được bản chất đặc trưng của nó. Được cấu tạo theo nguyên tắc hòa phối ngữ âm, từ láy có tác dụng tạo nghĩa, ẩn chứa sự thể hiện sinh động, cảm thụ thế giới khách quan và cảm xúc chủ quan của chủ thể trữ tình.
Một kiểu tư duy ý tượng
Trong thơ cổ điển phương Đông, Đường luật… chữ tự nó là một đơn vị kết cấu, ngữ nghĩa hàm súc gợi cảm âm vang trong những mối quan hệ kết cấu toàn bài thông qua sự lựa chọn, sắp xếp của nhà thơ trong thăng hoa sáng tạo. Ngôn ngữ nghệ thuật được sử dụng linh hoạt uyển chuyển, tự nhiên mà công phu, hàm súc mà gợi mở đến tinh tế ý nhị huyền diệu. Dạng láy đôi, láy nguyên, điệp tự trong thơ cổ điển Trung Quốc, Việt Nam… như sắt sắt, thanh thanh, tiêu tiêu, lịch lịch, thê thê, du du… là một dạng láy đặc thù như vậy, tạo nên lằn ranh mong manh đồng nhất giữa khách – chủ, tâm – cảnh, ảo – thực… đẹp kín. Giá trị của từ láy như tín hiệu nghệ thuật phụ thuộc vào tạng tính phong cách, ý thức sáng tạo, vị trí trong câu mà tạo sự nhấn mạnh, hài hòa uyển chuyển hay tạo tính nhạc âm vang… có giá trị hòa âm, gợi tả và biểu cảm.
Tiến trình phát triển thơ ca là sự kế thừa, tiếp biến, sáng tạo. Đặc biệt Kinh Thi như tuyển tập thơ ca đầu nguồn và Đường thi đạt đến hoàng kim có vai trò quan trọng trong lịch sử văn học Trung Quốc và tác động ảnh hưởng lâu dài, phong phú, tốt đẹp đối với thơ ca Việt Nam như một dạng đồng văn. Dạng láy đặc thù này xuất hiện rất nhiều trong Kinh Thi, Đường thi Trung Quốc và luật thi Việt Nam. Ngay trong Kinh Thi, giữa bài Cát đàm miêu tả sắn mọc dài Duy hiệp thê thê, cành lá tốt tươi, hài hòa chuyển sang chim lượn hót. Nói về tình yêu lứa đôi trong sáng thiết tha đến tự nhiên của cô gái nhớ chàng em lo nghĩ. Du du ngã tâm… Con người mộc mạc thắm tình hòa trong thiên nhiên, lao động, giữa trời xanh thẳm xa vời cao ngất mà thương thân mình và thương thân người. Du du thương thân…
- Xem thêm: Quê hương Lỗ Tấn
Đường thi là đỉnh cao ngôn ngữ chọn lọc, biểu trưng, đa nghĩa mà tinh tế nhẹ nhàng. Ta bắt gặp vô vàn những dạng láy nguyên đặc thù này. Hôn là mờ mịt… hôn hôn cứ như đam mê tỉnh thức. Xuân đẹp mong manh vội tàn, lòng người mãi lưu luyến. Như Lý Thiệp trong Đăng sơn, suốt ngày mê đắm trong cõi say, chợt nghe mùa xuân hết nên gắng gượng lên núi. Chung nhật hôn hôn túy mộng gian – Hốt văn xuân tận cưỡng đăng san. Thưởng xuân, yêu xuân nồng nàn, như Hàn Ốc trong Xuân tận, tiếc xuân nên uống rượu say mấy ngày liền, tỉnh dậy thấy xiêm áo còn hoen vết rượu.
Tích xuân liên nhật túy hôn hôn – Tỉnh hậu y thường kiến tửu ngân. Phinh phinh là mặt đẹp, niệu niệu là dáng mảnh mai mềm mại, gió thổi cành liễu phất phơ. Đỗ Mục tạo vẻ đẹp cành tơ lá nõn tặng người đẹp lúc ly biệt. Phinh phinh niệu niệu thập tam dư. Mang mang là xa xôi, mỏi mệt, không biết gì, nhiều lắm… Ảm ảm là tối tăm buồn rầu… Vi Ứng Vật trong bài thơ gửi bạn, tiếng thở dài trong lồng ngực, vườn hoa tròn năm hợp tan, việc đời bối rối man mác khó liệu tính, xuân u buồn ảm đạm ngủ một mình… âm hưởng thấm sâu vào tâm hồn người đọc. Thế sự mang mang nan tự liệu – Xuân sầu ảm ảm độc thành miên… Thánh thơ Đỗ Phủ luôn ý thức Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu… sử dụng rất nhiều dạng láy nguyên hài hòa khách chủ, tình cảnh, riêng chung.
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ – Bất tận Trường Giang cổn cổn lai… Ngàn cây bát ngát rụng xào xạc. Dòng sông dằng dặc nước cuồn cuộn trôi. Ở tầm Đăng cao, với đôi mắt quan sát tinh tế tường tận, đôi tai lắng nghe thấu cảm… Đỗ Phủ dựng lên bức tranh ngụ tình giàu màu sắc, âm thanh, tầng cao, chiều rộng, đường nét nghệ thuật gợi cảm. Vạn lý bi thu thường tác khách – Bách niên đa bệnh độc đăng đài. Một mình trên cao, hòa tài khí và thanh điệu tương thông vũ trụ, tình tứ tao nhã trầm uất, ý nghĩa sâu xa, di dưỡng khí hạo nhiên… Đăng cao là kiệt tác mãi lưu truyền và Đỗ Phủ xứng đáng là bậc thầy của thi ca muôn thuở. Thiên cổ văn chương thiên cổ sư (Nguyễn Du).
Tiếng Hán và tiếng Việt cùng là ngôn ngữ loại hình đơn lập có chung một số đặc điểm như không có phần thay đổi tự dạng, không có giống số, không có các thì, không có từ loại nhất định… nên khi dùng thì uyển chuyển linh động, khi thưởng thức hiểu cảm trọn ý tình. Đặc biệt, từ láy nguyên như một dụng ý tự nhiên bao gồm cả hai bình diện ngôn ngữ ý tượng và suy luận tương tác lẫn nhau. Trong Bạch Đằng hải khẩu, Nguyễn Trãi dùng hàng loạt từ láy nguyên như sóng vỗ. Lăng lăng là đóng băng, buốt lạnh… diễn tả gió bấc thổi mặt biển, khí lạnh lăm lăm. Sơn phong xuy hải khí lăng lăng. Hai câu thực theo kiểu so sánh tu từ Hán cổ. Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc – Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng. Cá ngạc bị chém cá kình bị mổ cứ như từng khúc từng khúc cao như núi. Giáo chìm mác gẫy chất thành từng tầng từng tầng cao như bờ đê. Đến cửa biển mà chẳng thuần ngao du sơn thủy, mà mắt tinh đời của lòng thơ cảm nghiệm nỗi đau chiến tranh và nhân thế chìm sâu trong dòng chảy.
Du du, thê thê… sóng cỏ
Như vậy, hệ từ láy du du, thê thê xuất hiện rất nhiều trong thơ Đường Trung Quốc và luật thi Việt Nam như là sự kế thừa theo góc trượt quán tính tiếp biến, nâng cao, phong phú cả trên phương diện ngôn ngữ nghệ thuật và tư duy thơ. Hệ từ này, có giá trị ngữ âm nhạc tính, giá trị ngữ nghĩa khái quát biểu trưng mà gợi cảm, sắc thái biểu cảm đẹp kín… tùy vào ngữ cảnh thơ.
- Xem thêm: Nho học, công lao và hệ lụy
Du dứng một mình có rất nhiều nét nghĩa. Bác học dụng công rất tự nhiên cảm tính, du du với độ mở bé vào trong thơ cũng hàm nghĩa và biểu cảm đặc sắc. Có khi mang nghĩa là thong dong, tự tại, nhàn hạ… hoặc là lo lắng phiền muộn ưu tư. Có khi mang nghĩa xa xôi, vô tận, liên miên… Hoặc có khi mang nghĩa hoang đường vô lý hay chỉ sự đông đúc, thế tục, bình phàm… Ngữ liệu trong văn cảnh mang tính triết mỹ cảm tính.
Đứng đầu Sơ Đường tứ kiệt, Vương Bột tài hoa mệnh yểu vẫn để lại cho đời Đằng vương các thấu triệt triết lý sinh ra và mất đi. Nhàn vân đàm ảnh nhật du du. Từ láy du du mang hàm nghĩa thong dong tự tại, nằm ở giữa bài tạo sự hài hòa uyển chuyển giao thoa giữa cảm hứng vũ trụ vô hạn và sự vật hữu hạn, cái bất biến và cái biến đổi… như đám mây du du lơ lửng trôi in bóng xuống đầm. Khát khao cái đẹp, tình nồng đượm, ý xa xôi vắng lặng buồn cuộc đời mang mang, thế sự vô thường như mây bạc lưng chừng trôi đến đâu. Bạch vân nhất phiến khứ du du (Trương Nhược Hư).
Người đột phá tạo phong khí Thịnh Đường là Trần Tử Ngang với kiệt tác Đăng U Châu đài ca. Thời gian vô cùng, không gian vô biên. Niệm thiên địa chi du du. Ngẫm trời đất vô cùng vô tận, con người cô đơn bé mọn, chơi vơi hụt hẫng, hòa vũ trụ không không và gửi lại cho hậu thế giọt lệ thương cảm.
Đỉnh cao Đường thi phải kể đến Thi Thánh Đỗ Phủ. Học rộng, chí cao, mộng không thành, bút thơ thấm máu và nước mắt, một đời tha hương, thuyền buộc bên sông lệ lo lắng. Du du phục chẩm tả thư không. Từ du du hàm nghĩa xa xôi cách trở. Bị đẩy khỏi cung đình, hoài bão tích cực nhập thế không thành, ẩn dật hay lưu đày đường đời ưu phiền. Những người cùng chí hướng vẫn không cam lòng, cảm xúc tiếc nhớ đọng tư vị một thời hùng tâm tráng chí. Sau ngã rẽ này chỉ còn nhớ nhau ở cõi mờ xa. Lâm kỳ đồng tưởng tận du du (Lưu Vũ Tích).
- Xem thêm: Yêu và thương…
So với thơ Đường, thi từ Tống nhẹ cảm hứng trong sáng tự nhiên mà nặng về triết luận duy lý. Như cách nói của Tăng Củng, việc đời phó thác trong một ván cờ. Nhân sự du du ký bình. Thở dài thương cảm ngái lòng xót xa như Viên Mai đời Thanh. Tháng năm dằng dặc qua. Du du tuế kỷ thiên. Xét về mặt này, hồn thơ cổ điển Việt Nam hay hơn, ý tượng cảm xúc hòa trong máu thịt. Bi khái nỗi niềm riêng chung như Đặng Dung mang hào khí Đông A. Mở đầu Cảm hoài hơi thở hóa thinh không, hiện lên tầm vóc tư tưởng chủ thể trữ tình đầy xúc cảm hoài bão với câu tự hỏi mình, hỏi tuổi già. Thế sự du du nại lão hà? Khách quan việc đời dài dằng dặc vô hạn, chủ quan tuổi già trải nghiệm bất thành hữu hạn… trong tiếng thở dài cao thượng của một nhân sinh quan cao đẹp.
Câu hỏi – hỏi chính mình, hỏi trời xanh thẳm, gõ mạn thuyền sóng nước… chất chứa đầy bi phẫn thốt ra tự tim đầy nỗi lo trần thế, vận nước… trong tiếng hát nghêu ngao mang hoài cảm mênh mang. Nỗi buồn lớn giằng xé tâm trạng, ý tưởng sâu lắng của tư duy trí tuệ, tài năng và phẩm chất cao đẹp… dằng dặc trong chén rượu, trong ánh gươm mài khuyết bóng trăng. Mới biết kẻ sĩ xưa kia trọng khí tiết, dù ở hoàn cảnh nào cũng đề cao chữ tự – tự tại, tự tôn, tự trọng, tự lạc… Dù không gian rộng lớn rợn ngợp đến quạnh quẽ cô liêu vẫn mở đầu nhấn mạnh Trường thiên mạc mạc thủy du du… khẳng nhận an nhiên tương cảm thiên nhiên vũ trụ.
Tương tự như vậy, thê đứng một mình mang những nét nghĩa: kính cẩn, tốt tươi, dừng chân… Chữ và nghĩa hòa phối nhau kỳ diệu giữa âm thanh, ý nghĩa, hình ảnh, khởi động tâm tình, hòa điệu tri âm. Thê thê với độ mở vừa phải mang nghĩa tốt tươi um tùm hay lặng lẽ lẻ loi tiêu điều… bất an bồn chồn… tùy từng ngữ cảnh và dụng ý nghệ thuật.
Điềm đạm cao khiết mai hoa như Lâm Bô. Thê thê vô số. Cỏ hoang mọc xanh bất tận vô cùng. Kết thúc Ngu mỹ nhân thảo (Tăng Củng) là dòng nước cuồn cuộn trôi hết chuyện xưa nay. Thê thê thệ thủy lưu kim cổ gợi ngọn cỏ múa lả lướt như Ngu Cơ trong tiệc rượu của Hạng Vũ ngày cuối. Kết thúc bài thơ mô tả và ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ gợi hồn vùng núi Vân Đồn, nhìn ra bờ cỏ dờn xanh thẳm, bút lực nội cảm mãi đằm sáng Nguyễn Trãi mới hạ câu mãi âm vang. Vọng trung ngạn thảo thê thê lục…
Trong motif đăng cao, Thôi Hiệu làm nên bài thơ Hoàng Hạc Lâu đệ nhất Đường thi với hàng loạt điệp từ du du, lịch lịch, thê thê tự nhiên tài hoa. Hạc vàng một đi không trở lại. Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không. Bạch vân thiên tải không du du. Hiện thời hóa, cảnh vật thiên nhiên trước mắt đẹp thanh khiết. Tình xuyên lịch lịch… Cỏ thơm mơn mởn xanh tươi Phương thảo thê thê… như một tín hiệu nghệ thuật đa chức năng, chức năng thẩm mỹ xúc động bồi hồi trước thiên nhiên tươi đẹp và chức năng hoài vọng, nhận ra điệu xuân trong dáng chiều dòng sông gọi về, về với điểm tựa hương quan, với chình mình trong hành trình nhân sinh… kết đọng một chữ sầu. Sầu vạn cổ, sầu vũ trụ mãi tuôn trào. Mạch thơ, cảm xúc thơ vẫn còn ngân vang Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài trong Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp… Lòng quê dợn dợn vời con nước (Huy Cận).
Hài hòa hiểu đúng cảm hay
Cảm xúc và tư duy thơ được thể hiện độc đáo bằng sự mã hóa ký hiệu văn bản. Hệ từ láy nguyên giàu tính biểu ý và biểu cảm, góp phần làm nên đặc trưng hàm súc, cô đọng, gợi mở, mạch kỵ lộ, ý tại ngôn ngoại… tạo nhiều âm hưởng trong thơ cổ điển phương Đông. Ấy cũng là “phép thôi xao” đầy dụng công mà cảm xúc tự nhiên linh hoạt. Ngôn tận ý bất tận…
Từ láy nguyên bao gồm cả hai bình diện ngôn ngữ ý tượng và suy luận tương tác lẫn nhau… có sức sống âm vang trong Đường thi và đời sống tinh thần Việt Nam. Từng đơn vị chữ tưởng như nhỏ nhặt mà đặt trong quan hệ chỉnh thể lại góp phần làm nên thần hồn bài thơ, tính cách tác giả, tâm thức thời đại, tâm hồn dân tộc… Trong sự hài hòa cái đầu hiểu biết suy luận và trái tim nhạy cảm về mã văn hóa ấy thì mới hiểu đúng, hay và sâu trong sự thẩm bình trí tuệ cảm xúc mà lắng nhận được hai tầng nghĩa thông báo và nghệ thuật.