Ngay sau khi chính phủ Singapore nâng mức cảnh báo dịch do virus corona chủng mới (nCoV) gây viêm phổi cấp lên màu cam, tức sát mức cảnh báo cao nhất màu đỏ, người dân ở Đảo quốc sư tử vội vàng đổ xô đến các siêu thị và cửa hàng gom mua nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, giấy vệ sinh…
Gạo, mì tôm, giấy vệ sinh bị mua vét
Hôm 7-2, Bộ trưởng Y tế Singapore Kim Yong thông báo, Singapore nâng cảnh báo dịch nCoV từ màu vàng lên màu cam, vì rủi ro dịch bệnh này đang tăng lên khi có ít nhất 4 ca nhiễm không có mối liên hệ gì với các ca nhiễm trước đó hoặc từng đi đến Trung Quốc trong thời gian gần đây.
Tính đến nay, Singapore có 33 ca nhiễm và 181 ca nghi nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm. Đây là lần thứ hai nước này nâng mức cảnh báo một dịch bệnh lên màu cam kể từ khi hệ thống cảnh báo này được thiết lập vào năm 2003.
Mức cảnh báo màu cam cho phép Singapore triển khai thêm các biện pháp giảm thiểu rủi ro lây lan virus nCoV trong cộng đồng, chẳng hạn yêu cầu các công ty phải kiểm tra thân nhiệt của nhân viên ít nhất 2 lần mỗi ngày.
Sau thông báo trên, người dân Singapore đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng để xếp hàng rồng rắn chờ mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Gạo, mì tôm, khăn giấy, giấy vệ sinh nằm trong số những mặt hàng được mua nhiều nhất.
Đến sáng 8-2, lực mua đã giảm bớt nhưng số khách hàng ở các siêu thị vẫn đông hơn thường lệ. Cảnh tượng xếp hàng dài chờ mua và thanh toán xuất hiện tại các siêu thị của FairPrice, Cold Storage, Sheng Siong, Isetan, Meidi-Ya và Prime ở nhiều khu vực.
Trong khi đó, các nhân viên siêu thị tất bật bổ sung hàng hóa cho một số kệ hàng. Nhiều xe đẩy chở hàng chất đầy các cuộn giấy vệ sinh sau khi tin đồn vô căn cứ về nguồn cung đang cạn kiệt.
“Tôi sợ nếu họ nâng mức cảnh báo dịch nCoV lên mức mới, chúng tôi không thể đi ra ngoài”, một phụ nữ nội trợ 50 tuổi, nói với hãng tin AFP sau khi rời một cửa hàng thực phẩm.
Miu Miu, một nhân viên giúp việc nhà 30 tuổi, xếp hàng ở một siêu thị của FairPrice để mua trứng gà, nói: “Quá nhiều mặt hàng đã bị vét sạch, cứ thể như siêu thị đang tặng chúng cho khách hàng vậy”.
“Tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng mua sắm đông đến như vậy. Tôi mua được rất nhiều thịt chế biến sẵn vì thịt tươi đã được bán sạch”, Ben Aguilar, một tài xế chở hàng, nói.
Jeff Chiew, một nhân viên bảo hiểm cùng vợ đến một siêu thị của Sheng Siong ngay khi nó vừa mở cửa. Họ đã mua rất nhiều mì tôm dù trước đây, họ ít khi ăn món này.
“Vì mọi người ai cũng mua thực phẩm tích trữ, chúng tôi cũng mua theo nhưng chỉ mua nhiều hơn một chút so với bình thường”, anh cho biết.
Đôi vợ chồng này quyết định ở nhà chứ không thực hiện chuyến du lịch vào cuối tuần sang Malaysia như dự định.
Một quản lý ở một siêu thị của Isetan Scotts, nói các kệ hàng bị vét sạch là do mọi người đổ xô mua thực phẩm dự trữ. Người quản lý này cho biết gạo Thái ở siêu thị này đã được bán hết và sẽ được bổ sung vào ngày 10-2.
Giới lãnh đạo kêu gọi bình tĩnh
Trước tình hình trên, hôm 8-2, phát biểu tại một sự kiện cộng đồng, Tổng thống Singapore Halimah Yacob kêu gọi người dân giữ bình tĩnh và không hùa theo các hành vi “không giúp ích cho chính chúng ta và cộng đồng chúng ta”.
Cùng ngày, trong một thông điệp trên Facebook, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng, “cách người dân phản ứng trước dịch nCoV sẽ là một bài sát hạch lớn đối với tính đoàn kết và sức bật tâm lý của quốc gia chúng ta”.
“Nỗi sợ hãi có thể gây tổn thương lớn hơn dịch nCoV. Nó có thể làm chúng ta hoảng loạn hoặc làm những điều khiến tình hình trầm trọng hơn, chẳng hạn lan truyền tin đồn trên mạng, tích trữ khẩu trang hay thực phẩm hoặc đổ lỗi cho những nhóm người cụ thể gây ra cơn bùng phát dịch nCoV”, ông nói.
Ông nói tiếp: “Chúng ta không cần phải hoảng sợ. Chúng ta không phong tỏa thành phố hay yêu cầu mọi người ở nhà. Chúng ta có nguồn cung hàng hóa dồi dào nên không cần phải tích trữ mì tôm, thực phẩm đóng hộp, giấy vệ sinh như mọi người đã làm vào ngày hôm qua”.
Bộ trưởng Công thương Singapore Chan Chun Sing, cũng cảnh báo người dân đang tước đoạt quyền lợi của nhau bằng hành vi tranh nhau mua hàng hóa dự trữ.
Ông viết trên Facebook: “Việc chúng ta muốn bản vệ bản thân và người thân yêu là điều tự nhiên. Tuy nhiên, tôi kêu gọi tất cả chúng ta phải nghĩ đến cộng đồng rộng lớn hơn mà chúng ta thuộc về. Tích trữ hàng hóa có nghĩa là chúng ta đang tước đoạt những thứ mà những người khác trong cộng đồng đang thực sự cần”.
Seah Kian Peng, Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị FairPrice cho biết, các nhân viên của FairPrice đang làm việc liên tục để phục vụ khách hàng. Ông cho biết một số khách hàng mua nhiều hơn thường lệ vì họ sợ không thể rời nhà nếu dịch nCoV diễn biến nghiêm trọng hơn.
“Đó là phản ứng bản năng và tự nhiên của con người. Chúng ta hãy mua những gì cần thiết nhưng không cần tích trữ quá nhiều. Chúng tôi có nguồn cung nhưng cần thời gian để bổ sung hàng hóa”, ông cho biết.