Một thỏa hiệp cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran chẳng những là một dấu ấn trong lịch sử mà còn là sự khởi đầu cho một cuộc sống khá hơn của người dân Iran. Đó là nhận định của nhiều người Iran được phỏng vấn qua điện thoại, khi một thỏa hiệp giữa phương Tây và chính quyền Tehran về vấn đề hạt nhân và dỡ bỏ cấm vận sắp đạt được. Cuộc phỏng vấn được tiến hành với trên một ngàn người trong khoảng thời gian từ 12 đến 28-5 năm nay, cho thấy 61% người Iran được hỏi tin rằng thỏa hiệp sẽ giúp họ sớm được tiếp cận với thuốc trị bệnh và dụng cụ y tế sản xuất tại nước ngoài. Có 62% người được phỏng vấn hy vọng là nhờ có thỏa hiệp, nhiều công ty nước ngoài sẽ bỏ vốn đầu tư tại Iran.
Tuy nhiên, khung thời gian cho việc dỡ bỏ cấm vận vẫn còn là một trở ngại lớn trong quá trình đàm phán, chi tiết chính xác của việc này vẫn chưa được công bố. Nhà lãnh đạo tối cao Iran là Ayatollah Ali Khamenei, trong một bài diễn văn quan trọng đọc hôm 23-6, vẫn đòi hỏi mọi hình thức cấm vận của Mỹ đối với Iran phải được dỡ bỏ ngay khi ký thỏa hiệp giữa hai bên. Về phía Mỹ, tổ chức Chiến dịch Quốc tế vì Nhân quyền ở Iran (ICHRI) trụ sở đặt tại New York vừa công bố tài liệu nghiên cứu dày 34 trang cho thấy xã hội dân sự tiếp tục ủng hộ các cuộc đàm phán, trong lúc vẫn chỉ trích các chính sách do chính quyền Iran thực hiện trong nước. Trong cuộc phỏng vấn kéo dài từ ngày 13-5 đến 2-6-2015 do ICHRI thực hiện với 28 thành viên các tổ chức dân sự nổi tiếng, 71% người trả lời kỳ vọng vào những lợi ích kinh tế phát sinh từ sự hình thành thỏa hiệp hạt nhân, trong đó bao gồm sự gia tăng đầu tư nước ngoài, thu nhập về dầu lửa, những thuận lợi về nhân dụng, sản xuất và tăng trưởng. Tuy nhiên 20% trong số này tin rằng những thuận lợi trên sẽ không đến được với dân thường Iran do sự quản lý yếu kém của chính quyền. Nhận định này phù hợp với quan điểm của số đông nhà lãnh đạo tổ chức dân sự luôn tỏ ra hoài nghi năng lực của chính quyền (Thủ tướng) Rouhani trong việc tận dụng những thuận lợi mà thỏa hiệp mang lại.
Mặt khác, 36% những người được phỏng vấn cho rằng sẽ không có tiến bộ trong tự do chính trị và văn hóa ở Iran do chính quyền Rouhani vừa thiếu năng lực vừa thiếu thiện chí; 25% số khác tin rằng những lợi ích kinh tế do thỏa hiệp mang lại sẽ chỉ đến tay những thành phần giàu có và nhiều thế lực trong xã hội Iran. Tuy nhiên, 61% số người được phỏng vấn tin tưởng vào những cải cách chính trị và văn hóa của chính quyền Rahouni và vẫn xem sự hình thành một thỏa hiệp giữa phương Tây và Iran là con đường tốt nhất dẫn đến một đời sống tốt hơn cho hầu hết người dân trong nước.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)