Hàng chục ngàn người biểu tình ở hàng loạt thành phố trên toàn nước Đức yêu cầu ngưng đàm phán Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được đề xuất giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Những người biểu tình nói rằng hiệp định này sẽ hạ thấp tiêu chuẩn châu Âu về thực phẩm và bảo vệ môi trường, và có thể dẫn đến thuê nhân công ngoài và gây tổn thất tới việc làm, còn những người ủng hộ thỏa thuận này tin tưởng hiệp định sẽ giúp giảm thuế quan và thúc đẩy tăng trưởng.
Những người biểu tình cũng phản đối một thỏa thuận tương tự giữa EU và Canada dự kiến được ký trong tháng 10 tới.
Nhiều đám đông lớn mang cờ và biểu ngữ ở bảy thành phốở Berlin, Munich, Hamburg và Frankfurt của Đức, bất chấp thời tiết ẩm ướt và hơi lạnh. Nhiều người biểu tình nói thỏa thuận này sẽ dẫn đến việc người dân bị bóc lột bởi các doanh nghiệp trên cả hai bờ Đại Tây Dương.
Một vòng đàm phán mới chuẩn bị bắt đầu vào tháng Mười, và Tổng thống Obama nói rằng ông muốn thỏa thuận này sẽ được ký kết trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1-2017.
Mục tiêu của TTIP là đề xuất loại bỏ hoặc giảm bớt các rào cản thương mại giữa Mỹ và EU. Các nhà đàm phán đang làm việc nhằm hướng tới loại bỏ hầu hết thuế quan.
Nhưng các kế hoạch đã đối mặt với sự phản đối ở châu Âu từ người dân cũng như một số chính phủ. Ngày 30-8, Pháp đã chính thức yêu cầu tạm ngưng đàm phán về TTIP.
Một phần công luận Mỹ và châu Âu quy trách nhiệm cho chính sách toàn cầu hóa mở ra từ đầu những thập niên 1980-1990 cướp đi công việc làm của hàng chục triệu người, một tầng lớp bị gạt ra ngoài con tàu tăng trưởng.
Sau nhiều năm hứng chịu hậu quả của khủng hoảng tài chính và ngân hàng, tinh thần bài toàn cầu hóa càng rõ nét. Nền công nghiệp ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương bị cạnh tranh dữ dội. Lương trung bình sa sút khi bị lương rẻ của châu Á cạnh tranh. Đời sống của cả một tầng lớp trong xã hội Âu – Mỹ điêu đứng khi bị mất việc làm vì các công xưởng di dời cơ sở sản xuất.
Tinh thần chống toàn cầu hóa càng dâng cao. Tất cả mọi dồn nén, bức xúc như đang tập trung vào TTIP.
Lý do khiến công luận châu Âu muốn chôn vùi TTIP càng sớm càng tốt là do từ trước tới nay, các thống kê của EU thường vẽ ra những viễn cảnh kinh tế tươi sáng trước những kế hoạch thành lập một thị trường chung, một đại gia đình châu Âu, một thị trường rộng lớn… Thực tế thường không được như vậy.
Thống kê của EU chỉ ra rằng với TTIP kể từ năm 2027, mỗi năm toàn khu vực sẽ thu về được thêm 119 tỉ euro (110 tỉ euro theo thống kê của phía Mỹ). Phe bài TTIP cho rằng, con số này là quá ít ỏi, không chính xác bởi vì, mức được hay thua của từng ngành nghề, không đồng đều.
Về tính thực hư của các con số được nêu ra, nhà nghiên cứu Elvire Fabry, thuộc Trung tâm Jacques Delors đặc trách về hồ sơ TTIP, thận trọng cho rằng: Hiệp định xuyên Đại Tây Dương không đem lại phép lạ cho tăng trưởng và công việc làm tại châu Âu: “Điều mà chúng ta chờ đợi là TTIP sẽ là một đòn bẩy, một cú hích, giúp thương mại và việc làm của châu Âu vững mạnh hơn. Thế nhưng hiệp định này không phải là chiếc đũa thần. Cần phải hiểu, EU thương lượng với Mỹ để tiến tới một khu vực tự do mậu dịch chung sau khi đã đàm phán với Nhật Bản, nhiều nước Á châu và tại châu Mỹ Latinh. Bruxelles đã kết thúc đàm phán với Canada. Chúng ta đừng quên EU là siêu cường số 1 trên thế giới về mặt thương mại”.
Chuyên gia Thomas Porcher thuộc Đại học Paris 1-Sorbonne lưu ý khác biệt giữa thỏa thuận giữa EU và Hàn Quốc so với dự án giữa Bruxelles và Washington như sau: “Châu Âu và Hàn Quốc sản xuất những mặt hàng khác hẳn nhau, ngoại trừ ngành công nghiệp xe hơi. Ngược lại với Mỹ, chúng ta cùng bán và cùng nhập những mặt hàng, những dịch vụ rất tương đồng với nhau. Không có sự bổ sung nào cho nhau. Cạnh tranh giữa châu Âu và Mỹ trong tương lai sẽ rất khốc liệt. Tôi không nghĩ là TTIP sẽ làm phía Hoa Kỳ từ bỏ những lợi thế của họ để đi theo châu Âu”.
Với tiết lộ của Greenpeace, Bruxelles lại càng khó ăn khó nói khi tổ chức bảo vệ môi trường này chứng minh là tại Đức, nền kinh tế số 1 trong EU, là nơi chống đối TTIP rất mạnh. Nhiều tổ chức trong xã hội dân sự tại Đức lo rằng Bruxelles đã đầu hàng Washington ít nhất là trong hai lĩnh vực nông nghiệp và đầu tư.
Chưa biết tương lai khu vực tự do mậu dịch chung Âu – Mỹ đi về đâu và dù bênh hay chống thì thực tế cho thấy TTIP còn đầy gian nan. Cho dù Bruxelles và Washington có đạt được đồng thuận, hiệp định chỉ chính thức có hiệu lực một khi được toàn bộ chính phủ 28 thành viên EU và sau đó là Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Bước thứ ba là hiệp ước phải có được sự đồng thuận của hơn 500 triệu công dân trong EU.
Đ.N (DNSGCT)