Du học Mỹ luôn là giấc mơ của nhiều sinh viên trên khắp thế giới. Mỹ cũng là một trong những nước có học phí cao nhất thế giới, nên “giấc mơ Mỹ” với nhiều bạn sẽ chỉ mãi là giấc mơ xa vời. Tuy nhiên, Mỹ lại được biết đến như một trong những quốc gia hào phóng nhất trong việc cấp các gói học bổng cũng như hỗ trợ tài chính cho các sinh viên giỏi, từ cấp độ chính phủ cho đến nhà trường cũng như các tổ chức tư nhân.
Thông thường khi xét tuyển, các trường đại học sẽ phải cân nhắc cả khả năng chi trả cũng như xoay xở về tài chính của sinh viên trong suốt thời gian học. Và chỉ những sinh viên vừa đáp ứng được nhu cầu học thuật, vừa đáp ứng được nhu cầu tài chính mới có thể được chấp nhận. Tuy nhiên, ở Mỹ lại có một hình thức xét tuyển độc đáo không có ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, đó là hình thức xét tuyển không dựa trên tiêu chí tài chính – need-blind admission. Với hình thức xét tuyển này, sinh viên sẽ chỉ được cân nhắc dựa trên khả năng và tài năng của mình. Hình thức xét tuyển này có thể được áp dụng cho cả sinh viên quốc tế hoặc chỉ áp dụng cho sinh viên bản xứ tùy mỗi trường. Và đa phần, chính sách tuyển sinh need-blind admission sẽ đi cùng gói hỗ trợ tài chính toàn diện từ nhà trường, giúp học sinh trúng tuyển có thể theo học đến hết chương trình học của mình.
Định nghĩa need-blind admission
Tuy mỗi trường có một chính sách need-blind admission khác nhau, nhưng điểm chung của chính sách này là yếu tố tài chính không được cân nhắc khi nhà trường xem xét đơn xin học của một ứng viên. Việc liệu một ứng viên có đủ khả năng chi trả học phí hay không sẽ được gác sang một bên, chỉ có khả năng của ứng viên được đưa ra xem xét. Trong nhiều trường hợp, sinh viên quốc tế cũng sẽ được áp dụng chính sách need-blind admission trong khi tại nhiều trường đại học, chính sách này chỉ được áp dụng cho sinh viên có quốc tịch Mỹ.
Có một số trường tuy áp dụng chính sách need-blind admission nhưng lại không kèm theo lời hứa sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí khi ứng viên được nhận học. Điều này có nghĩa là cho dù được trường chấp thuận cho theo học, nếu không có đủ khả năng tài chính, ứng viên vẫn không thể nhập học. Có năm trường đại học đã công bố sẽ hỗ trợ tất cả sinh viên của mình, dù là sinh viên bản xứ hay quốc tế, để có đủ điều kiện tài chính theo học chương trình mà họ được chấp thuận. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các trường đại học trên sẽ chi trả toàn bộ chi phí của sinh viên khi theo học tại trường, vì mục đích của chương trình hỗ trợ là giúp mọi sinh viên giỏi có đủ điều kiện để theo học tại trường chứ không phải là chương trình học bổng toàn phần. Sinh viên và gia đình sẽ phải đóng góp một khoản trong khả năng của mình, có nghĩa là có được đến đâu, đóng góp đến đó. Số tiền mà sinh viên phải đóng sẽ được xem xét ngay từ đầu bằng các tài liệu tài chính mà chính sinh viên cung cấp trong bộ hồ sơ xin học của mình. Ngoài ra, học phí và sinh hoạt phí còn có thể được chi trả bằng các khoản vay, cũng như khoản tiền lương được trả từ việc làm thêm, tất cả sẽ được nhà trường lên kế hoạch chi tiết để giúp sinh viên của mình có một kế hoạch tài chính hoàn chỉnh trong suốt quá trình học.
Những trường đại học có chính sách need-blind admission cho sinh viên quốc tế
Nhiều trường đại học tại Mỹ áp dụng chính sách tuyển sinh need-blind admission nhưng không phải trường nào cũng áp dụng chính sách này với sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, có năm trường đại học hàng đầu hiện áp dụng chính sách tuyển sinh need-blind admission và hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế, đó là Đại học Harvard, Đại học MIT, Đại học Princeton, Đại học Yale và Đại học Amherst.
Đây cũng chính là những cái tên không hề xa lạ với cộng đồng sinh viên thế giới, được xem là năm trong số những trường đại học hàng đầu, giàu có và tuyển lựa khắt khe nhất trên thế giới. Cũng chính vì lý do đó mà những trường đại học này luôn mong muốn thu hút được những nhân tài nổi bật nhất thế giới về nhập học tại trường mình, trong đó không phải nhân tài nào cũng có đủ khả năng chi trả cho khoản học phí cao ngất ngưởng tại đây. Nếu chưa tính đến yếu tố tài chính thì việc được chấp nhận học tại các trường đại học nêu trên đã được xem là một mục tiêu to lớn của nhiều bạn mà để đạt được, bạn phải cạnh tranh với hàng ngàn ứng viên ưu tú khác. Và các trường đại học này cũng cho rằng nếu một sinh viên đã có đủ khả năng để được nhận học, trường sẽ có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên ưu tú đó có thể theo học đến cùng chương trình học của mình. Đây cũng chính là lý do mà các trường đại học trên không chỉ luôn đứng vững trên bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới mà hằng năm, số lượng đơn xin học gửi về cũng luôn là một con số khổng lồ.
Tuy nhiều trường đại học khác ở Mỹ không có chế độ tuyển sinh need-blind admission nhưng Mỹ vẫn được biết đến là một quốc gia rộng tay trong lĩnh vực hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Những ứng viên không có đủ điều kiện tài chính vẫn được khuyến khích nộp đơn xin học tại các trường đại học Mỹ, đặc biệt là tại các trường đại học có chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế. Tuy không áp dụng chính sách need-blind admission, có nghĩa là điều kiện tài chính của sinh viên sẽ được đưa vào cân nhắc cùng với các yếu tố học thuật khác nhưng khả năng nhận được hỗ trợ tài chính của sinh viên vẫn hoàn toàn khả thi. Ở những trường đại học không áp dụng chính sách need-blind admission, một khi đã được chấp nhận học, sinh viên vẫn nhận được khoản hỗ trợ tài chính mà mình cần, tuy điều này có nghĩa sinh viên phải chứng tỏ được bản thân mình là khoản đầu tư xứng đáng hơn so với những hồ sơ khác.
Nhật Hà (DNSGCT)