Tuy nhiên, trên thực tế thỏa thuận này còn rất mong manh.
Trong tuyên bố trên đài phát thanh của Israel hôm 22-11, Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak cảnh báo Israel có thể nối lại các hoạt động quân sự tấn công dải Gaza vào bất cứ thời điểm nào nếu phía Hamas tiếp tục các vụ bắn pháo cũng như hành động khiêu khích. Ông Barak nhấn mạnh, thỏa thuận ngừng bắn vừa qua không phải là hiệp ước chính thức giữa Israel và Hamas đạt được thông qua đàm phán.
Phát biểu của ông Barak đưa ra khi chỉ vài giờ sau khi chính thức có hiệu lực, thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền Israel và Hamas đang kiểm soát dải Gaza đã bị vi phạm với 12 quả rocket từ dải Gaza bắn sang phần lãnh thổ phía nam của Israel.
Vùng đất đầy bất an
Dải Gaza là một vùng đất hẹp ven biển dọc theo Địa Trung Hải, có biên giới trên bộ 11km với Ai Cập ở phía tây nam và biên giới 51km với Israel ở phía bắc và phía đông, còn về mặt pháp lý thì không được quốc tế công nhận là một phần của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào. Tên của nó được đặt theo tên thành phố chính Gaza. Đây là vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất trên trái đất, với hơn 1,6 triệu người sống trên diện tích 360km².
Ngược dòng lịch sử, làn sóng di cư của người Do Thái vào vùng đất Israel/Palestine dưới thời cầm quyền của Đế chế Ottoman và sau này dưới thời ủy trị Anh đã làm nảy sinh căng thẳng giữa dân tộc Do Thái và các sắc dân Ả Rập trong vùng.
Từ sau Thế chiến thứ nhất, Palestine trở thành lãnh thổủy trị của Anh. Ngày 14-5-1948, trước khi thời hạn ủy trị của Anh tại Palestine chấm dứt thì vào lúc nửa đêm ngày 15-5, giới lãnh đạo chủ nghĩa phục quốc Do Thái đã tuyên bố thành lập Nhà nước Israel tại chính nơi này. Hầu như ngay lập tức, Ai Cập, Lebanon, Syria, Jordan và Iraq tuyên bố chiến tranh với nhà nước non trẻ, bắt đầu giai đoạn chiến tranh Ả Rập – Israel.
Một cuộc ngừng bắn được các bên liên quan tuyên bố năm 1949, thừa nhận các biên giới tạm thời gọi là Giới tuyến xanh. Theo đó Israel có thêm được 26% lãnh thổủy trị phía tây sông Jordan. Về phần Jordan thì chiếm các vùng núi rộng lớn của Judea và Samaria, sau này được gọi là Bờ Tây. Ai Cập giành quyền kiểm soát một dải đất nhỏ dọc theo bờ biển, chính là dải Gaza hiện nay.
Sau khi liên quân Ả Rập bị Israel đánh bại, khoảng 800.000 người Palestine đã bỏ chạy khỏi các khu vực bị Israel sáp nhập và trở thành những người tỵ nạn tại các nước láng giềng, vì thế đã tạo ra “Vấn đề Palestine” khiến khu vực từ đó luôn ở trong tình trạng bất an.
Tiếp theo, trong cuộc chiến tranh Ả Rập – Israel diễn ra giữa Israel với Ai Cập, Jordan và Syria trong sáu ngày hồi năm 1967, Israel đã chiếm được dải Gaza, bán đảo Sinai, vùng Bờ Tây sông Jordan và cao nguyên Golan.
Về phía người Palestine, vào năm 1958, Al-Fatah – tổ chức cách mạng đầu tiên của nhân dân Palestine, được thành lập dưới sự lãnh đạo của ông Yasser Arafat. Tiếp theo, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) thành lập năm 1964, quy tụ nhiều đảng phái khác nhau của người Palestine như Fatah (lớn nhất), PFLP và DFLP (lớn thứ nhì và thứ ba), PLF (của ông Abu Abbas hiện là tổng thống Palestine) và một số phái khác.
Năm 1969, tại “Quốc dân đại hội Palestine”, ông Arafat được chọn làm lãnh đạo toàn thể PLO và năm năm sau đó Liên đoàn Ả Rập nhìn nhận PLO như là đại diện duy nhất của người Palestine.
Ngày 15-11-1988, “Quốc dân đại hội Palestine” ra tuyên ngôn độc lập, tuyên cáo nhà nước Palestine, cho dù lúc đó họ không có mảnh đất cắm dùi chính thức nào.
Một tháng sau, tại Geneva, ông Arafat gián tiếp tuyên bố thừa nhận sự tồn tại của Israel trong phạm vi của các đường biên giới trước năm 1967. Điều này có nghĩa là dải Gaza và Bờ Tây sông Jordan không thuộc về Israel. Hoa Kỳ và Israel hoan hỉ trước tuyên bố này.
Binh sĩ Israel cầu nguyện tại một phòng tuyến ở phía nam Gaza