Cũng trong năm 1988, Quốc vương Hussein của Jordan tuyên bố chấp nhận khu vực Bờ Tây sông Jordan tách ra khỏi Jordan để cung cấp lãnh thổ cho người Palestine.
Vậy là Palestine đã hội đủ ba yếu tố cấu thành quốc gia là dân tộc, chính quyền và lãnh thổ. Khoảng 100 quốc gia lần lượt thừa nhận nhà nước Palestine mới mẻ này.
Việc ông Arafat và PLO năm 1988 thừa nhận sự tồn tại của Israel là một diễn biến hợp xu thế của thời cuộc. Bởi trước đó, vào tháng 3-1979, sau bao cuộc chiến tranh từ 1948-1956, rồi thì 1967, 1973, cuối cùng Ai Cập và Israel cũng đã ký hiệp định hòa bình, từ chỗ không nhìn nhận sự tồn tại của nhau chuyển qua thừa nhận và sống chung hòa bình, hợp tác.
Từ sau tuyên bố Geneva, PLO lẳng lặng đàm phán với Israel để rồi tiến đến Hiệp định Hòa bình Oslo năm 1993. Ngày 13-9, Thủ tướng Israel lúc ấy là Yitzhak Rabin cùng Chủ tịch PLO Yasser Arafat cùng ký kết hiệp định này tại thủ đô Washington với sự chứng thực của Tổng thống Bill Clinton. Căn cứ theo thỏa thuận trong Hiệp định, Chính quyền Palestine (PNA) được thành lập như là một nhà nước lâm thời của người Palestine và Yasser Arafat trở thành tổng thống của PNA.
Hiệp định lịch sử này là kết quả của chuỗi đối thoại giữa đại diện của chính phủ Israel và đại diện của người Palestine là PLO, tức một sự thừa nhận lẫn nhau lần đầu tiên. Động thái này đã giúp các ông Yasser Arafat, Yitzhak Rabin và Shimon Peres (Bộ trưởng Ngoại giao Israel lúc ấy) được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1994.
Năm 2003, ông Arafat rút lui, trao ghế thủ tướng lại cho ông Abu Abbas sau này đắc cử tổng thống Chính quyền Palestine.
Tháng 8-2005 chính phủ Israel trong một động tác bày tỏ thái độ hòa hoãn tích cực đã đồng ý áp dụng kế hoạch của Thủ tướng Ariel Sharon đơn phương rút khỏi Gaza, theo đó dỡ bỏ toàn bộ các khu định cư của người Israel và dời toàn bộ người định cư cùng các căn cứ quân sự khỏi dải đất hẹp này. Cuối năm 2005, chính quyền Israel chính thức tuyên bố kết thúc giai đoạn kiểm soát quân sựở dải Gaza sau 38 năm.
Dải Gaza chính thức thuộc quyền tài phán của chính quyền Palestine và họ cùng kiểm soát biên giới của dải Gaza với Ai Cập, còn Israel thì kiểm soát không phận và đường bờ biển mà Israel nói là để bảo vệ an ninh cho mình.
Hamas – không đội trời chung với Israel
Thế nhưng, không phải tất cả đều cùng suy nghĩ và thái độ như ông Arafat, hoặc ông Abu Abbas sau này thay thế ông Arafat ở ghế tổng thống Palestine.
Tổ chức Hamas ở dải Gaza hay tổ chức Hezbollah ở miền nam Lebanon là những điển hình của lập trường không đội trời chung với Israel.
Là một tổ chức chiến binh Hồi giáo chính thống hoạt động ở Bờ Tây và dải Gaza, Hamas là từ viết tắt cho Harakat
al-Muqawama al-Islamiyya (Phong trào Kháng chiến Hồi giáo). Trong tiếng Ả Rập, Hamas có nghĩa là “nhiệt huyết”.
Hamas thường được biết đến dưới vai trò là một phong trào quân sự, nhưng trên thực tế họ còn hoạt động trên nhiều lĩnh vực như tôn giáo, chính trị và an ninh. Họ thực hiện nhiều chương trình phúc lợi xã hội ở các trường học, bệnh viện và các tổ chức tôn giáo.
Thường dân Israel sơ tán khỏi hiện trường các vụ không kích